Nhan sắc thế giới 2019: Tôn vinh 'vẻ đẹp gốc'

Năm 2019 thực sự là cột mốc đáng nhớ, cho thấy các cuộc thi sắc đẹp trên toàn cầu đã đi được một chặng đường dài trong vấn đề màu da.

Nhan sắc da màu lên ngôi

Năm 2019 được cho là năm của nhiều bất ngờ, khi cộng đồng yêu sắc đẹp liên tục chứng kiến sự lên ngôi của các người đẹp da màu tại các cuộc thi nhan sắc lớn nhất nhì hành tinh. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử, 5 cuộc thi sắc đẹp hàng đầu của năm là Miss USA, Miss Teen USA, Miss America, Miss Universe và Miss World đều trao vương miện cao quý cho thí sinh da màu.

Chung kết Miss World 2019 khép lại vào đêm 14-12 với màn đăng quang của người đẹp đến từ Jamaica Toni-Ann Singh. Tân hoa hậu đã vô cùng sửng sốt, xúc động đến bật khóc khi được xướng tên ở ngôi vị cao nhất. Toni-Ann Singh năm nay 23 tuổi, sinh ra ở Morant Bay, St. Thomas (Jamaica) và chuyển đến Mỹ sống từ 14 năm trước. Toni-Ann Singh vừa tốt nghiệp ngành tâm lý học tại Đại học bang Floria (FSU), Mỹ.

Miss World 2019 Toni-Ann Singh.

Miss World 2019 Toni-Ann Singh.

Sau cuộc thi, Singh đã viết trên Twitter, “gửi tới cô gái nhỏ tại St. Thomas, Jamaica năm ấy và toàn thể các bé gái trên toàn thế giới, hãy tin vào bản thân”. Singh kêu gọi mọi người hãy tin rằng “bạn xứng đáng và có thể đạt được ước mơ của mình. Chiếc vương miện này không phải của tôi mà là của các bạn. Các bạn có một mục tiêu”.

Như vậy, kể từ chiến thắng vào năm 2001 của Agbani Darego (Nigeria) thì phải đến năm 2019, Miss World - Hoa hậu Thế giới mới tôn vinh và quyết định trao vương miện cho một người đẹp da màu.

Chiến thắng của Toni-Ann Singh đến chưa đầy một tuần sau khi Zozibini Tunzi, 26 tuổi, đến từ Nam Phi đăng quang Miss Universe 2019. So về nhan sắc, Zozibini Tunzi không thực sự nổi trội như các thí sinh khác nhưng người đẹp 26 tuổi lại chinh phục ban giám khảo bởi sự thông minh, thần thái khỏe khoắn cùng những câu nói truyền cảm hứng tích cực.

Tân Miss Universe nói rằng phụ nữ hãy yêu thương bản thân và tự tin với những gì mình đang có. Cô luôn thể hiện mong muốn có thể chấm dứt tình trạng kỳ thị, bạo lực tại quê nhà. Trải qua thời thơ ấu ở làng Sidwadweni (Nam Phi) và từng nghèo đến nỗi không có tiền đóng học phí, buộc phải nghỉ học giữa chừng nên Zozibini Tunzi đi thi hoa hậu, làm người mẫu tại quê nhà để có tiền tiếp tục học.

Trong phần thi thuyết trình ở Miss Universe hôm 9-12, tân hoa hậu Zozibini Tunzi thừa nhận, làn da đen và mái tóc tém, xoăn của cô chưa từng được coi là đẹp ngay tại quê nhà Nam Phi.

“Tôi cảm thấy chiến thắng này không của riêng ai. Tôi muốn đại diện cho những phụ nữ cảm thấy lạc lõng trước định kiến về sắc đẹp, không riêng người da đen. Mỗi nơi, phụ nữ có hình thể, làn da và các đặc điểm khác nhau. Tôi nghĩ chúng ta đẹp theo nhiều cách khác nhau và không nên đóng khung các tiêu chí về vẻ ngoài của phụ nữ”, cô nói trên chương trình Good Morning America sau đêm chung kết.

Như vậy, so với Miss World, nếu như các người đẹp da màu phải mất đến 18 năm mới giành lại hào quang thì tại Miss Universe, 8 năm là khoảng thời gian để các người đẹp da màu được tôn vinh với chiếc vương miện dành cho người chiến thắng.

Ngoài ra, 3 cuộc thi lớn nhất của Mỹ là Miss USA, Miss Teen USA và Miss America cũng chứng kiến sự tỏa sáng của các hoa hậu da màu lần lượt là Cheslie Kryst, Kaliegh Garris và Nia Franklin.

Hoa hậu tuổi Teen Mỹ 2019 Kaliegh Garris.

Ngay từ đầu cuộc thi Miss USA, cô gái da màu 28 tuổi Cheslie Kryst đến từ bang Bắc Carolina đã gây chú ý với mái tóc “mì tôm”, thân hình khỏe mạnh với cơ bụng 6 múi, nụ cười rạng rỡ và phong thái tự tin. Ngoài ra, Kryst còn có một lý lịch vô cùng ấn tượng với 3 tấm bằng tốt nghiệp từ hai trường đại học, trong đó có bằng thạc sĩ luật, có giấy phép hành nghề luật sư ở hai bang của Mỹ.

Trong số 51 đại diện đến từ 51 bang của nước Mỹ, Kaliegh Garris, đến từ bang Connecticut cũng ghi điểm nhờ gương mặt sắc sảo và mái tóc xoăn “mì tôm” khác biệt. Có thể nói, vũ khí lợi hại giúp cô gái 18 tuổi này giành được vương miện giữa rừng mỹ nhân có mái tóc thẳng, suôn dài chính là mái tóc xoăn tự nhiên gây ấn tượng mạnh của cô.

Trong xã hội Mỹ, nơi phụ nữ da màu thường bị tẩy chay vì để mái tóc tự nhiên (sự kỳ thị gay gắt đến mức hồi tháng 2-2019, thành phố New York đã phải thông qua điều luật cấm sự phân biệt đối với mái tóc tự nhiên, công nhận quyền của mọi người dân sống ở New York được tự do để kiểu tóc mà mình mong muốn). Chiến thắng của Kaliegh có thể coi là chiến thắng của phụ nữ da màu trên khắp nước Mỹ.

Miss America 2019 Nia Franklin.

Năm nay là năm đầu tiên Miss America bỏ phần thi trang phục áo tắm. Thay vào đó, ban giám khảo đánh giá thí sinh qua kỹ năng và vẻ đẹp nội tâm của mỗi người. Gây ấn tượng mạnh mẽ với ban giám khảo, Nia Franklin vượt qua 50 đối thủ, trở thành người chiến thắng trong đêm chung kết ở Atlantic.

Cô cho biết, nhờ âm nhạc, cô đã khám phá ra chính bản thân mình: “Tôi trưởng thành trong ngôi trường chủ yếu là người da trắng, chỉ 5% là người da màu và tôi cảm thấy vô cùng lạc lõng vì màu da của mình. Nhưng rồi tình yêu nghệ thuật và âm nhạc đã giúp tôi có cái nhìn tích cực về bản thân, nhận ra mình là ai. Hãy khám phá bản thân mình - đó là điều tôi luôn khuyến khích các cô gái trẻ”.

Năm 2018, Việt Nam có HHen Niê đại diện Việt Nam tại Miss Universe - một cô gái tóc ngắn cá tính, đã làm thế giới rung động về bài học ý chí, giấc mơ thụ hưởng nền giáo dục xứng đáng cho các bé gái vùng sâu vùng xa. Từ những định kiến về mái tóc, màu da, người đẹp dân tộc Ê Đê đã biến tất cả thành động lực để tỏa sáng đầy thuyết phục. Trước đó một năm, sự bản lĩnh, tự tin cũng đưa Finali Galaiya (đại diện Kenya), một cô gái da đen, tóc ngắn sát đầu tiến vào top 5 Miss World trong sự cổ vũ nồng nhiệt từ khán giả.

Như vậy, những vẻ đẹp “gốc” của con người như làn da tối, mái tóc xoăn mà một thời bị gạt ra, thậm chí “tẩy chay” như Miss America từng cấm người da màu đi thi, thì nay lại được tôn vinh. New York Times nhận xét, những chiến thắng liên tiếp của phụ nữ da màu trong năm qua, đã mở ra thời đại mới của các cuộc thi sắc đẹp. Quan điểm về vẻ đẹp hiện đại không dành riêng cho các người mẫu có thân hình theo chuẩn búp bê, với làn da trắng và mái tóc dài, thẳng, mềm mượt.

Zozibini Tunzi là người đẹp da màu đầu tiên của Nam Phi đăng quang Miss Universe.

Định nghĩa mới về chuẩn mực của cái đẹp

Theo kênh CNN, chỉ 50 năm đổ lại đây, nhan sắc da màu mới xuất hiện nhiều hơn tại các cuộc thi nhan sắc tầm cỡ. Janelle Comissiong là Miss Universe da màu đầu tiên, đăng quang năm 1977. Vanessa Williams là Miss America da màu đầu tiên, đăng quang năm 1983. Và Carole Anne-Marie Gist là thí sinh Miss USA da màu đầu tiên, đăng quang năm 1990. Năm tiếp theo, Janel Bishop trở thành Miss Teen USA đầu tiên.

Còn nhớ, năm 2013, khi ban tổ chức Miss World quyết định cắt bỏ phần thi áo tắm gây nên luồng ý kiến trái chiều. Nhưng, đây là những viên gạch đầu tiên cho sự thay đổi về chuẩn mực của cái đẹp, khẳng định tiêu chí mà nhà tổ chức hướng đến. Nét đẹp tâm hồn thay vì hình thể.

Trước Miss World, lần đầu tiên trong lịch sử, cuộc thi Hoa hậu Venezuela 2018 cũng không công bố số đo 3 vòng của thí sinh. Theo bà Gabriela Isler, người phát ngôn của cuộc thi Hoa hậu Venezuela: “Vẻ đẹp của một phụ nữ không phải là 90 cm, 60 cm, 90 cm... Nó được đo bằng tài năng của mỗi người”.

Đến nay, hàng loạt cuộc thi nhan sắc tầm cỡ tiếp tục đi một bước dài hơn khi phá vỡ mọi “chuẩn mực” nhan sắc - vốn coi trọng những người đẹp da trắng, tóc dài... Điều này cho thấy, sắc đẹp quốc tế đang ngày càng chú trọng tới kiến thức và khả năng ứng xử của thí sinh. Các vòng quan trọng thiên về thuyết trình, vấn đáp và đòi hỏi thí sinh thể hiện bản lĩnh, trí thông minh.

Miss USA Cheslie Kryst.

Hai tân hoa hậu Miss World và Miss Universe đều gây ấn tượng nhờ những câu trả lời thông minh, truyền tải thông điệp mạnh mẽ và thắng những cô gái có ngoại hình vượt trội đến từ các “cường quốc nhan sắc” như Colombia, Mexico, Philippines...

Cùng với đó, yếu tố vẻ đẹp tự nhiên cũng được coi trọng. Trường hợp của Miss Universe 2019 Zozibini Tunzi là một minh chứng rõ rệt. Tunzi cho biết cô từng dành hàng giờ trong salon để chăm chút cho mái tóc của mình, hay muốn phản bác chuyện dùng tóc giả. Nhưng đến nay, cô nhận ra rằng mình không cần thiết phải làm điều đó.

“Tôi cho rằng mình không đáng phải mất nhiều thời gian như vậy và nên có một diện mạo mới. Tôi cắt tóc và bất ngờ vì thấy mái tóc tự nhiên của mình cũng rất đẹp. Tôi muốn mọi phụ nữ hiểu họ có thể trở nên đẹp nếu họ muốn, bất chấp màu da, kích thước hay vết tàn nhang trên khuôn mặt”, tân hoa hậu nói trước truyền thông. Zozibini Tunzi còn tiết lộ cô chẳng ăn kiêng giữ dáng như nhiều người đẹp khác. Sau đêm đăng quang, người đẹp tự thưởng cho mình một miếng bò bít tết “khổng lồ”.

Với Miss World Toni-Ann Singh, phong thái thoải mái, tự tin là ưu điểm nổi bật giúp cô giành chiến thắng ở cuộc thi lớn nhất thế giới này. Song, sự thoải mái, tự tin của Zozibini Tunzi hay Toni-Ann Singh chỉ có thể được tích lũy trên cơ sở một nền tảng học vấn tốt, giữa “cả một trời nhan sắc” nhạt nhòa. “rỗng tuếch” như hiện nay. Bản thân Miss Universe 2019 có bằng cử nhân ngành truyền thông tại Nam Phi và hiện theo học thạc sĩ, trong khi Miss World 2019 theo học ngành nghiên cứu tâm lý và phụ nữ.

Hilary Levey Friedman - giáo sư tại Đại học Brown (Mỹ) - người đang thực hiện một cuốn sách về các cuộc thi sắc đẹp khẳng định, đây là dấu hiệu về việc định nghĩa mới về một hoa hậu đang được chấp nhận. Đặc biệt, nó còn có ý nghĩa hơn khi trong thời điểm các câu hỏi về bình đẳng và sự hòa nhập đang ngày càng cấp bách.

Nói về sự thay đổi này, chuyên gia đào tạo hoa hậu Phúc Nguyễn cho rằng, cán cân sắc đẹp cũng như nhìn nhận của ban giám khảo đang thay đổi, có chiều hướng về châu Á. “Nếu như những năm trước đây, người đăng quang đều đến từ các nước Mỹ Latin với những người đẹp da trắng, đẹp sắc nét, không tì vết. Thì những năm gần đây, cán cân thiên về châu Á. Bởi, chúng ta đang bị “bội thực” với những vẻ đẹp hoàn hảo, thân hình như búp bê. Thay vào đó, chúng ta hướng đến vẻ đẹp nhân văn hơn. Vẻ đẹp đó phải truyền tải được thông điệp gì, hướng tới điều gì. Vẻ đẹp hiện tại vừa là vẻ đẹp của trái tim, vừa là vẻ đẹp của ngoại hình”, Phúc Nguyễn phân tích.

“Ông trùm” hoa hậu cũng cho biết thêm, các tân hoa hậu gần đây không chỉ có vẻ đẹp ngoại hình, vẻ đẹp tâm hồn mà còn có “vẻ đẹp tiềm ẩn”. “Họ xuất thân từ những quốc gia đang có vấn nạn, khó khăn nên sẽ có thể phát huy tối đa nhiệm vụ hoa hậu. Những nước chưa có người đẹp đăng quang chắc chắn sẽ có sự “máu lửa” hơn, đầu tư quảng bá cho một cuộc thi cũng vì thế mà được quan tâm hơn.

Chính vì vậy, nếu Việt Nam nắm bắt được cơ hội này và đầu tư một cách nghiêm túc, việc chúng ta có vương miện ở các cuộc thi hàng đầu thế giới không còn bao xa”, Phúc Nguyễn nói.

Thảo Dung

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nhan-sac-the-gioi-2019-ton-vinh-ve-dep-goc-577039/