Nhân viên y tế gốc Á đối mặt với sự thù ghét và bạo lực giữa đại dịch Covid-19

Các nhân viên y tế người Mỹ gốc Á luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro trong thời kỳ dịch bệnh, hơn nữa họ cũng có nguy cơ bị bạo hành cao hơn so với những ngành nghề khác.

Khi y tá cao cấp Helen Nguyen đến làm việc tại một phòng khám ở Albuquerque, New Mexico cách đây một vài tuần, cô đã nhận thấy sự gia tăng những bình luận khiếm nhã về ngoại hình của cô cũng như “các hành vi phân biệt chủng tộc” đối với cô, Helen Nguyen chia sẻ với chương trình Today của NBC.

Nhân viên y tế bên ngoài một bệnh viện ở TP.New York (Mỹ). Ảnh: Reuters.

Đôi khi các bệnh nhân đặt câu hỏi tại sao khả năng nói tiếng Anh của cô lại quá trôi chảy và câu trả lời đây là ngôn ngữ đầu tiên của cô. Một lần khác, một đồng nghiệp hỏi cô: “Là thiểu số kiểu mẫu thì có gì tệ? Tại sao khi người ta lập tức mặc định bạn thông minh chỉ vì chủng tộc của bạn thì đó là điều tệ hại”.

Vào một ngày tháng 4, một bệnh nhân nặng đã bày tỏ thái độ coi thường nữ y tá 28 tuổi này, mặc dù cô có đến 7 năm kinh nghiệm và là người cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết cho anh ta.

“Chào mừng đến với nước Mỹ”

"Một bệnh nhân nói với tôi rằng “Chào mừng đến với nước Mỹ", và anh ta nói rất lớn như thể muốn nhấn mạnh điều đó. Ngay lập tức tôi trả lời rằng tôi là người Mỹ và tôi được sinh ra ở đây”, Helen Nguyen nhớ lại.

Bệnh nhân đã phớt lờ câu trả lời của cô khi cô thông báo rằng anh ta cần có thời gian để thu xếp một cuộc hẹn và nói rằng “không chắc chắn về người cung cấp dịch vụ y tế mà anh ta sắp được nhận”.

“Anh ấy hỏi về chứng chỉ của tôi, nói rằng: “Cô có được đào tạo ở đây không?. Tôi đáp lại “Ý anh là gì?” và anh ta trả lời: “Ở đây, ở đất nước này”. Tôi nói với anh ta rằng tôi là người Mỹ và anh ta hỏi tôi một lần nữa như thể muốn bác bỏ điều đó”.

Những lời bình luận của bệnh nhân này khiến Helen Nguyen cảm thấy khó chịu song cô vẫn phải cố gắng vượt qua. Những Helen cho biết, điều này đặc biệt khó khăn bởi nó diễn ra không lâu sau vụ xả súng vào 3 tiệm spa ở Atlanta khiến 6 người thiệt mạng trong đó có 6 phụ nữ Mỹ gốc Á.

Ngay khi cô bước ra khỏi cửa phòng khám, bệnh nhân một lần nữa lại nói rằng “Xin chào đến với nước Mỹ”. “Tôi không biết phải nói gì. Tôi chỉ thấy sốc”, Helen tâm sự.

Nguy cơ bạo lực gia tăng

Tại Mỹ có 1,4 triệu nhân viên y tế người Mỹ thuộc cộng đồng gốc châu Á và Thái Bình Dương (AAPI), chiếm 8,5% nhân viên y tế thiết yếu của quốc gia này, theo dữ liệu năm 2020 do tổ chức chuyên nghiên cứu về chính sách nhập cư New American Economy công bố. Gần 1 triệu người trong số họ là người nhập cư.

Cơ quan Quản lý An Toàn và Sức khỏe Nghề Nghiệp (OSHA) cho biết, các nhân viên y tế gốc Á luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro trong thời kỳ dịch bệnh, hơn nữa họ cũng có nguy cơ bị bạo hành cao hơn so với những ngành nghề khác.

Nhiều người Mỹ gốc Á ở các cơ sở y tế tuyến đầu cho biết, họ đã nhận thấy sự gia tăng tình trạng phân biệt chủng tộc và bạo lực tại nơi làm việc trong thời gian qua. Nhìn chung số vụ phạm tội thù ghét đối với người Mỹ gốc Á đã tăng 169% trong quý 1/2021 so với cùng kỳ năm 2020.

“Đến từ đâu thì trở về đó”

Michelle Gutierrez-Vo, 48 tuổi, một y tá người Philippines tại cơ sở chăm sóc y tế ở Fremont, bang California nói với Today rằng, bà đã phải can thiệp nhiều lần trong những tháng gần đây khi bệnh nhân có hành vi gây gổ với các lễ tân làm nhiệm vụ tiếp đón bệnh nhân và kiểm tra nhiệt độ, phần lớn đều là người châu Á tại nơi làm việc của cô.

Michelle Gutierrez-Vo: “Từng có bệnh nhân rất hung hãn và đe dọa rằng “Tôi sẽ quay trở lại và bắn tất cả các người”. Khi vụ việc này xảy ra, Gutierrez-Vo đã cố gắng nói chuyện với bệnh nhân và gọi nhân viên an ninh. “Thật kinh khủng”, y tá Gutierrez-Vo cho biết.

Một trường hợp khác xảy ra vào đầu năm nay. “Bệnh nhân đến phòng khám, và chỉ trong vòng một vài giây đã la hét với một lễ tân người Philippines. Anh ta nói rằng: “Đừng nói chuyện với tôi kiểu như vậy, tôi không hiểu cô đang nói gì. Hãy nói tiếng Anh”, nhưng thực ra cô ấy đang nói tiếng Anh. Cô ấy nói rằng “Tôi ở đây để giúp đỡ anh”.

“Thế nhưng bệnh nhân kia lại nói: “Cô đến từ đâu thì hãy quay trở về nơi đó”. Sau đó anh ta nói thêm: “Cô thật ngốc nghếch”.

Gutierrez-Vo tiếp tục: “Thật quá tổn thương. Tôi phải đứng lên, đến bên cạnh và cố gắng bảo vệ cô ấy. Làm y tá suốt 23 năm, đây không phải là lần đầu tiên tôi chứng kiến hành vi gây gổ như vậy, cách hành xử của bệnh nhân này cho thấy rõ sự phân biệt chủng tộc, trái ngược hoàn toàn với những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần”.

Họ không muốn người châu Á

Gutierrez-Vo nói rằng, bà luôn thẳng thắn và phản ánh chân thực những điều mắt thấy tai nghe vì bà là thành viên của National Nurses United – hiệp hội y tá quốc gia lớn nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, bà lo ngại những nhân viên y tế không thuộc các hiệp hội hoặc các tổ chức công đoàn – những người cũng đang phải chứng kiến tình trạng bạo lực hoặc phân biệt chủng tộc, khó có thể lên tiếng để tạo ra một môi trường làm việc an toàn hơn. Theo phân tích của New York Times về dữ liệu của chính phủ, có khoảng 17% y tá và 12% nhân viên y tế khác không thuộc các tổ chức công đoàn.

Valerie Francisco-Menchavez, chuyên gia tại Đại học bang San Francisco cho biết, một nhóm khác dễ đối mặt với tình trạng bạo lực nhưng lại nhận được ít sự giúp đỡ bởi họ không thuộc các nghiệp đoàn nào. Đây là những người chăm sóc bệnh nhân tại các phòng khám tư hay nhà riêng.

“Nhiều người trong số họ phải đến cơ quan môi giới để kết nối với những người thuê mướn hoặc các cơ sở tư nhân. Họ nói với tôi về những trải nghiệm tại nơi làm việc. Về cơ bản họ bị từ chối hoặc bị coi thường vì là người gốc châu Á”, chuyên gia Valerie Francisco-Menchavez cho biết

“Có những người trong số họ bị nhầm lẫn là người Trung Quốc và phải chịu những lời nói xúc phạm như “virus châu Á”. Đôi khi họ bị mất việc hoặc mất hợp đồng lao động. Điều đó gây tổn hại về tinh thần và cảm xúc cho những người chăm sóc bệnh nhân”.

Tess Brillante, một nhân viên chăm sóc người Philippines ở Hạt Santa Clara, California, chia sẻ với Today rằng, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các cơ sở chăm sóc đều hạn chế số lượng nhân viên châu Á mà họ thuê.

“Họ thuê rất ít, không giống như trước đây. Các khách hàng, đặc biệt là khách hàng da trắng đều không muốn người chăm sóc tại nhà riêng cho họ là người châu Á”.

“Tôi không phải là bao cát”

Vào giữa tháng 4/2021, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật Phòng chống Bạo lực tại Nơi làm việc đối với Nhân viên Chăm sóc Sức khỏe và Dịch vụ Xã hội (H.R. 1195). Dự luật này đã được chuyển đến Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Lương hưu của Thượng viện. Nếu được ký ban hành thành luật, dự luật sẽ yêu cầu người sử dụng lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội phải “thực hiện một kế hoạch phòng chống bạo lực toàn diện tại nơi làm việc”.

Nhưng từ nay cho đến lúc đó, nhiều nhân viên chăm sóc y tế người Mỹ gốc Á vẫn phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc tại nơi làm việc trong khi luôn cố gắng cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân.

“Cho dù mọi người ghét chúng tôi hoặc ghét tôi vì bất cứ lý do gì thì điều này vẫn không làm thay đổi được con người tôi. Tôi vẫn luôn tin vào giá trị bản thân, giữ một tiêu chuẩn cao cho mình. Tôi luôn giữ vững đạo đức nghề nghiệp, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tôi phải trở thành bao cát tập đấm”./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo NBC

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nhan-vien-y-te-goc-a-doi-mat-voi-su-thu-ghet-va-bao-luc-giua-dai-dich-covid-19-855805.vov