Nhân rộng việc phát hiện 3 container phế liệu, tình trạng ứ đọng tại các cảng biển sẽ khác

Vụ việc này cũng là một trong số ít các vụ việc vi phạm liên quan đến phế liệu được phát hiện kịp thời ngay khi lô hàng chưa được xếp dỡ xuống cảng biển Việt Nam từ trước đến nay.

3 container phế liệu đã được để nguyên trạng và vận chuyển quay lại nước xuất khẩu.

Để ngăn chặn, phòng ngừa các lô rác thải, phế liệu không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu, một giải pháp quan trọng được Cục Hải quan Hải Phòng thực hiện là đánh giá, phân tích kỹ lưỡng thông tin bản lược khai hàng hóa (manifest) từ trước khi hàng cập cảng.

Mới đây, áp dụng rà soát thông tin bản lược khai hàng hóa (Manifest) của tàu biển MSC SIERRA II, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ đã phát hiện 3 container được vận chuyển theo 2 vận đơn có mô tả hàng hóa là nhôm phế liệu.

Thông tin trên Manifest, thể hiện người nhận hàng là Công ty Chang Xin Việt Nam. Tuy nhiên, qua tra cứu trong danh mục doanh nghiệp được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trên dữ liệu của ngành Hải quan không có tên Công ty Chang Xin Việt Nam. Mặt khác, Giấy xác nhận bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho công ty này đã hết hiệu lực từ cuối tháng 7/2018.

Theo đó, lô hàng trên đã không đủ điều kiện xếp dỡ xuống. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ đã làm việc với hãng tàu và đề nghị không xếp dỡ lô hàng xuống cảng Nam Hải Đình Vũ; đồng thời để nguyên trạng và vận chuyển 3 container quay lại nước xuất khẩu.

Lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Đình Vũ cho biết đây là lần đầu tiên tại đơn vị phát sinh lô hàng phế liệu nhập khẩu không có giấy xác nhận về môi trường được phát hiện kịp thời ngay khi lô hàng còn nằm trên tàu và buộc vận chuyển khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Vụ việc này cũng là một trong số ít các vụ việc vi phạm liên quan đến phế liệu được phát hiện kịp thời ngay khi lô hàng chưa được xếp dỡ xuống cảng biển Việt Nam, từ trước đến nay.

Mối lo về tình trạng ứ đọng container phế liệu tại các cảng biển

Những năm qua, lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam trong ngành sản xuất thép, giấy, nhựa và xi măng có xu hướng gia tăng mạnh.

Tại cuộc họp quản lý nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì giữa tháng 7 vừa qua, số liệu được đưa ra cho thấy tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017 đã tăng gấp 2 lần so với khối lượng phế liệu nhập khẩu trong năm 2016. Trong đó, khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy và xỉ hạt nhỏ là những loại phế liệu có khối lượng tăng gấp 2-3 lần tổng khối lượng nhập khẩu năm 2016.

Đặc biệt trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến gần gấp 2 lần so với cả năm 2017. Trong khi đó, tình trạng ứ đọng phế liệu nhập khẩu ngày càng tăng tại các cảng biển, dẫn đến làm chậm lưu thông hàng hóa, giảm dung lượng bãi chứa container; làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cảng; ảnh hưởng đến hoạt động của Hải quan; ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu; làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Tại Tân cảng Sài Gòn, theo số liệu của Cục Hải quan TP.HCM và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, tính đến thời điểm ngày 26/6/2018, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại tất cả các Cảng do Tổng công ty quản lý là 4.480 container, trong đó riêng tại Cảng Cát Lái là 3.464 container chiếm phần lớn lượng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển phía Nam. Số liệu mới nhất vào đầu tháng 8 này, tại cảng Cát Lát đã tăng lên tới 4.500 container phế liệu giấy và nhựa, chiếm gần 20% sức chứa tại cảng này.

Tính đến ngày 1/8/2018, tại khu vực cảng Hải Phòng có 1.000 container phế liệu tồn đọng (quá hạn làm thủ tục 90 ngày). Trong đó, có đến 956 container là phế liệu nhựa; sắt phế liệu 33 container; phế liệu giấy 8 container; nhôm phế liệu 3 container.

Trên thực tế, mặt hàng phế liệu nhựa tiềm ẩn nguy cơ cao nhất về ô nhiễm môi trường và qua kiểm tra của Cục Hải quan Hải Phòng tại cảng VIP GREEN mới đây, tất cả 5 container phế liệu nhựa được kiểm tra đều chứa các loại rác thải, không đáp ứng yêu cầu nhập khẩu.

Nguồn ảnh: Cục Hải Quan Hải Phòng

Tình trạng tồn đọng nhiều container phế liệu tại các cảng biển hiện nay đến từ nhiều nguyên nhân bao gồm cả khách quan và chủ quan.

Tại cuộc họp giữa tháng 7 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có nêu ra, về khách quan, một số nước như Trung Quốc, Thái Lan đã ban hành quy định dừng nhập khẩu một số loại phế liệu phục vụ tái chế đã dẫn đến các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc (như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, các nước Bắc Âu…) sẽ phải tìm đối tác, thị trường nhập khẩu mới như Việt Nam, Thái Lan, Malaixia.

Do đó một số lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng các container tại các cảng biển, đặc biệt là phế liệu nhựa.

Về chủ quan, nhiều chủ hàng hoặc doanh nghiệp nhập khẩu không đến làm thủ tục thông quan do chưa có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nhưng vẫn ký hợp đồng mua bán phế liệu.

Bên cạnh đó, một số nhà nhập khẩu có Giấy xác nhận quá hạn hoặc giả mạo Giấy xác nhận, hoặc dùng giấy xác nhận của các doanh nghiệp khác liên hệ với các hãng tàu để đưa hàng về Việt Nam, nhưng không thể thông quan hàng.

Một số tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng với thực tế (địa chỉ ma) hoặc đã chuyển địa chỉ mà không cập nhật nhưng cố tình nhập phế liệu không đáp ứng quy chuẩn, quy định nên không làm thủ tục, Cơ quan Hải quan không liên hệ được để nhận hàng.

Một số hãng tàu vận chuyển trong tờ khai E-Manifest lược khai hàng hóa không có phế liệu, nhưng thực tế có phế liệu, sau khi dỡ hàng xuống cảng mới khai báo cụ thể số lượng, chủng loại hàng hóa là phế liệu.

Thêm nữa, một số lượng lớn container tồn đọng lâu ngày, chủ hàng không đến nhận hàng, có nhiều container lưu tại bãi cảng từ 5 đến 6 năm có thể bị hư hỏng, phát sinh chi phí lưu container, lưu bãi ngày càng lớn gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp cảng và hãng tàu, ảnh hưởng đến việc kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp cảng biển và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường tại khu vực cảng biển.

Một nguyên nhân nữa đến từ việc Việt Nam chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa, từ ngoài biên giới (nước ngoài), chỉ khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển sắp xếp lên bờ lúc đó mới làm thủ tục thông quan, mới kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu. Vì thế, chúng ta luôn bị động phải đối phó với những chủ tàu, chủ hàng cố tình vi phạm hoặc gian lận nhập phế liệu không đúng hoặc không có giấy phép vẫn nhập về…

Trước tình trạng này, ngay trong tháng 8 này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành thanh tra toàn diện việc chấp hành về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu.

An Nhiên

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/nhan-rong-viec-phat-hien-3-container-phe-lieu-tinh-trang-u-dong-tai-cac-cang-bien-se-khac-1535017710869.htm