Nhan sắc người mẫu gốc Việt 'châm ngòi' vụ tẩy chay D&G tại Trung Quốc

Mới đây đồng loạt các nghệ sĩ và người đại diện cho D&G đã đồng loạt rút bỏ và tẩy chay hãng thời trang nổi tiếng đến từ nước Ý xinh đẹp, nguyên nhân của vụ việc được cho là do nhà lãnh đạo đồng thời sáng lập D&G đã có những lời lẽ miệt thị Trung Quốc – đất nước 1,35 tỷ dân này.

Trưa 24/11, nhiều tờ báo và trang mạng lớn của Trung Quốc đưa tin về một người mẫu lên tiếng vạch mặt sự giả dối của Dolce & Gabbana đồng thời tẩy chay thương hiệu nổi tiếng này.

Lộ đoạn chat khiến D&G điêu đứng.

Cách đây vài ngày, Michaela Phương Thanh Tranova đã tung những tin nhắn giữa cô với nhà thiết kế Stefano Gabbana. Trong đó, nhà thiết kế Italy đã sử dụng hình ảnh đống phân để miêu tả về người Trung Quốc và nói cộng đồng người Hoa là bẩn thỉu, tuyên bố "không có các người chúng tôi vẫn sống tốt".

Được biết cô gái dũng cảm trên là Michaela Phương Thanh Tranova, một người mẫu gốc Việt.

Trả lời về hành động anh hùng trên, Michaela Phương Thanh Tranova cho biết: "Tôi không hề nghĩ mình sẽ được nổi tiếng hơn hay cần thu hút thêm người quan tâm. Tôi không phải là một người có ảnh hưởng. Tôi chỉ là một người bình thường và chứng kiến những điều không công bằng. Tôi đã hành động và vì thế mọi chuyện đã diễn ra như thế. Sự không công bằng có thể xảy đến với bất kỳ ai trong chúng ta".

Trên mạng xã hội Trung Quốc, Michaela Phương Thanh Tranova đã nhận được những cơn mưa lời khen đến từ những người dân của đất nước với 1,35 tỷ dân này. Cô được ca ngợi là một phụ nữ tuyệt vời, dám lên tiếng về lẽ phải, một vài độc giả còn hào phóng mời cô đi ăn với sự thân thiện.

Hiện, tên của Phương Thanh hiện trở thành từ khóa hot trên Weibo. Cư dân mạng Trung Quốc hy vọng cô sẽ có những bước phát triển về sự nghiệp trong tương lai ở Trung Quốc.

"Cô gái bóc phốt D&G" Michaela Phương Thanh Tranova hiện đang là người mẫu và theo học ngành thời trang tại London từ 2011.

Michaela Phương Thanh Tranova sở hữu vẻ ngoài nóng bỏng và gợi cảm.

Không chỉ lấy được bằng cử nhân nghệ thuật của trường đại học York, Michaela Phuong Thanh Tranova còn học thêm khoa thiết kế thời trang học viện Istituto Maeangoni tại London.

Sau khi tốt nghiệp, Michaela Phuong Thanh Tranova làm trợ lý truyền thông và sự kiện trước khi thử sức với vị trí marketing cho tạp chí Vinyl, làm trợ lý bán hàng cho nhãn hiệu Gucci và Linda Farrow.

Sự việc ồn ào của Dolce & Gabbana (D&G) bắt đầu từ một đoạn quảng cáo được cho là phản cảm, có ý nghĩa kì thị.

Theo đó, D&G đã sử dụng câu chuyện dùng đũa – một công cụ dùng bữa truyền thống của người Trung Quốc và nhiều quốc gia tại châu Á. Mọi chuyện sẽ không có gì nếu như thông điêp của đoạn quảng cáo được đưa ra khá phản cảm khi đã chê bai văn hóa dùng đũa của người Trung Quốc.

Đoạn video gây tranh cãi, khiến dân mạng tức giận và cho rằng hành động này là kỳ quái, chế giễu người Trung Quốc.

Đoạn quảng cáo mô tả một người mẫu Trung Quốc phải cố gắng ăn các món phương Tây bằng đũa.

Thay vì nói về nét đẹp truyền thống của một quốc gia Á Đông khi dùng đũa thì quảng cáo của D&G lại nhấn mạnh thông điệp: "Đũa quá nhỏ" và khó sử dụng cho các món ăn phương Tây.

Tuy nhiên, ngay trong tâm bão, một đoạn tin nhắn từ Giám đốc sáng tạo của D&G là Stefano Gabbana càng khiến cư dân mạng phẫn nộ.

Trong đó, Stefano có bày tỏ quan điểm khiếm nhã khi dùng lời lẽ thô thiển để nói về Trung Quốc và cho rằng "Không có Trung Quốc thì thương hiệu của tôi vẫn sống tốt".

Bê bối nổ ra khiến chuỗi thời trang này phải hủy một chương trình trình diễn ở Thượng Hải. Các nhà bán lẻ tại Trung Quốc và Hong Kong ngừng bán sản phẩm của Dolce & Gabbana. Các trang mua sắm trực tuyến của Trung Quốc đồng loạt gỡ bỏ các mặt hàng của hãng.

Các sao Hoa ngữ như Chương Tử Di, Trần Khôn tuyên bố không bao giờ sử dụng bất kỳ sản phẩm nào của D&G cũng như không nhận lời tham gia các show thời trang của hãng mốt này; các đại sứ thương hiệu bao gồm Karry Vương Tuấn Khải TFBoys, diễn viên Địch Lệ Nhiệt Ba đã ngay lập tức đơn phương chấm dứt hợp đồng với nhãn hàng thời trang danh tiếng sau scandal nhục mạ người Trung Quốc.

Nhiều người biểu tình nhắm đến cửa hàng chính của hãng tại kinh đô thời trang Milano (Italia).

Ngày 23/11, Stefano Gabbana và Domenico Dolce – hai nhà sáng lập thương hiệu thời trang Dolce&Gabana chính thức xin lỗi vì những phát ngôn xúc phạm Trung Quốc vừa qua, đồng thời nói về tình yêu và sự tôn trọng của họ đối với văn hóa Trung Quốc.

Bộ đôi nhà thiết kế Stefano Gabbana và Domenico Dolce chính thức lên tiếng xin lỗi vì buông lời nhục mạ người Trung Quốc.

"Chúng tôi muốn gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến người dân Trung Quốc trên toàn thế giới" – Gabbana nói

Dolce nói thêm: "Chúng tôi hy vọng sự hiểu lầm về văn hóa Trung Quốc của chúng tôi có thể được tha thứ. Chúng tôi luôn phát cuồng vì Trung Quốc, chúng tôi đến đó rất nhiều. Chúng tôi đã đến rất nhiều thành phố. Chúng tôi yêu văn hóa của các bạn".

Video kết thúc bằng từ "xin lỗi" được nói bằng tiếng Trung Quốc.

Được biết bê bối này sẽ là một đòn giáng mạnh đến lợi nhuận của D&G tại Trung Quốc, dự kiến trong những tháng cuối của quý IV/2018, doanh thu của hãng thời trang này sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Bởi ở châu Á, Trung Quốc được đánh giá là thị trường "vàng" của các hãng thời trang.

Theo Washington Post, chuyên gia Jerry Clode của hãng Resonance (Thượng Hải) cho biết trước vụ bê bối, Dolce & Gabbana là một thương hiệu mạnh tại các thành phố lớn ở Trung Quốc, được nhắc đến trên Weibo nhiều hơn hẳn so với các đối thủ như Dior hay Burberry.

Chưa rõ Dolce & Gabbana sẽ tìm ra con đường nào để phục hồi tại thị trường Trung Quốc. Trước đây, nhà thiết kế Gabbana cũng thường gây sốc với những phát ngôn quá đà. Ông từng công khai chê một số ngôi sao như Selena Gomez là xấu xí, thể hiện sự khinh bỉ với những người thừa cân.

Ông bị chỉ trích vì phủ nhận sự tồn tại của nạn quấy rối tình dục tại Italy và bác bỏ phong trào #MeToo, ủng hộ Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump, dù cả ngành thời trang quốc tế tỏ thái độ chống đối Tổng thống Donald Trump.

Sáng 22/11, ông Cảnh Sảng, phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Trung Quốc nói đây không phải là một vấn đề ngoại giao và Trung Quốc không muốn trầm trọng hóa nó trở thành một vấn đề ngoại giao, Chính phủ Trung Quốc thể hiện không muốn liên quan trực tiếp đến vụ việc.

Dolce & Gabbana là một thương hiệu thời trang cao cấp, được thành lập bởi hai nhà thiết kế thời trang người Ý là Domenico Dolce (sinh gần Palermo, Sicilia) và Stefano Gabbana (sinh tại Milano).

Dolce & Gabbana đã gặp nhau khi cùng làm việc tại studio của George Correggiari.

Trong năm 1985, Dolce & Gabbana bắt đầu ra mắt thương hiệu bằng một buổi biểu diễn tại "Milano Collezioni" trong thể loại New Talent.

Năm 1986, Dolce & Gabbana giới thiệu bộ sưu tập tự sản xuất đầu tiên, sau đó là buổi trình diễn thời trang đầu tiên ở Milano. Các sản phẩm tiếp tục ra đời song hành với việc mở một cửa hiệu mới tại Milano.

Năm 1988, một thỏa thuận đã được ký kết với công ty có trụ sở ở Legnano của Dolce Saverio (cha của Domenico), để sản xuất đồ may sẵn.

Năm 1990, Dolce & Gabbana ra mắt bộ sưu tập dành cho nam giới đầu tiên, tổ chức trình diễn thời trang dành cho cả nam và nữ ở New York.

Từ năm 1991 đến năm 1992, Dolce & Gabbana đã tạo ra bộ sưu tập mới và tung ra dòng nước hoa đầu tiên.

Năm 1999, Dolce & Gabbana thực hiện các chiến lược kinh doanh ngành dọc, gồm 51% Dolce Saverio SpA, 100% của DGS (1 công ty dẫn đầu về phân phối bán hàng) và mua lại 5% Marcolin SpA (kinh doanh lĩnh vực kính thời trang).

Năm 2009 Dolce & Gabbana đảm nhận việc thiết kế chiếc áo hồng chung cuộc cho người chiến thắng cuộc đua xe đạp tại Ý.

Được biết, D&G là dòng sản phẩm chạy theo nguồn cảm hứng đô thị và cố gắng tạo ra các trào lưu hơn là chạy theo trào lưu. Đây được coi là dòng sản phẩm thể hiện ảnh hưởng và phong cách của các nhà tạo mẫu rõ rệt hơn so với các hãng thời trang cao cấp khác.

M.A (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhan-sac-nguoi-mau-goc-viet-cham-ngoi-vu-tay-chay-dg-tai-trung-quoc-a412207.html