Nhân tài nào của nước Việt có thể đo được độ dày của tờ giấy từ 500 năm trước?

Lương Thế Vinh là một trong những vị trạng nguyên nổi tiếng nhất trong lịch sử khoa cử nước ta, ông còn được gọi là Trạng Lường do rất giỏi đo lường, tính toán.

Trạng Lường Lương Thế Vinh.

Trạng Lường Lương Thế Vinh.

Lương Thế Vinh sinh năm 1441 tại làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, Trấn Sơn Nam (nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), theo Danh nhân Hà Nội.

Ngay từ khi còn nhỏ ông đã nổi tiếng học nhanh, sáng trí, sáng tạo trong việc học và chơi.

Một lần ông cùng nhóm bạn ngồi chơi dưới gốc cây cổ thụ, cả nhóm thách đố nhau làm thế nào để biết chiều cao của cây. Một số cho rằng chỉ có cách trèo lên ngọn cây rồi dùng dây thòng xuống đất mà đo. Riêng Lương Thế Vinh nói không cần trèo, đứng dưới đất đo bóng cây cũng tính ra.

Theo sách Những Trạng nguyên đặc biệt trong lịch sử Việt Nam: "Cậu lấy chiếc gậy cầm ở tay đo xem dài ngắn bao nhiêu rồi dựng gậy lên mặt đất và đo chiều dài bóng gậy. Tiếp đoạn, cậu đo bóng cây và sau một lát nhẩm tính đã tìm được chiều cao của cây này. Bọn trẻ không tin bèn dùng thừng nối lại, buộc hòn đá phía dưới, rồi trèo tít lên ngọn cây dong thừng xuống đất để đo. Kết quả đúng như Vinh đã tính".

Được biết cách tính chiều cao này của Lương Thế Vinh ở thế kỷ 15 chính là phép đồng dạng tam giác được áp dụng ngày nay.

Một lần khác, khi Lương Thế Vinh cùng bạn chơi bóng, quả bưởi làm bóng rơi xuống hố. Cả bọn loay hoay, không làm thế nào lấy lên được. Ông nghĩ ra cách đổ nước vào hố để quả bưởi nổi lên.

Nhờ tài toán học, Lương Thế Vinh không ít lần giúp những người xung quanh giải quyết các vấn đề khó khăn. Có lần, ông đến một khúc sông, thấy mấy người đang tìm cách đo chiều rộng của con sông để bắc cầu. Hôm đó, nước sông rất to và chảy xiết, họ không thể bơi qua.

Ông bèn đề nghị mọi người không bơi qua sông mà tìm cho ông mấy cái cọc. Ban đầu, mấy người này không tin nhưng khi thấy Vinh đóng cọc, ước lượng khoảng cách rồi tính nhẩm và công bố chiều rộng con sông, họ hoàn toàn thán phục tài năng của chàng trai trẻ.

Trên thực tế, Lương Thế Vinh sử dụng kiến thức về tam giác đồng dạng để tính khoảng cách giữa hai bờ sông.

Tương truyền, Lương Thế Vinh cũng từng làm sứ nhà Thanh là Chu Hy phải thán phục về tài năng tính toán. Chu Hy yêu cầu quan Trạng cân trọng lượng của một con voi rất to. Lương Thế Vinh đưa voi lên một chiếc thuyền rồi đánh dấu mép nước bên thuyền, sau đó dắt voi lên.

Tiếp theo, ông ra lệnh đổ đá hộc xuống thuyền, cho đến lúc thuyền chìm xuống đến đúng dấu cũ. Việc còn lại là đưa từng viên đá lên cân và cộng kết quả. Chu Hy thán phục nhưng tiếp tục đố Lương Thế Vinh đo bề dày của một tờ giấy xé ra từ một quyển sách. Vị quan nhà Lê đã trả lời rằng chỉ cần đo bề dày cả cuốn sách rồi chia đều cho số tờ là ra kết quả.

Trước câu trả lời của Lương Thế Vinh, Sứ nhà Thanh khi đó đã vô cùng tâm phục khẩu phục.

Thanh Tùng (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/giao-duc/nhan-tai-nao-cua-nuoc-viet-co-the-do-duoc-do-day-cua-to-giay-tu-500-nam-truoc-a298499.html