Nhận tội giết mẹ vì bị điều tra viên dọa bắt con?

Tại tòa, bị cáo khai bị điều tra viên tra tấn, dùng nhục hình và đe dọa sẽ bắt con trai của mình nên đã nhận tội là giết hại người mẹ mù lòa.

Như đã đưa tin, TAND tỉnh Bắc Giang đang mở phiên tòa sơ thẩm lần hai xét xử Vi Văn Phượng (51 tuổi, trú Lục Nam) về tội giết người. Phượng bị truy tố theo điểm d khoản 1 Điều 93 BLHS 1999, khung hình phạt đến chung thân, tử hình.

Đáng chú ý, nạn nhân trong vụ án chính là mẹ ruột của bị cáo - bà Nguyễn Thị Vui. Dù liên tục kêu oan nhưng qua hai cấp tòa, Phượng đều bị tuyên án tử hình.

Phải đến khi có kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã quyết định giám đốc thẩm, hủy toàn bộ hai bản án sơ và phúc thẩm vì cho rằng căn cứ kết tội chưa vững chắc.

Bị cáo Vi Văn Phượng tại tòa.

Bị cáo Vi Văn Phượng tại tòa.

Theo quyết định giám đốc thẩm, tòa sơ thẩm và phúc thẩm kết án Vi Văn Phượng tử hình về tội giết người dựa trên các căn cứ chưa vững chắc, còn rất nhiều thiếu sót và mâu thuẫn. Đặc biệt, quyết định giám đốc thẩm yêu cầu làm rõ có sự đánh đập, bức cung, dùng nhục hình đối với bị cáo hay không.

Tại tòa sáng nay, ông Trịnh Nguyên Lượng – điều tra viên vụ án được triệu tập tới tòa. Rất nhiều câu hỏi từ phía HĐXX, đại diện VKS cũng như luật sư được đưa ra xung quanh vấn đề này.

Cụ thể, ngay khi VKS hoàn tất công bố bản cáo trạng, Vi Văn Phượng lập tức phản đối, cho rằng cáo trạng có nhiều điểm sai sót. Bị cáo khẳng định bị oan, không giết mẹ mình, khi bị cáo về thì mẹ đã chết rồi.

Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc ban đầu không nhận tội nhưng sau đó lại nhận, Phượng khai bị điều tra viên dùng nhục hình, treo người lên, thậm chí là đe dọa sẽ bắt con trai. Vì quá sợ hãi, Phượng đã nhận tội. Bị cáo còn tố đích danh người tra tấn mình là ông Trịnh Nguyên Lượng.

Vi Văn Phượng cho rằng nếu con trai bị bắt và hành hạ như mình thì chắc chắn sẽ nhận tội, chính vì vậy bị cáo quyết định nhận thay cho con.

HĐXX tiếp tục đặt câu hỏi tại sao khi có LS và kiểm sát viên hỏi cung nhưng bị cáo vẫn thừa nhận hành vi phạm tội? Bị cáo khai do quá sợ hãi, lại không phân biệt được đâu là kiểm sát viên, đâu là điều tra viên. Bị cáo xác định ra ngoài rồi kêu oan chứ không thể bị chết.

Đại diện VKS và luật sư hỏi bị cáo có bằng chứng gì để chứng minh việc bị bức cung nhục hình hay không? Phượng nói không có chứng cứ gì, chỉ biết là mình bị đánh và những lời khai của mình là đúng sự thực.

Tuy nhiên, đối chất ngay tại tòa, điều tra viên Trịnh Nguyên Lượng cho rằng lời khai của Phượng là không đúng sự thực. Ông Lượng khẳng định mình đã tuân thủ đúng quy định của BLTTHS, không làm những việc pháp luật cấm. Cán bộ công an này đề nghị HĐXX làm rõ lời khai của bị cáo để xem xét.

“Tất cả những công việc được giao đều theo quy định, quy trình trong hoạt động điều tra, không hề làm sai” – ông Lượng nói.

HĐXX hỏi thêm một điều tra viên khác có hay không việc bức cung nhục hình, vị này cũng phủ nhận lời khai của Phượng, khẳng định quá trình điều tra vụ án đã thực hiện đúng quy định. Phượng hoàn toàn tự nguyện khai nhận, được thể hiện qua các biên bản lời khai cũng như tài liệu liên quan, tất cả đều khách quan…

Đáng chú ý, một thẩm phán đặt vấn đề với Vi Văn Phượng tại sao trong các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm trước đây không khai về việc bị bức cung nhục hình. Ngay lập tức, luật sư bào chữa cho bị cáo Phượng đã phản đối cách đặt câu hỏi này.

Vị luật sư cho rằng thẩm phán đã không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, bởi trong các bản án đều nêu rất rõ rằng Vi Văn Phượng nhiều lần tố cáo mình bị tra tấn, đe dọa.

Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi…

TUYẾN PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/nhan-toi-giet-me-vi-bi-dieu-tra-vien-doa-bat-con-835556.html