Nhân vật trữ tình trong bài thơ Ấm lạnh của Hữu Thỉnh

Bài thơ Ấm lạnh không đơn độc, lạc lõng, mà lại hòa điệu cùng 35 bài thơ trong tập thơ Thư mùa đông, tựa một bản giao hưởng.

Mùa Đông nước Nga.

Nhà thơ Hữu Thỉnh sáng tác bài thơ Ấm lạnh trong một chuyến đi Nga, được in trong tập thơ Thư mùa đông - 1994.

Đêm nay là cái đêm gì nhỉ

Rét biến thành dây để trói tôi

Em kề bên hoa trước mặt

Ngày mai thương nhớ đã qua trời.

(Moscow, 1987)

Thực ra, nếu chúng ta gia công lật xới các từ ngữ trong 4 câu thơ của bài Ấm lạnh, sẽ không khỏi lúng túng, khó nhận ra nhân vật trữ tình chỉ với vỏn vẹn 27 chữ. Nhìn qua, sẽ có người dễ xác định ngay đây là bài thơ Đường luật, thể thất ngôn tứ tuyệt, nhưng so chiếu thì số chữ và cách gieo vần không tuân theo luật thơ Đường.

Cũng có thể cho rằng, bài thơ mang âm hưởng thơ Đường, vì nhiều lẽ, Hữu Thỉnh là nhà thơ vận dụng tài năng thi pháp thể loại; đồng thời ông “học tập và biết cách chắt lọc, dồn nén của Đường thi, do vậy thơ ông rất kiệm lời về mặt ngôn từ để tạo cho người đọc một tâm thế tiếp cận thâm trầm, hướng nội theo thi pháp phương Đông”... (Trần Mạnh Hảo, Phê bình phản phê bình).

Theo tôi, cách lý giải sau dễ được bạn đọc chấp nhận hơn. Song dù gì, xét góc độ thi luật, thời gian ra đời, cần định hình cho rõ ra, thì bài thơ Ấm lạnh viết theo cách tự do.

Đọc bài thơ, độc giả sẽ dễ vội cho rằng, giai điệu, nhịp vần… không có gì đặc sắc, từ ngữ cũng chẳng ví von; hình ảnh thì đơn lẻ, rất thực với đời thường, ý thơ như “hiển thị” hết bên ngoài, nếu không muốn nói là bài thơ chưa gây được sự chú ý của bạn đọc (!).

Quả thật, tôi chưa đọc được dòng cảm nhận nào của bạn đọc trên các trang thông tin và cả các nhà lý luận phê bình về bài thơ này. Nhưng xin mời bạn đọc hãy đọc bài thơ và đọc thêm vài lần, chúng ta sẽ nhận ra cái tình sâu thẳm của tác giả. Chỉ vì tôi không tin rằng, nhà thơ Hữu Thỉnh lại viết một bài thơ “đơn điệu” về một xứ sở bạch dương xinh đẹp đến vậy!

Tính đến thời điểm tập Thư mùa đông xuất hành (1994), thì Hữu Thỉnh đang ở vào cái tuổi “tri thiên mệnh”. Với độ tuổi này, Hữu Thỉnh đã đủ độ chín trong suy tư trải nghiệm về thế thái nhân tình. Giọng thơ của ông như là tiếng lòng tha thiết với đời, vẻ dáng ưu trầm của một công dân đầy trách nhiệm.

Đó chính là kết quả của sự trải nghiệm đã được chưng cất trong đời sống tinh thần của Hữu Thỉnh, đúng với quan niệm của ông: “Thơ là kinh nghiệm sống”. Cho nên bài thơ Ấm lạnh không đơn độc, lạc lõng, mà lại hòa điệu cùng 35 bài thơ trong tập thơ Thư mùa đông, tựa một bản giao hưởng.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trong một bài bình giá về tập thơ mới này của Hữu Thỉnh, nhận định: “…Những câu thơ hay thời đầu của anh thường thiên về cảm. Bây giờ câu thơ Hữu Thỉnh đậm màu triết học hơn, nó có sức nặng của ngẫm ngợi và chiêm nghiệm…”.

Tại sao cả hai tính từ ẤM - LẠNH chỉ trạng thái có nghĩa nghịch nhau lại được Hữu Thỉnh dùng để đặt tên cho bài thơ? Phải chăng nhà thơ đan kết hai tính từ này muốn gây sự chú ý cho bạn đọc? Thường chỉ đọc qua nhan đề, độc giả đã tiếp nhận phần nào nội dung tác phẩm.

Cho nên, việc tìm chọn từ, ngữ… để đặt tên cho một tác phẩm là vấn đề rất quan trọng. Làm sao cho nó “ăn nhập” với nội dung tác phẩm, hoặc dùng hình ảnh ẩn dụ, không trùng lắp, tên phải thú vị, có chất văn, mang sắc thái rất riêng... Chúng ta cũng biết có nhiều tác phẩm đã sản sinh ra rồi, mà đến lúc đặt cái tên cho nó thì lại rất “trần ai”, khiến tác giả rất “đau đầu”.

Trong giới văn nghệ sĩ đã có không ít tác giả thay tên đứa con tinh thần của mình như Nam Cao (Chí Phèo), Vũ Trọng Phụng (Kỹ nghệ lấy tây), Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh).v.v… Vậy bài thơ này, chỉ có 4 câu, với bấy nhiêu từ ngữ, dụng ý trái nghĩa của nhan đề bài thơ, tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ được “ngộ” ra sau khi nghiền ngẫm, bóc tách 4 câu thơ qua các lớp vỏ ngôn ngữ.

Tuyết rơi trên Quảng trường Đỏ, Moscow.

Chúng ta dễ nhận ra ngay trước hai câu thơ đầu và cuối có hai cụm từ chỉ thời gian, “Đêm nay” và “Ngày mai”. Hai thời điểm này có chức năng gói trọn diễn tiến của sự việc được tác giả mô tả trong toàn bài thơ.

Không chỉ trong bài thơ Ấm lạnh, ta còn nhận ra trong trường ca Đường tới thành phố - 1979 (trích Chương 4: Tờ lịch cuối cùng), Hữu Thỉnh cũng dùng cặp từ ngữ chỉ thời gian này “Đêm nay” và “Ngày mai” như là một mô típ: “Đêm quả thị/ Và sáng mai cô Tấm”, “Ngày mai chúng ta đánh trận cuối cùng/ Đêm còn lạnh ở ngoài ta đấy bạn”, “Ngày mai chúng mình tiến vào thành phố/ Đêm nay mẹ lại nhắc chúng mình đây”…

Câu thơ mở bài: Đêm nay là cái đêm gì nhỉ, có phải là một câu hỏi? Cuối câu lại không có dấu chấm hỏi. Về cấu trúc câu, Đêm nay giữ vai trò chủ ngữ. Còn về nội dung, câu thơ nêu một vấn đề chưa rõ: cái đêm gì nhỉ. Nhưng đó không phải là câu hỏi cần được trả lời, mà phải xét theo dụng ý nghệ thuật, đây là câu hỏi tu từ biểu lộ cảm xúc (Hoàng Đức Huy, Sổ tay tiếng Việt cấp II).

Trong văn bản nghệ thuật, câu hỏi tu từ là một trong các biện pháp nghệ thuật nhằm nhấn mạnh nội dung mà người nói muốn biểu đạt. Cứ ngân nga, ta càng hiểu câu thơ bộc lộ trạng thái tâm lý với đầy cảm xúc của nhà thơ. Tác giả tự hỏi chính mình, chứ không hỏi ai khác. Mark Epstein (giảng viên Đại học New York, Mỹ) đã trình bày ý kiến của mình về ngôn ngữ độc thoại trong Con đường vô ngã: “Người đọc hoặc nghe ngôn ngữ của chính mình sẽ tự động tìm cách xác lập ý nghĩa cho nó”.

Những từ, những ngữ vang lên trong bản ngã, hay nói rõ hơn đó là những chuỗi ngôn ngữ độc thoại trong tâm thức của mình. Xác thực trong văn cảnh thì đây cũng không phải là câu nghi vấn giao tiếp với một ai. Nó được thốt lên từ nội tâm nhà thơ, do vậy, cuối câu thơ không cần phải đặt dấu chấm hỏi.

Tôi rất tâm đắc về một ý kiến đăng trên trang web của Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt, Chương Củng cố kiến thức: “Không phải tất cả các câu nghi vấn đều kết thúc bằng dấu chấm hỏi”. Và… cái đêm gì nhỉ sẽ được Hữu Thỉnh làm rõ trong những câu thơ sau.

Tiếp đến, câu thơ thứ hai: “Rét biến thành dây để trói tôi”. Câu thơ mô tả một hình ảnh rất thực, rất đời thường. Một người đang chịu đựng cái lạnh giá đến mức rét buốt của thời tiết, đến nỗi hai bàn tay phải tìm nơi ẩn trú loanh quanh ngay trong cơ thể của chính mình. Hình ảnh ấy được tác giả ví như một người đang bị trói. Sự liên tưởng nghe qua thật hài hước.

Ai đã từng trải qua cái rét sẽ càng thấu hiểu, cảm thông, xúc cảm trước hình ảnh này. Thời điểm bấy giờ (1987), nhà thơ đang ở Liên Xô. Giá lạnh đến rét chắc là đang vào mùa Đông. Mùa Đông nước Nga kéo dài đến nửa năm, từ tháng 10 tới tháng 3, với đêm thì dài mà ngày thì ngắn.

Từ 16, 17 giờ, trời đã tối, và mãi tới 8, 9 giờ sáng hôm sau mới rõ mặt người. Nước Nga nổi tiếng là một trong những xứ sở lạnh nhất trên thế giới với nhiệt độ có khi tới -55, - 60 độ C ở vùng Bắc cực. Ở các vùng khác trên toàn lãnh thổ Nga, nhiệt độ cũng dao động từ 0 đến -40 độ C. Từ cái lạnh ở Việt Nam, ta càng thấm thía sự hứng chịu trước cái rét của nước bạn.

Câu thơ kế tiếp: “Em kề bên hoa trước mặt”, theo tôi, như là một giả định, một cảm thức lãng mạn của nhà thơ trong một không gian trống vắng. Bạn đọc sẽ dễ nhận ra hình ảnh em kề bên… chỉ là một ảnh ảo, là nhân vật tâm tưởng xuất ra từ trong sự rung động của trái tim nồng cháy, đa cảm của người nghệ sĩ mà thôi.

Liên hệ hình ảnh, trạng thái cô đơn của nhà thơ ở câu thơ trên: “Rét biến thành dây để trói tôi”, ta càng nhận ra sự “trái khoáy”, không thực. Có chuyện kể rằng, tại chương trình nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam được mở đầu bằng buổi giao lưu cùng thầy và trò Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với chủ đề “Văn chương và bục giảng”, một nữ sinh hỏi nhà thơ Hữu Thỉnh: “Xin nhà thơ cho biết người con gái trong “Thơ viết ở biển” có phải người tình của bác không?”.

Ông trả lời: “…Chẳng có người tình nào cả”. Ông đã bộc bạch về mình trong bài thơ Chăn - đa em ơi: “Cũng tại tôi đa tình/ Nên bây giờ mới khổ”. Mà cũng biết đâu, cái ảnh ảo đó lại giúp cho tâm hồn đa cảm kia ấm lại, quên đi cái rét căm của đất trời! Nhưng cho dù là một ảnh ảo, là mộng tưởng của nhà thơ, thì câu thơ thứ 3 cho ta càng cảm thông sự hiu quạnh, trống vắng của thi sĩ trước cái rét đang xâm chiếm tâm hồn anh.

Chính ngoại cảnh đã tác động đến thế giới nội tâm của nhà thơ. Phải chăng đó là sự rung cảm đến cực đỉnh chỉ có ở những trái tim lớn của những nghệ sĩ thăng hoa đến như vậy? Trở về với đời thực, ta có thể nói, cái lạnh lòng người còn đáng ghê sợ hơn bội phần.

“Ngày mai thương nhớ đã qua trời”. Đây là câu thơ cuối cùng như một cánh cửa thời gian khép lại, gói gọn những gì đã trang trải, giãi bày, tâm sự qua các câu thơ trên. Cụm từ Ngày mai chỉ thời gian cận tương lai, nhưng nó có giá trị thông báo cho sự kết thúc: “…thương nhớ đã qua trời”.

Có sự trái nghịch về cách dùng từ ở đây. Đã dùng trạng ngữ “Ngày mai”, sao lại có từ “đã”? Đây không phải là văn nói của một vài MC thường vấp phải trên một số kênh truyền hình, mà đây là một câu thơ của một nhà thơ lớn. Cho nên ta phải xem xét dưới cái nhìn ngôn ngữ của nghệ thuật.

Tôi chợt nhớ đến phát ngôn của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: “Thơ Hữu Thỉnh vốn đa nghĩa, cái hay không chỉ nằm ở bề mặt mà thường ẩn giấu sâu sắc ở tầng sâu”. Tìm nghĩa của ngôn ngữ thơ chủ yếu là tìm hiểu ngôn ngữ của nhân vật trữ tình. Vẫn biết cái tôi trữ tình trong thơ và cái tôi của nhà thơ không hề đồng nhất. Cái tôi của nhà thơ ngoài đời thuộc phạm trù xã hội học, còn cái tôi trữ tình trong thơ thuộc phạm trù nghệ thuật.

Cái tôi trữ tình là cái tôi nhà thơ đã được nghệ thuật hóa và trở thành một yếu tố nghệ thuật phổ quát trong thơ trữ tình. Tôi cho rằng, câu thơ cuối cùng được xem như là một cách phát ngôn nghệ thuật ẩn chứa tâm trạng, nỗi niềm sâu kín của tác giả. Lúc này, Đêm nay, là thời điểm mà nhà thơ đang muốn níu kéo thực tại, muốn thời gian “ngừng trôi” để Ngày mai chậm lại, nếu không thì những gì tốt đẹp nhất chỉ còn là thương nhớ.

Vì Ngày mai sẽ kết cục, mỗi phương trời cách biệt. Trước cụm từ Ngày mai như có từ NẾU vô hình, cho nên những gì hôm nay sẽ thuộc vào dĩ vãng, khi không gian đã cách biệt. Từ đã được sử dụng rất đắt để chỉ thời điểm quá khứ. Sự dùng dằng về thời gian, cả sự dùng dằng trong bản thể nhà thơ đã nâng tần số cảm xúc lên cao.

Nhìn toàn bài thơ, chúng ta nhận ra vai trò của cấu tứ rất quan trọng. Nó tạo nên hồn thơ, bộc bạch nên những điều, những nghĩ suy rất riêng, rất khắc khoải trong tâm của thi sĩ. Phải thật là tinh mắt, người đọc mới nhận ra cái tôi trữ tình của nhà thơ. Nhân vật trữ tình là đấy!

Bây giờ, chúng đã nhận diện ra được nhân vật trữ tình của bài thơ. Đó là khối tình cảm sắt son của tác giả xuất phát từ nơi đã gieo vào tâm hồn nhà thơ, những rung cảm khó quên nhất, những dấu ấn rất sâu đậm, những thương nhớ đã qua trời khi Ngày mai mở ra một ngày mới.

Nhà thơ Hữu Thỉnh đã rất tài tình, biết chắt chiu khi thêu dệt nên nhân vật trữ tình chỉ bằng 4 câu thơ, với nghệ thuật dùng từ độc đáo mà đa nghĩa, hình ảnh được chọn lựa một cách dung dị mà sâu sắc, rất gợi cảm. Chúng ta đừng quên ý nghĩa của nhan đề bài thơ. Sau khi cày xới các tầng nghĩa của các từ ngữ của 4 câu thơ, tới đây, chúng ta được hiểu thêm giá trị biểu đạt của nhan đề bài thơ Ấm lạnh.

Ấm là từ chỉ sự ấm áp, nồng nàn về mối tình khó quên của nhà thơ và nơi mình đến. Còn lạnh, tuy rét đến mức tột độ của thời tiết xứ bạch dương, nhưng đó cũng chỉ là chất xúc tác, khiến cho tình cảm trân quý kia càng thêm nồng cháy. Như Martin Heidegger (một triết gia Đức) đã nhận định, con người không nói ngôn ngữ mà ngôn ngữ nói con nguời.

Qua những cảm nhận trên, bằng nghệ thuật dùng từ rất điêu luyện, hình ảnh giản đơn, khéo chọn lọc, kết cấu bài thơ hợp lý, chặt chẽ, những trường hợp tưởng như sai với cú pháp, nhưng đặt trong văn bản nghệ thuật, chúng ta tiếp nhận sâu sắc giá trị biểu cảm của khối tình mặn mà, sự gắn kết của nhà thơ với một xứ sở xa xăm nhưng vô cùng chung thủy, đậm sâu. Chính những cái nghịch về ngôn từ trong bài thơ đã khẳng định bút pháp nghệ thuật độc đáo, tạo nên một phong cách rất riêng của nhà thơ Hữu Thỉnh.

Với 27 chữ, bài thơ đã khắc họa nên một nhân vật trữ tình vô cùng ấn tượng, gợi trong mỗi chúng ta nhiều cảm xúc về tình người, về sự chí tình giữa hai dân tộc Việt - Nga trong những năm tháng không thể nào quên. Mối quan hệ ấy như một “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt tạo nên mạch nguồn cảm hứng tuôn chảy trong mỗi tác phẩm, là những ngày tháng, kỷ niệm sâu sắc không thể quên của chính những người trong cuộc như nhà thơ Hữu Thỉnh qua những năm tháng học tập, công tác ở xứ sở bạch dương.

Vũ Hồng (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhan-vat-tru-tinh-trong-bai-tho-am-lanh-cua-huu-thinh-post646997.html