Nhân rộng mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp

Thúc đẩy liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp là một giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gia cầm tại Nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm xuất khẩu Viet AVIS (Hoằng Hóa).

Do đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp, các địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực.

Là doanh nghiệp chuyên nghiên cứu, chọn tạo phát triển giống lúa mới, chuyển giao công nghệ, sản xuất, kinh doanh lúa gạo, Công ty CP Thương mại Sao Khuê, xã Đông Hoàng (Đông Sơn) đã thực hiện phát triển vùng nguyên liệu theo hướng tập trung, quy mô cánh đồng mẫu lớn, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, liên kết với người nông dân của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích hơn 500 ha để sản xuất những giống lúa thương phẩm chất lượng cao được thị trường ưa chuộng, như: Lúa nếp cái hoa vàng Quý Hương, gạo tẻ Bắc Hương... Với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ bảo đảm an toàn thực phẩm, chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo của công ty được công nhận là một trong 5 chuỗi giá trị nông sản an toàn cấp tỉnh. Anh Đỗ Thế Anh, đại diện công ty, cho biết: Ngoài việc liên kết tạo vùng nguyên liệu, công ty còn xây dựng 200 cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh để tiêu thụ, đưa những sản phẩm gạo chất lượng cao đến với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cuối năm 2019, công ty đã đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo có tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng, với quy mô công suất 30.000 tấn gạo thành phẩm/năm để đáp ứng nhu cầu thu mua, sấy khô và xay xát, chế biến lúa gạo của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 2-2020, lũy kế toàn tỉnh đã xây dựng được 5 chuỗi giá trị nông sản an toàn cấp tỉnh và hơn 500 chuỗi giá trị nông sản an toàn cấp xã, huyện. Các mô hình chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hình thành dựa trên cơ sở của những cánh đồng mẫu lớn, tích tụ ruộng đất, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ... Thông qua các chuỗi liên kết không chỉ nâng cao giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp mà còn từng bước hình thành tư duy sản xuất hiện đại cho người dân.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, tỉnh ta đã có nhiều mô hình liên kết chuỗi giá trị trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao, như: Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Hạ Tầng Xanh liên kết với Công ty TNHH MTV Tư vấn và Đào tạo quốc tế ITC thực hiện chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm trứng gà tươi; Công ty CP VIFOSA liên kết với hộ chăn nuôi tại xã Vĩnh Minh (Vĩnh Lộc) thực hiện chuỗi sản xuất, chế biến và cung ứng khép kín sản phẩm thịt lợn, xúc xích lợn, giò nạc; chuỗi trang trại chăn nuôi và chế biến thực phẩm của Công ty NEWHOPE SINGAPORE tại huyện Thạch Thành... Không chỉ dừng lại ở những mô hình, dự án liên kết chuỗi giá trị có tổng mức đầu tư, quy mô tác động lớn mà tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đều hình thành và có những mô hình liên kết chuỗi giá trị hiệu quả kinh tế do người dân, HTX nông nghiệp làm chủ, như: HTX dịch vụ nông nghiệp Nga Yên (Nga Sơn) xây dựng liên kết sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị; HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng (Như Thanh) với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nấm hữu cơ; HTX dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Quảng Chính (Quảng Xương) ứng dụng công nghệ trong chế biến và bảo quản tốt sản phẩm thủy sản an toàn và tiêu thụ sản phẩm cho xã viên...

Tuy nhiên, các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh chưa đa dạng về sản phẩm (chủ yếu là sản phẩm trồng trọt)... Để nhân rộng, hình thành những mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp bền vững, các địa phương cần vận dụng linh hoạt các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích của tỉnh; đồng thời, cập nhật kiến thức, kỹ năng để đổi mới, nâng cấp chuỗi đã được thành lập.

Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nhan-rong-mo-hinh-lien-ket-chuoi-gia-tri-trong-san-xuat-nong-nghiep/115154.htm