Nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Những ngày cuối tháng 12 của năm 2019, đoàn công tác chúng tôi đã trải qua một hành trình đáng nhớ theo trục đường chính của cung đường Đông Bắc Việt Nam, lần lượt đặt chân tại các địa danh với điểm dừng chân tại Bắc Kạn, Cao Bằng và Lạng Sơn.

Một góc núi rừng vùng Đông Bắc. (Ảnh: HNV)

Trước kia, trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta thường nghe tới chiến dịch “Cao Bắc Lạng” - một chiến dịch tấn công của Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đánh vào tuyến phòng thủ đường 4 và lực lượng chiếm đóng của Pháp ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn nhằm tiêu hao sinh lực và triệt đường tiếp tế của thực dân Pháp và tay sai. Thì nay, vô tình mà hữu ý, đoàn chúng tôi cũng đang đi theo cung đường Cao Bắc Lạng với mục tiêu tìm hiểu về sự khởi sắc và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – một hướng đi bền vững của hiện tại và tương lai.

Mượn hình ảnh chiến dịch năm xưa để hình dung cho công cuộc nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hôm nay thực ra chỉ là một cách nói ví von, đầy tượng thanh, tượng hình về công cuộc đổi mới, không ngừng tái cơ cấu nhằm gia tăng giá trị nông nghiệp nói chung mà Đảng và Nhà nước ta cùng toàn ngành nông nghiệp đang quyết tâm, nỗ lực thực hiện một cách hiệu quả và bền vững trong suốt thời gian qua.

Ngược lại dòng lịch sử, ngày 05/8/2008, Hội nghị TW 7 khóa X đã ban hành Nghị quyết 26 của về nông nghiệp, nông dân và nông thôn - cũng chính là Nghị quyết lịch sử đầu tiên của Đảng đề cập toàn diện tới cả 3 lĩnh vực nông nghiệp nông dân và nông thôn. Trong đó khẳng định nông dân là chủ thể, xây dựng nông thôn mới căn bản phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt, giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn là nhiệm vụ chính trj quan trọng của Đảng, toàn dân không chỉ đến năm 2020 mà còn trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển đất nước. 10 năm sau ngày thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, ngày 29/8/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, đây là loại hình sản xuất nông nghiệp không sử dụng chất hóa học, không sử dụng công nghệ biến đổi gen, phóng xạ và công nghệ khác có hại.

Bà con thu hoạch nghệ hữu cơ tại Bắc Kạn. (Ảnh: HNV)

Nghị định 109 cũng đã quy định một số chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm sản xuất sản phẩm hữu cơ về: Kinh phí điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí do cấp thẩm quyền phê duyệt (hỗ trợ 100%); chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ (hỗ trợ một lần 100%); hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo TCVN. Đồng thời, để khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, Nghị định còn quy định một số chính sách đã ban hành được ưu tiên áp dụng cho nông nghiệp hữu cơ như: Kinh phí khoa học, khuyến nông; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp, chính sách liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong nuôi trồng, khai thác dược liệu; chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; chính sách hỗ trợ gắn Nhãn xanh Việt Nam, hỗ trợ cơ sở thân thiện với môi trường... Ngoài ra, Nghị định còn quy định nguyên tắc sản xuất, tiêu chuẩn, vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ; chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; công bố tiêu chuẩn áp dụng, ghi nhãn, lô gô, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ; kiểm tra thử nghiệm chất lượng sản phẩm hữu cơ.

Gần đây nhất, 9/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030” với mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam đứng trong top 15 của thế giới về nông nghiệp hữu cơ.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có 40 tỉnh, thành có trồng trọt hữu cơ với gần 23.400 ha. Diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn của EU, Mỹ, Nhật Bản… chiếm 97,5% diện tích trồng trọt hữu cơ; sản phẩm chủ yếu là rau, quả, chè. Chăn nuôi lợn hữu cơ có 12 tỉnh thành có khoảng 64.200 con, sản lượng thịt hơi gần 6.000 tấn; chăn nuôi gà hữu cơ có ở 6 tỉnh với 273.000 con, sản lượng thịt hơi 922 tấn; chăn nuôi bò hữu cơ có 2 tỉnh là Nghệ An và Lâm Đồng được các tổ chức quốc tế công nhận với sản lượng 3.500 con. Nuôi trồng thủy sản hữu cơ mới chỉ có rất ít địa phương triển khai và chủ yếu theo hướng hữu cơ và sinh thái, đối với khai thác và đánh bắt chủ yếu dựa vào tiềm năng mặt nước ao hồ tự nhiên. Hiện tại, cả nước có 4 tỉnh có mô hình nuôi trồng thủy sản hữu cơ với tổng diện tích 134.800 ha.

Trong khi đó, Việt Nam cũng là một trong số không nhiều quốc gia có ghi nhận pháp lý cho doanh nghiệp xã hội (DNXH) trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, cùng với đó đã có một số chính sách khuyến khích phát triển khu vực này. Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ nước ta có khoảng 200 tổ chức được xem là có đầy đủ các đặc điểm của DNXH. Bên cạnh đó, có hàng chục ngàn tổ chức và DN có những đặc điểm của DNXH. Các DNXH đang hoạt động khá hiệu quả, bước đầu góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường như đào tạo kỹ năng nghề cho con em gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật... tạo cho họ việc làm ổn định, có thu nhập tương đối cao trong điều kiện chung của xã hội. Việc gắn trách nhiệm xã hội với sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay đang được coi là đòn bẩy hiệu quả của sản xuất nông nghiệp.

Có thể dễ dàng nhận ra sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị từ Trung ương xuống địa phương trong ban hành và thực thi chính sách cũng như tạo điều kiện để nhân rộng mô hình trách nhiệm xã hội gắn với sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trong hành trình nhân rộng đó cũng không thể không nhắc đến sự tham gia của các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế với các dự án hỗ trợ thiết thực và hiệu quả. Một trong số đó phải đề cập đến là “Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp vì mục đích phát triển (EFD)” triển khai từ năm 2014 đến nay. Trao đổi với đoàn công tác chúng tôi, bà Nguyễn Thu Hà, Quản lý Chương trình EFD bày tỏ vui mừng khi thấy chương trình EFD mang lại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam nhiều ý nghĩa thiết thực, nhất là trong việc nâng cao năng lực quản trị, góp phần nâng cao cơ hội phát triển cho các đối tượng yếu thế như các hộ nông dân quy mô nhỏ, phụ nữ nghèo, thanh thiếu niên nghèo. Với việc trao cơ hội nhận gói hỗ trợ chuyên sâu bao gồm đào tạo, tư vấn phát triển kinh doanh và các hỗ trợ khác nhằm nâng cao năng lực quản trị, giúp các doanh nghiêp phát triển bền vững, từ đó mang lại tác động bền vững cho các nhóm yếu thế tham gia trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp, EFD đã giúp nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ thay đổi toàn diện để đạt được những giá trị bền vững hơn.

Cán bộ địa phương, đại diện doanh nghiệp và bà con nông dân bên mô hình thử nghiệm ớt hữu cơ xuất khẩu tại Hòa An, Cao Bằng .(Ảnh: HNV)

Chúng tôi đến thăm Tổ hợp tác trồng nghệ Đôn Phong (xã Đôn Phong, Bạch Thông, Bắc Kạn) vào đúng mùa thu hoạch. Đây là Tổ hợp tác trồng nghệ organic duy nhất ở huyện Bạch Thông. Với diện tích 18 ha, tổ có 15 hộ gia đình tham gia sản xuất nghệ theo tiêu chuẩn hữu cơ được Công ty Nông sản sạch Bắc Kạn bao tiêu đầu ra. Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Cường, Giám đốc Công ty Nông sản Bắc Kạn cho biết, Bắc Kạn là địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp giúp cây nghệ phát triển tốt. Hiện, công ty đang tổ chức sản xuất nghệ organic tại 18 xã trên 4 huyện của tỉnh Bắc Kạn thu hút tổng 1.089 hộ gia đình tham gia các tổ hợp tác. “Nghệ của tổ hợp cho năng suất rất tốt trung bình khoảng 20-25 tấn/ha. Cá biệt có nơi năng suất lên tới 40 tấn/ha, công ty thu mua với giá thấp nhất 5.000 đồng/kg nên người dân rất phấn khởi khi tham gia trồng nghệ hữu cơ”, Giám đốc Công ty Nông sản Bắc Kạn tự hào nói.

Đến với vùng gừng tại thôn Ngườm Vài, Cải Viên, Hà Quảng, Cao Bằng, ông Lưu Trọng Hính, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hà Quảng cho biết, cây gừng đang là “cây thoát nghèo” của huyện khi giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 96% đến khoảng 66%, thu nhập từ cây gừng cao hơn cây ngô gấp 6 lần và đánh giá lại mới đây nhất (năm 2019) cho thấy thu nhập từ cây gừng đang gấp cây ngô 13 lần. Với việc hợp tác với công ty Phát triển Nông nghiệp và tư vấn Môi trường (DACE), huyện đã phát triển mô hình trồng gừng hữu cơ, từ 1ha (2014) tăng lên 200ha hiện nay, dự kiến mở rộng 500ha (2025) và tầm nhìn 2030 khoảng 1000ha. Việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và nhận bao tiêu hoàn toàn đầu ra cho sản phẩm của DACE đã hỗ trợ thiết thực vô cùng với bà con nông dân trên địa bàn huyện.

Anh Trương Văn Lần, 43 tuổi, người dân thôn Ngườm Vài vừa thu hoạch vụ gừng hữu cơ năm 2019 hồ hởi trò chuyện với chúng tôi: “trồng gừng có thể đổi thành tiền nuôi con ăn học”. Thu nhập trồng gừng của gia đình anh năm 2019 đạt 50 triệu đồng và trước đó, năm đầu tiên (2018) chuyển từ ngô sáng gừng năm đạt 30 triệu đồng.

Còn tại mô hình trồng ớt tại huyện Hòa An, Cao Bằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa An Đàm Thanh Hưởng cho biết, lãnh đạo huyện luôn chào đón và hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có DACE hợp tác với địa phương. Xác định cây ớt là cây làm giàu (hiện đang được gọi là “cây tỷ đô”), đất đai bằng phẳng, thổ nhưỡng phù hợp giúp chất lượng gia vị cao, độ cay của ớt cao và hoàn toàn có thể tạo thương hiệu cộng với ứng dụng khoa học công nghệ, có truy xuất nguồn gốc với cách thực sản xuất hữu cơ… “Bây giờ mô hình mới đang thử nghiệm và còn chờ phản ứng của người dân, nhưng chúng tôi có niềm tin cao vào hiệu quả của sự phát triển mô hình này” – ông Hưởng nói.

Vườn thuốc nam tại Hữu Lũng, Lạng Sơn. (Ảnh: HNV)

Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc DACE cho biết thêm, 100% nguyên liệu (gừng, ớt) sau thu hoạch sẽ được DACE bao tiêu, xuất khẩu sang thị trường Trung Đông và châu Âu.

Thăm xưởng thuốc của Công ty cổ phần thuốc Nam Việt (Vietherb) tại Hữu Lũng, Lạng Sơn, chúng tôi ngạc nhiên về quy mô cũng như mong ước của hai đồng sáng lập công ty về việc bảo tồn, nhân rộng các cây thuốc quý, các bài thuốc dân gian. Họ đã và đang góp phần không nhỏ vào việc nghiên cứu, bảo tồn, ứng dụng và phát triển bền vững nhiều cây thuốc, bài thuốc nam quý báu của dân tộc đang bị thất truyền.

Gặp gỡ các chủ công ty, doanh nghiệp, chứng kiến các mô hình và hoạt động sản xuất kinh doanh của họ, đoàn chúng tôi tin tưởng hơn vào tương lai tươi sáng của nền sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững nói chung. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động trực tiếp, gián tiếp, mô hình sản xuất càng đang làm lợi cho địa phương trong thay đổi phương thức, mô hình canh tác, sản xuất có hiệu quả, gần gũi, thân thiện với môi trường và quan trọng là giúp đổi thay đời sống bà con nông dân, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Lê Nguyễn

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/kinh-te/nhan-rong-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep-huu-co-545887.html