Nhân rộng mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ

Hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, vụ lúa mùa năm nay, huyện Thuận Châu đã triển khai mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ tại 9 xã trên địa bàn. Qua đó, nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của người dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị cây trồng, bảo vệ môi trường, sinh thái đồng ruộng, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thuận Châu hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa hữu cơ.

Bà Quàng Thị Phượng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thuận Châu, cho biết: Trước thực trạng bà con nông dân trồng lúa sử dụng 100% phân bón vô cơ làm cho đất thoái hóa, giảm nhanh các loại vi sinh vật có lợi trong đất, tồn dư các kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, tác động không tốt đến sản phẩm nông nghiệp, môi trường sinh thái..., huyện đã triển khai mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ từ tháng 7/2022 tại xã Phổng Lăng, Phổng Lập, Mường É, Chiềng Pấc, Thôm Mòn, Chiềng Ly, Chiềng Pha, Tông Cọ và Bon Phặng, với 1.916 hộ tham gia sản xuất 163,8 ha giống lúa nếp 87. Tổng kinh phí thực hiện mô hình trên 2,4 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 1,7 tỷ đồng, người dân tham gia đối ứng gần 748 triệu đồng. Quá trình triển khai, Công ty cổ phần Tuấn Tài cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật từ khâu trồng, bón phân, chăm sóc và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa cho các hộ tham gia; Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) tập huấn hướng dẫn nhân dân cấy lúa và chăm sóc theo phương pháp SRD.

Sau 4 tháng triển khai, mô hình trồng lúa hữu cơ bước đầu đã có những kết quả tích cực. Qua kiểm tra đánh giá, các hộ sử dụng phân hữu cơ bón đúng các giai đoạn kết hợp với cấy lúa theo SRD, cây lúa đẻ nhánh khỏe, bộ rễ phát triển dài, màu lá lúa xanh đậm, bản lá to, số hạt/bông đạt tỷ lệ chắc cao, lúa trổ bông và chín đồng đều. So sánh trên cùng một diện tích đất sản xuất, cùng mùa vụ và giống cây trồng cho thấy, lúa trồng theo hướng hữu cơ thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất mô hình đạt trung bình 7 tấn/ha, tăng 2 tấn/ha so với phương thức sản xuất truyền thống. Ngoài ra, quy trình kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ có sử dụng phân hữu cơ vi sinh, góp phần giảm khối lượng giống, chi phí đầu tư.

Chiềng Pấc là một trong 9 xã đăng ký tham gia triển khai mô hình năm nay, ông Quàng Văn Minh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã lựa chọn 208 hộ có nhân lực lao động, có diện tích đất tập trung tham gia mô hình 20,2 ha lúa hữu cơ; các hộ được hỗ trợ 100% chi phí phân bón, hướng dẫn kỹ thuật từ khâu trồng, bón phân, chăm sóc và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại. Từ hiệu quả mô hình, chúng tôi tiếp tục vận động nhân dân mở rộng diện tích, từng bước xây dựng vùng lúa hữu cơ của địa phương.

Gia đình bà Lò Thị Niến, bản Chiềng Pấc, xã Chiềng Pấc, đăng ký tham gia trồng 1.300m² lúa theo hướng hữu cơ. Bà Niến chia sẻ: Những vụ trước, gia đình tôi gieo sạ và sử dụng phân bón hóa học để chăm sóc lúa. Tham gia mô hình được hướng dẫn kỹ thuật, thấy chăm sóc dễ dàng, cây lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh. Cách sản xuất này giảm việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giúp môi trường đất được cải thiện, vi sinh vật có lợi phát triển tốt, năng suất cao hơn.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết: Những kết quả bước đầu của các mô hình sản xuất lúa hữu cơ sẽ góp phần tác động tích cực từng bước thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của nông dân, chuyển từ sản xuất sử dụng phân thuốc hóa học sang sử dụng phân hữu cơ, thuốc phòng trừ sâu bệnh có nguồn gốc sinh học có lợi cho môi trường. Huyện đang tiếp tục triển khai nhân rộng, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ xanh, sạch, an toàn và bền vững.

Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nhan-rong-mo-hinh-trong-lua-theo-huong-huu-co-54433