'Nhân thần' Nguyễn Trọng Trì

Hàng năm, vào các ngày 15, 16, 17-5 (âm lịch), đình Mỹ Thới (TP. Long Xuyên) tổ chức lễ cúng Kỳ yên để nhân dân dâng hương tưởng nhớ công đức của cụ Nguyễn Trọng Trì, người được xem là vị 'Nhân thần hộ quốc an dân'.

Ông Trần Văn Đông (Hội Khoa học Lịch sử tỉnh) cho biết: “Để có tư liệu chuẩn bị cho hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Trọng Trì, đầu tháng 6-2019, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh và Bảo tàng An Giang được ông Nguyễn Trọng Lễ (Trạm Y tế phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, cháu đời thứ 6 của cụ) hướng dẫn về rạch Ngã Bát (xã Định Yên, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) với mục đích tìm hiểu thêm về quê hương và gia thế cụ. Nơi đây, đoàn gặp được ông Nguyễn Trọng Chư (hậu duệ đời thứ 4), người lưu giữ bản gia thế dòng họ Nguyễn Trọng và trông nom ngôi mộ cụ Nguyễn Trọng Trì; ông Nguyễn Trọng Ngọc Cơ lưu giữ 16 vi bằng, sắc phong, con dấu của cụ. Con đường làm quan của cụ thăng tiến rất nhanh. Chỉ qua 12 năm (1855-1867), cụ đảm nhiệm 3 chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền tỉnh An Giang thời Nguyễn: năm 1863 bổ Huấn đạo, năm 1864 làm Giáo thụ phủ học Tân Thành, năm 1866 giữ Quyền ấn triện Tri phủ Tịnh Biên cho đến khi Pháp chiếm. Cụ là người tiết tháo, phẩm hạnh, đạo đức trong cuộc sống, lui về quê nhà sống ẩn dật khi tuổi đời mới 35. Cụ chấp nhận sống thanh bần dạy dỗ học trò, truyền thụ kiến thức, tránh mọi cám dỗ vật chất của thực dân Pháp. Do uy tín của cụ, đến năm 1896, chính quyền Pháp mời cụ tham gia Hội đồng địa hạt Long Xuyên”.

Có thông tin cho rằng, sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, cụ tập hợp nghĩa dõng tham gia vào lực lượng nghĩa binh Nguyễn Trung Trực, rồi binh Gia Nghị của Quản cơ Trần Văn Thành. Ông Nguyễn Thanh Thuận, Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp bày tỏ: “Vấn đề này chủ yếu là thông tin trong dân gian, chúng tôi chưa có tài liệu để khẳng định. Tuy nhiên, xét về hành trạng của ông khi mới thi đỗ trường Nhất (1852), đất nước còn khá yên ổn, chưa có binh biến xảy ra nên ông đã làm tờ bẩm xin miễn quân vụ để lo việc học hành. Khi có hữu sự, lúc đó ông đương là cử nhân chờ bổ nhiệm làm quan, nhưng lại làm đơn xin tình nguyện hiệu dụng, theo quân đánh giặc. Điều đó đủ thấy khí tiết, tinh thần yêu nước của ông. Do đó, khi Pháp chiếm tỉnh thành, việc ông chiêu mộ nghĩa dõng theo quân khởi nghĩa đánh Tây là điều hoàn toàn bình thường. Một con người bình thường, dù có làm quan cao chức trọng mà chỉ lo cho bản thân, không lo cho dân cho nước thì tiếng xấu để đời, ngoài con cháu ra chắc không ai thờ tự. Riêng đối với Cử nhân Nguyễn Trọng Trì, dù chỉ giữ chức Giáo thọ - một chức quan tầm trung, coi việc học hành thi cử của 1 phủ, nhưng khi mất lại được nhân dân tôn làm thần, thờ tại đình. Điều này ắt hẳn có nguyên do của nó. Và những giai thoại dân gian luôn bắt nguồn từ một cái lõi sự thật lịch sử nào đó. Chúng tôi tin rằng, cử nhân Nguyễn Trọng Trì ắt hẳn đã có công chiêu tập nghĩa dõng đánh Tây, mặc dù tiếng vang không lớn và chưa có thành tích gì được ghi nhận vào sử sách đương thời, nhưng làng Mỹ Thới tôn thờ ông là một minh chứng sống động”.

“Trong khuôn khổ buổi hội thảo, chúng ta chưa thể tìm hiểu một cách đầy đủ về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của cụ Nguyễn Trọng Trì, nhưng hy vọng rằng, với những tư liệu mà các nhà nghiên cứu và tác giả sưu tầm, sẽ giúp thông tin và nhận thức sâu hơn, đặc biệt là đóng góp của cụ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, trong đó có vùng đất Long Xuyên. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, đồng thời là dịp để thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đối với thế hệ cha ông có công dựng nước, giữ nước; là dịp để tiếp tục khẳng định, tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng của vìng đất Long Xuyên” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Long Xuyên Đặng Thị Hoa Rây chia sẻ.

Danh thần Nguyễn Trọng Trì sinh năm 1832, tại thôn Định An, tổng An Phú, huyện Đông Xuyên, tỉnh An Giang thời nhà Nguyễn (nay là xã Định Yên, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp). Ông đỗ cử nhân khoa Ất Mão (1855) tại trường thi Gia Định, tham gia quan trường nhà Nguyễn và làm việc ở Hàn Lâm Viện Điển Bộ, sau đó được điều về nhiều địa bàn hoạt động thuộc tỉnh Đồng Tháp và An Giang ngày nay.

KHÁNH HƯNG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/-nhan-than-nguyen-trong-tri-a260831.html