Nhãn Việt chinh phục thị trường Australia

Cùi dày, trái to, cơm khô và có hương vị đặc trưng của nhãn miền Bắc, lần đầu tiên gần 1 tấn nhãn muộn của Hà Nội đã thông quan thành công tại thị trường Australia. 'Ngày nhãn Việt Nam tại Australia' cũng được diễn ra ngay sau đó (ngày 9/9), hứa hẹn mở ra cơ hội mới cho trái nhãn Việt cũng như ngành rau quả xuất khẩu (XK) của Việt Nam nói chung.

Những ngày đầu tháng 9/2019, tại Hà Nội, những trái nhãn muộn đầu tiên của miền Bắc được XK sang thị trường Australia. Để có được trái nhãn đủ tiêu chuẩn XK, Công ty Green Path đã có 5 năm chuẩn bị để xây dựng vùng trồng tại huyện Hoài Đức (Hà Nội). Một kế hoạch làm việc cụ thể với bà con nông dân cũng được công ty đặt ra. Theo đó, Green Path đã cử kỹ sư giám sát, theo dõi quá trình trồng, chăm sóc, thu hái của bà con.

Nhãn Việt được quảng bá tại thị trường Australia

Nhãn Việt được quảng bá tại thị trường Australia

Và để trái nhãn Việt đến gần hơn với người tiêu dùng Australia, đề cao giá trị thương hiệu doanh nghiệp gắn với trách nhiệm xúc tiến sản phẩm Việt Nam và trách nhiệm với người tiêu dùng, ngày 9/9/2019, tại Melbourne, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, Thương Vụ Việt Nam tại Australia, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia,… cùng với Công ty Green Path Việt Nam và Công ty Green Path Australia tổ chức Ngày nhãn Việt Nam tại Australia. Theo đó, một chuỗi các sự kiện gồm: Đưa nhãn vào chợ bán buôn và vào các cửa hàng, siêu thị; tổ chức “Vietnam Longan RoadShow” quảng bá thương hiệu nhãn Việt Nam tại một số thành phố và siêu thị tại Australia; tổ chức giới thiệu nhãn Việt Nam tập trung vào giới trẻ tại Australia; xây dựng thương hiệu nhãn Việt Nam gắn với thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam và các vùng sản xuất đã được diễn ra.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam và Australia đạt 7,7 tỷ USD. Trong đó XK của Việt Nam sang Australia đạt 3,96 tỷ USD và nhập khẩu của Việt Nam từ Australia là 3,75 tỷ USD. Giá trị nông sản Việt Nam XK sang Australia xấp xỉ 600 triệu USD với các mặt hàng trọng điểm là thủy sản (197 triệu USD), hạt điều 110 triệu USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 193 triệu USD, rau quả đạt 42 triệu USD…

Thời gian gần đây, hai bên đã nỗ lực hợp tác mở rộng cửa giao thương mặt hàng rau quả. Ngày 17/7/2019. Phía Australia đã công bố các điều kiện nhập khẩu đối với quả nhãn từ Việt Nam. Tính đến nay, Việt Nam đã được phía Australia cấp phép cho XK 4 loại quả là vải tươi (tháng 5/2015), xoài (tháng 9/2016), thanh long (tháng 8/2017) và nhãn (tháng 7/2019).

Trong buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) mới đây, bà Bridget McKenzie - Thượng nghị sỹ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Australia về tình hình hợp tác chung giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp - cho biết: “Lần đầu làm việc với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam và được thưởng thức quả nhãn tươi, tôi thấy sản phẩm đặc sản này của các bạn rất ngon, tuyệt vời. Chúng tôi mong quả nhãn sẽ sớm có mặt tại các siêu thị ở Australia để phục vụ người dân của chúng tôi và người Việt Nam ở đó cũng được thưởng thức sản phẩm của quê nhà”.

Là doanh nghiệp XK những lô nhãn chín muộn đầu tiên của Hà Nội sang thị trường Australia, bà Phùng Thị Thu Hương - Giám đốc Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam - chia sẻ: Với phương châm tôn trọng giá trị thật của nông sản, Green Path không dùng hóa chất xử lý sáng màu cho trái nhãn mà để màu tự nhiên vốn có. Chấp nhận bỏ ra chi phí lớn hơn, Green Path sử dụng phương tiện vận chuyển là máy bay thay vì đường biển, bà Phùng Thị Thu Hương kỳ vọng nhãn muộn của Hà Nội sẽ đón nhận những tín hiệu tích cực từ người tiêu dùng Australia. “XK thành công là một điều đáng mừng, nhưng giữ được niềm tin của người tiêu dùng hay không là việc mà doanh nghiệp phải nỗ lực hàng ngày. Do đó, Green Path luôn nhấn mạnh hướng đi chọn chất lượng thay vì số lượng”, bà Phùng Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Thị trường đã được khơi thông, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần làm. Hiện, Việt Nam có 2 trung tâm chiếu xạ nhưng Australia mới công nhận một trung tâm chiếu xạ ở phía Nam, trong khi đó, trung tâm chiếu xạ ở phía Bắc với các điều kiện và trang thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn của quốc tế. Do đó, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ NN&PTNT - đề nghị phía Australia sớm xem xét, công nhận trung tâm này.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - ông Nguyễn Xuân Cường - nhận định, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Australia khá cân bằng và bổ trợ nhau khá tốt, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại nông sản. Phát triển nông nghiệp là một vấn đề quan trọng đối với Việt Nam, song với sản xuất trong nước, Việt Nam vẫn cần sự bổ trợ từ các sản phẩm như sản phẩm chăn nuôi đại gia súc, sữa và lúa mỳ để phục vụ chế biến. Ở chiều ngược lại, Việt Nam có thế mạnh trong XK lúa, cà phê, cá tra, tiêu, điều - là những sản phẩm mà Australia cần. Bên cạnh đó, những trái cây nhiệt đới như thanh long, nhãn, vải cũng là những sản vật của Việt Nam mà Australia không có.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhan-viet-chinh-phuc-thi-truong-australia-124934.html