Nhân tố mới chi phối bầu cử Mỹ

Ghế thẩm phán trong Tòa án Tối cao Mỹ bị bỏ trống đang trở thành đề tài tranh cãi mới giữa phe Dân chủ và Cộng hòa khi việc bổ nhiệm có thể tác động đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Người dân đổ về Tòa án Tối cao Mỹ để tưởng nhớ thẩm phán Ginsburg. Ảnh: AP

Sóng ngầm trên chính trường Mỹ diễn ra giữa lúc người dân đang cùng nhìn lại sự nghiệp pháp lý đột phá của thẩm phán Ruth Bader Ginsburg - người vừa qua đời hôm 19-9 ở tuổi 87 do ung thư tụy. Theo luật pháp Mỹ, tổng thống có quyền lựa chọn người đề cử và thượng viện sẽ bỏ phiếu xác nhận hoặc từ chối lựa chọn đó.

Tuần rồi, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ sớm đề cử một phụ nữ kế nhiệm thẩm phán Ginsburg. Trước đó, ông đã mở lời khen ngợi hai nữ thẩm phán theo khuynh hướng bảo thủ tại các tòa phúc thẩm và coi đây là những “lựa chọn khả thi”. Trong động thái ủng hộ, lãnh đạo phe đa số tại thượng viện Mitch McConnell cho biết ông sẽ đưa ra bỏ phiếu bất kỳ đề cử nào của tổng thống trước ngày bầu cử 3-11.

Là một trong 4 thẩm phán cấp tiến trên băng ghế 9 thẩm phán ở Tòa án Tối cao, sự ra đi của bà Ginsburg đồng nghĩa cán cân tư tưởng ở cơ quan này sẽ chuyển hẳn sang phe bảo thủ với tỷ lệ 6-3 nếu đảng Cộng hòa thông qua đề cử. Nhưng Hãng tin BBC cho biết, đang có hai thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ tiến hành bỏ phiếu sau cuộc bầu cử tổng thống. Nếu có thêm hai thành viên khác hưởng ứng, họ có thể ngăn chặn hoặc ít nhất trì hoãn việc xác nhận vì đảng Cộng hòa hiện chỉ nắm 53 trong tổng số 100 ghế thượng viện.

Trước thông tin này, ứng viên tranh cử tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden một mặt chỉ trích ông Trump “lạm dụng quyền lực”; mặt khác kêu gọi các đảng viên Cộng hòa ôn hòa tại thượng viện nỗ lực ngăn tổng thống thay đổi sự cân bằng tại Tòa án Tối cao. Phe Dân chủ còn dẫn lại việc đảng Cộng hòa từng cản trở sự lựa chọn của Tổng thống Barack Obama cho Tòa án Tối cao vào năm 2016. Thời điểm đó, chính ông McConnell lấy lý do đây là năm bầu cử để biện minh cho động thái này.

Tòa án Tối cao là định chế quyền lực cao nhất của nhánh tư pháp Mỹ, có thẩm quyền tối cao trong việc giải thích hiến pháp và là tiếng nói quyết định trong các tranh cãi về văn hóa, xã hội và chính trị. Trong thế kỷ qua, cơ quan này đóng vai trò căn bản trong việc tái định hình xã hội Mỹ. Điển hình như năm 1954, tòa án ra phán quyết phân biệt đối xử trong các trường học là vi hiến. Năm 1973, án lệ “Roe - Wade” hợp pháp hóa quyền phá thai. Năm 2010, tòa án đã loại bỏ hầu hết hạn chế đối với việc chi tiêu chính trị của các tập đoàn. Năm 2015, hôn nhân đồng giới được công nhận. Gần đây, Tòa án Tối cao được yêu cầu cân nhắc mở rộng hình thức bỏ phiếu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành tại Mỹ. Sau ngày bầu cử, giới quan sát nhận định cơ quan này chắc chắn đối mặt với nhiều câu hỏi pháp lý, bao gồm khả năng xác định ai là người chiến thắng trong kỳ bầu cử “gây tranh cãi nhất” lịch sử Mỹ.

Trên đây là những cách mà Tòa án Tối cao điều chỉnh cuộc sống của người dân Mỹ, qua đó lý giải việc lấp chỗ trống thẩm phán Ginsburg để lại là câu hỏi chính trị quan trọng, có thể xoay chuyển những giá trị của nước Mỹ trong ít nhất một thế hệ nữa.

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2017, Tổng thống Trump đã bổ nhiệm hai thẩm phán Tòa án Tối cao là Neil M. Gorsuch và Brett M. Kavanaugh. Với việc đẩy nhanh lựa chọn người kế nhiệm bà Ginsburg, giới quan sát cho rằng chủ nhân Nhà Trắng thấy rõ cơ hội để phe bảo thủ kiểm soát những quyết định quan trọng trong nhiều thập kỷ tới bởi các thẩm phán có thể phục vụ suốt đời, trừ khi họ quyết định nghỉ hưu.

Theo thăm dò gần đây, đa phần công chúng Mỹ đồng ý với ông Biden và phản đối kế hoạch của Tổng thống Trump nhanh chóng bổ nhiệm thẩm phán mới tại Tòa án Tối cao. Trong đó, 62% người được hỏi nói rằng ghế của bà Ginsburg nên do người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 chỉ định.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AP)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nhan-to-moi-chi-phoi-bau-cu-my-a125654.html