Nhân tố thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn

Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017-2022 sẽ được tổ chức vào ngày 13/9 tại Hà Nội.

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi 5 năm qua; đồng thời biểu dương nông dân điển hình tiêu biểu, xuất sắc, với ý chí quyết tâm không cam chịu đói nghèo, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường, có hoài bão, khát vọng làm giàu chính đáng.

Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Lương Quốc Đoàn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về những thành tựu quan trọng; định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện phong trào giai đoạn 2022-2027.

Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2017-2022?

Trong 5 năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội đất nước còn không ít khó khăn, nhưng dưới sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và các cấp, các ngành, sự năng động, trách nhiệm của các cấp Hội trong việc đổi mới hoạt động; phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục đạt được nhiều kết quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu. Phong trào góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng của sản xuất nông nghiệp, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19 vừa qua.

Trong giai đoạn 2017-2022, bình quân hằng năm, số lượng hội viên nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tăng 4,3%, đạt 6,21 triệu lượt hộ đăng ký, chiếm 53,4% so với tổng số hộ nông dân cả nước. Tổng số hộ nông dân được công nhận danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp hằng năm của giai đoạn 2017-2022 là 3,61 triệu hộ, chiếm 58,1% số hộ đăng ký.

Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao. Từ phong trào, ngày càng có nhiều hộ nông dân giỏi có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng trăm tỷ đồng, thu hút hàng chục, hàng trăm lao động, thu nhập hàng năm từ hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. So với giai đoạn 2012-2017, số hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tăng 60.000 hộ. Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng hộ sản xuất, kinh doanh giỏi nâng lên và bền vững hơn. Cụ thể: số hộ nông dân có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tiếp tục tăng gấp 2 lần.

Nông dân xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, thu hoạch chè. Ảnh minh họa: Hoàng Nguyên/TTXVN

Xin ông cho biết, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã có những đóng góp và tác động như thế nào đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn?

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989. Đến nay qua 33 năm triển khai, phong trào đã phát triển rộng khắp trong cả nước, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng của giai cấp nông dân Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút hàng triệu hội viên nông dân tham gia và được cấp ủy, chính quyền các cấp đánh giá cao.

Phong trào cũng là động lực thúc đẩy ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, đổi mới, sáng tạo của người nông dân trong việc làm giàu cho gia đình và làm giàu cho quê hương đất nước. Các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mạnh dạn đầu tư, áp dụng kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ 4.0 vào sản xuất, tạo ra giá trị hàng hóa, lợi nhuận cao, góp phần phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn.

Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là hạt nhân nòng cốt, đi đầu trong tổ chức lại sản xuất, thành lập mới hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp trong nông nghiệp. Thông qua các hộ nông dân giỏi, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập được hơn 15.700 mô hình kinh tế tập thể. Trong 33 năm qua từ khi phát động, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã đóng góp không nhỏ cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội ở nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững cho nông dân.

Đặc biệt, trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cùng với cán bộ, hội viên, nông dân cả nước đóng góp, ủng hộ gần 13.000 tấn nông sản, hàng hóa thiết yếu và tiền mặt với tổng trị giá gần 210 tỷ đồng. Phong trào góp phần quan trọng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia. Cùng với nông dân cả nước, hằng năm các nông dân giỏi đã đóng góp hơn 10.000 tỷ đồng, 3 triệu ngày công lao động, hiến hàng trăm héc-ta đất để xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, phong trào đã được đưa vào nội dung trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Trong 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã kết nạp được hơn 2,1 triệu hội viên mới, đưa số hội viên toàn quốc đến nay là trên 10,28 triệu hội viên, chiếm hơn 70% số hộ làm nông nghiệp. 100% thôn, ấp, bản có nông dân đã có tổ chức Hội với trên 80.000 chi hội và trên 143.000 tổ hội.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là đại dịch COVID-19; song, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước và địa phương, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn… tạo tiền đề đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế.

Trang trại nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Thục tại xã Trực Thái (Trực Ninh, Nam Định) có quy mô 300 con, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, phối trộn thảo dược vào thức ăn cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN

Ông đánh giá thế nào về những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được tôn vinh trong dịp này?

Có thể khẳng định, 300 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên toàn quốc được tôn vinh, khen thưởng trong dịp này chính là lớp nông dân sáng tạo, năng động nhất. Họ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới tư duy, tạo ra những thành tích rất ấn tượng.

Đặc biệt, trong số 300 nông dân điển hình về dự Hội nghị biểu dương lần thứ VI có rất nhiều nông dân trẻ với những thành tích vượt trội về quy mô sản xuất cũng như về thu nhập. Họ là đại diện lớp nông dân đi đầu trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật sản xuất mới, chuyển đổi số và tham gia chuỗi giá trị.

300 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi chính là những tấm gương hiện hữu điển hình để Hội Nông dân Việt Nam xây dựng, nhân rộng và lan tỏa hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp, người nông dân văn minh, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đó là hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Nông dân Việt Nam sẽ có những định hướng, nhiệm vụ cũng như giải pháp quan trọng nào trong giai đoạn 2022-2027, thưa ông?

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, phong trào còn một số tồn tại hạn chế. Đó là, kết quả phong trào chưa đồng đều giữa các vùng miền, các địa phương; một số nơi, công tác tuyên truyền, vận động nông dân gia thực hiện chưa thường xuyên, chưa đi vào chiều sâu, do đó chưa làm chuyển biến mạnh trong nhận thức của hội viên, nông dân. Một số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, nhất là cấp cơ sở có quy mô sản xuất nhỏ, tự phát; chưa chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị...

Phát triển cây cam bền vững, đem lại thu nhập ổn định, lâu dài cho người nông dân ở Nghệ An. Ảnh minh họa: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN

Để phát huy được những lợi thế, khắc phục những khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa phong trào giai đoạn 2022-2027 ngày càng phát triển, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội lần thứ VII Hội Nông dân việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2022-2027 như sau:

Thứ nhất, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động làm sao để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của Hội Nông dân Việt Nam đến được với các hộ hội viên, nông dân một cách thiết thực, hiệu quả nhất. Các cấp Hội Nông dân tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân không chỉ thông qua các buổi họp, buổi tập huấn mà còn phải thông qua việc tổ chức các hoạt động mang lại quyền và lợi ích thiết thực nhất cho nông dân.

Thứ hai, tổ chức Hội Nông dân các cấp phải nâng cao trách nhiệm trong việc hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiếp tục duy trì và phát huy, phát triển gia tăng mạnh hơn nữa thông qua các hoạt động tư vấn, hỗ trợ. Đó là tư vấn, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ về vốn, dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, về kết nối, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản… để người nông dân vững tin hơn trong quá trình phát triển.

Thứ ba, tổ chức Hội Nông dân phải trở thành cầu nối, tạo dựng niềm tin giữa những người nông dân, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với doanh nghiệp, với hợp tác xã, với nhà khoa học để tạo nên một mối liên kết bền vững hơn trong quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Thứ tư, tổ chức Hội Nông dân phải đứng lên tập hợp để những hộ sản xuất kinh doanh giỏi trở thành hạt nhân nòng cốt trong tham gia phát triển nông thôn, đặc biệt là kinh tế nông thôn; để họ trở thành hạt nhân tham gia phát triển kinh tế tập thể, trở thành các Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc hợp tác xã, hơn nữa là nông dân giỏi trở thành các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

Thứ năm, các cấp Hội Nông dân cần coi các hộ sản xuất kinh doanh giỏi này là nòng cốt để tập trung đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng để họ trở thành những hạt nhân dẫn dắt quá trình thực hiện mục tiêu tri thức hóa nông dân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đỗ Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/nhan-to-thuc-day-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon-20220911085432182.htm