Nhân sự kiện Cabaye tỏa sáng ở EURO 2012: Rất nhiều công dân Pháp xuất sắc mang dòng máu Việt

(TT&VH) - Trong phút chốc, cầu thủ người Pháp gốc Việt Yohan Cabaye đã bất ngờ thu hút sự chú ý của người hâm mộ Việt Nam khi ghi bàn vào lưới đội tuyển Ukraina tại Euro 2012, giúp Pháp tạm vươn lên dẫn đầu bảng D.

Tuy nhiên ngoài Cabaye, nước Pháp còn có rất nhiều người nổi tiếng và tài năng khác mang dòng máu Việt trong cơ thể họ.

Phi hành gia Trịnh Hữu Châu

Trịnh Hữu Châu, tên chính thức là Eugene Huu-Chau "Gene" Trịnh, sinh ngày 14/9/1950 ở Sài Gòn. Ông cùng cha mẹ đã dọn tới sống ở Paris, Pháp, năm mới được 2 tuổi. Khi lên 18 tuổi, ông tiếp tục tới Mỹ học và sau đó nhập tịch ở đây. Trịnh đã có bằng Tiến sĩ Vật lý ứng dụng vào năm 1977 tại Đại học Yale.

Năm 1992, Trịnh là thành viên phi hành đoàn chuyến bay STS-50 của tàu con thoi Columbia lên nghiên cứu trên quỹ đạo trái đất. Ông bắt đầu làm việc ở Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hồi năm 1999, với tư cách nhà nghiên cứu cao cấp tại Phòng nghiên cứu lực đẩy phản lực.

Hiện ông đang đảm nhận cương vị Giám đốc đơn vị nghiên cứu khoa học vật lý tại NASA, lãnh đạo chương trình nghiên cứu mang tính cách tân nhằm vào tác động của trọng lực lên các hệ thống sinh học, hóa học và vật lý. Kết quả của chương trình nghiên cứu sẽ giúp con người khám phá và phát triển không gian, cung cấp nền tảng khoa học cho các công nghệ cho phép con người khám phá nhiều khu vực chưa được tiếp cận trong Thái dương hệ và xa hơn thế.

Giáo sư Ngô Bảo Châu - Ảnh TTXVN

Giáo sư Ngô Bảo Châu

Ngô Bảo Châu sinh năm 1972, là con trai duy nhất của một gia đình trí thức ở Hà Nội. Năm 15 tuổi, ông theo học lớp chuyên toán thuộc Khối chuyên Tổng hợp – Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, còn được biết tới với tên lớp A0. Năm học lớp 11 và 12, Châu đã tham dự Olympic Toán học Quốc tế thứ 29 và 30 (IMO), đồng thời trở thành học sinh Việt Nam đầu tiên giành tới 2 huy chương vàng IMO, trong đó huy chương đầu tiên đạt điểm tuyệt đối 42/42.

Sau khi học hết trung học, Châu đã có kế hoạch tới học tiếp ở Budapest. Nhưng việc các nhà nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở khối Đông Âu, chính quyền Hungary mới đã ngừng việc cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam. Sau khi gặp gỡ cha của ông Châu, Paul Germain, thư ký Viện Hàn lâm khoa học Pháp đã sắp xếp cho ông sang Pháp nghiên cứu. Ông được Chính phủ Pháp đề nghị cấp học bổng nghiên cứu tại Đại học IV Paris, nhưng đã chọn trường École Normale Supérieure danh giá. Ông có bằng Tiến sĩ vào năm 1997 tại trường Universite Paris-Sud, dưới sự hướng dẫn của Gérard Laumon.

Năm 2004, Châu và Laumon cùng được trao Giải nghiên cứu Clay vì thành tựu giải quyết bổ đề cơ bản do Robert Langlands đề xuất. Công trình của ông đã được tạp chí Time lựa chọn là 1 trong 10 nghiên cứu khoa học hàng đầu thế giới năm 2009. Năm 2010, ông được trao giải Fields và Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh vì nỗ lực cống hiến cho toán học.

Năm 2005, ông trở thành giáo sư tại Đại học Paris-Sud ở tuổi 33. Cùng năm đó, ông cũng được trao danh hiệu giáo sư ở Việt Nam và vì thế trở thành giáo sư trẻ nhất nước.

Nguyễn Quang Riệu

Sinh năm 1932 tại Hải Phòng, là nhà vật lý thiên văn Việt kiều hiện đang định cư tại Pháp. Ông là người con đầu trong một gia đình có ba anh em trai sau này đều trở thành những nhà khoa học tên tuổi. Là giáo sư-tiến sĩ tại Đại học Sorbonne (Paris), giám đốc nghiên cứu tại Đài thiên văn Paris, ông đã công bố trên 150 công trình khoa học về vật lý thiên văn (đặc biệt trong lĩnh vực thiên văn vô tuyến, tên gọi tiếng Anh là Radioastronomy) trên các tạp chí khoa học quốc tế, viết nhiều sách (cả sách chuyên ngành và sách phổ biến khoa học) bằng tiếng nước ngoài và tiếng Việt. Ông cũng là Giám đốc Nghiên cứu Danh dự (Emeritus) của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS). Năm 1973, ông đã được nhận giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp sau khi đã phát hiện và xác định chính xác vị trí xảy ra vụ nổ trong chòm sao Thiên Nga (Cygnus X3).

Ông Nguyễn Văn Lộc, Cố cảnh sát trưởng người Pháp gốc Việt nổi tiếng.

Georges Nguyen Van Loc

Sinh ngày 2 tháng 4 năm 1933 tại thành phố Marseille (Pháp), qua đời vào ngày 7 tháng 12 năm 2008 tại thành phố Cannes (Pháp), tên tiếng Việt Nguyễn Văn Lộc, là một cảnh sát trưởng người Pháp gốc Việt ở thành phố Marseille. Nổi tiếng với những thành tích trên cương vị cảnh sát, cuốn hồi ký của ông đã được dựng thành một serie phim truyền hình và do chính ông thủ vai chính. Năm 1987, Nguyễn Văn Lộc được vinh dự trao huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh.

Nhạc sĩ Nguyên Lê

Nguyên Lê tên thật là Lê Thành Nguyên. Ông sinh ngày 14/1/1959 ở Paris, Pháp, trong một gia đình gốc Việt. Ông là một nhạc sĩ và nghệ sĩ jazz nổi tiếng ở Pháp. Nhạc cụ chủ yếu được ông hay chơi là đàn guitar. Ông cũng chơi đàn guitar bass và guitar điện.

Nguyên Lê đã cho ra đời nhiều album nhạc khác nhau. Album "Tales from Viêt-Nam" (1996) của ông là sự pha trộn tuyệt vời giữa nhạc jazz và nhạc cổ truyền Việt Nam.

Nguyên Lê từng biểu diễn với nhiều nghệ sĩ khác nhau như Randy Brecker, Vince Mendoza, Eric Vloeimans, Carla Bley, Michel Portal, Paolo Fresu và Dhafer Youssef.

Năm ngoái, Nguyên Lê đã trở lại Việt Nam để tham gia đêm nhạc Quê nhà gây nhiều tiếng vang.

Nghệ sĩ Gilles Trần

Giống Nguyên Lê, Gilles Trần cũng tham gia vào con đường nghệ thuật, nhưng không hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc mà lại là hội họa 3 chiều. Gilles Tran có tên Việt Nam là Trần Kim Lân. Anh là con trai duy nhất của dịch giả Việt kiều Pháp Trần Thiện Đạo. Năm 1993, Gilles Trần bước vào thế giới 3 chiều (3D) khi tình cờ tìm thấy cuốn sách giới thiệu về kỹ thuật 3D. Càng tìm hiểu và nghiên cứu, anh càng bị ngợp trước những ứng dụng và hiệu ứng của không gian 3D trên máy tính. Và từng bước một Gilles Trần đã trở thành một nghệ sĩ 3D đương đại lúc nào không hay.

Anh thường sáng tạo các tác phẩm của mình bằng kỹ thuật POV-Ray và đã gây nhiều chú ý với dự án web The Book of Beginnings. Anh cũng tổ chức nhiều cuộc triển lãm nghệ thuật khác nhau tại Pháp, Bỉ, Italia.

Năm 2007, anh từng về TP HCM để tổ chức triển lãm Nội viên (Inner Garden).

Vua cờ César Boutteville

César Boutteville sinh ngày 24/6/1917 tại phố Thịnh Hào ở Hà Nội, Việt Nam. Ông là con trai của một ông bố người Pháp và một bà mẹ gốc Việt. Năm 1929, ông cùng cả gia đình trở lại Pháp sinh sống.

Từ bé, Boutteville đã bộc lộ năng khiếu chơi cờ. Ông đã giành 6 giải Vô địch cờ vua nước Pháp (1945, 1950, 1954, 1955, 1959, 1967) và còn giành 6 giải Vô địch cờ vua thành phố Paris (1944, 1945, 1946, 1952, 1961, 1972). Boutteville đại diện cho Pháp 7 lần tham gia giải Olympic cờ vua thế giới từ năm 1956 - 1968. Ông cũng đại diện nước nhà thi đấu giao hữu với các kỳ thủ tới từ Thụy Sĩ (1946), Australia (1946), Czechoslovakia (1947) và Liên Xô (1954).

Thời gian gần đây, khi đã ngoài 90 tuổi, sau một thời gian dài nghỉ ngơi, ông quay trở lại các giải đấu, thi đấu cho câu lạc bộ ở Le Chesnay.

Cabaye: Tôi muốn đến Sài gòn, thăm quê hương bà ngoại

Trước khi quyết định khoác áo tuyển Pháp, Cabaye từng có một cơ hội có thể là khá kỳ lạ với anh, thử sức ở Đông Nam Á trong màu áo đội tuyển Việt Nam, đất nước của bà ngoại anh. Dù Pháp luôn là lựa chọn số một, anh vẫn bày tỏ được một ngày nào đó lên máy bay đi Thành phố Hồ Chí Minh và khám phá quê hương thứ hai. “Bà ngoại tôi đến từ Việt Nam và tôi rất tò mò về đất nước đó”, anh nói. “Tôi sẽ rất thích được đến thăm quốc gia này và xem nơi bà đã lớn lên. Tôi muốn dành nhiều thời gian ở đó”.

Bà ngoại và em trai Geoffrey của Cabaye

Hồi tháng 3/2012, trang web của đài truyền hình France Televisions (Pháp) đã đưa tin gây sốc khi khẳng định rằng LĐBĐ Việt Nam (VFF) đã liên hệ với Geoffrey Cabaye nhằm thuyết phục cầu thủ này khoác áo ĐTQG Việt Nam. Mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như Geoffrey không phải là em trai của tiền vệ lừng danh Yohan Cabaye.

Bà và ông ngoại của Cabaye lúc trẻ

Bà ngoại của anh em nhà Cabaye vốn là một người Việt Nam và di cư sang Pháp trong những năm 1940. Gia đình họ hiện đang sinh sống tại Tourcoing và đây cũng là nơi mà anh em nhà Cabaye được sinh ra.

Tường Linh

Nguồn TT&VH: http://euro.thethaovanhoa.vn/545n20120617091245309t530/nhan-su-kien-cabaye-toa-sang-o-euro-2012-rat-nhieu-cong-dan-phap-xuat-sac-mang-dong-mau-viet.htm