Nhãn Việt vươn xa

Sau nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng, đảm bảo quy trình sản xuất, rõ ràng xuất xứ... lô nhãn tươi đầu tiên của nước ta đã có mặt tại Nhật Bản vào cuối tuần trước. Đây tiếp tục là một tin vui trong những ngày đầu năm mới của ngành nông sản nước nhà.

Sau nhiều nỗ lực, nhãn Việt đã chinh phục thị trường Nhật Bản.

Sau nhiều nỗ lực, nhãn Việt đã chinh phục thị trường Nhật Bản.

Thêm trái nhãn tươi chinh phục Nhật Bản

Tính đến thời điểm này, nhãn là loại nông sản thứ 4 chinh phục thành công thị trường khó tính này.

Để có thể có được thành quả của ngày hôm nay, quả nhãn đã phải trải qua một hành trình dài đầy gian nan, bởi thị trường Nhật Bản rất kén chọn thực phẩm, họ đưa ra nhiều quy trình khắt khe, nhất là vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi, sản xuất nông nghiệp ở nước ta vẫn còn mang tính manh mún, việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu của nông dân không được kiểm soát chặt chẽ. Chính vì vậy, không chỉ nhãn, nhiều nông sản Việt dù được sản xuất ra nhiều nhưng vẫn khó có thể xuất khẩu đi các thị trường khác, nhất là với một thị trường khó tính như Nhật Bản.

Chia sẻ với báo giới, ông Tạ Đức Minh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, Việt Nam và Nhật Bản đã khởi động đàm phán về việc Nhật Bản mở cửa thị trường cho quả nhãn tươi của Việt Nam từ 6 năm trước. Cũng giống như các cuộc đàm phán cho các trái cây tươi khác trước đây, các cuộc đàm phán về việc Nhật Bản mở cửa thị trường cho nhãn tươi Việt Nam diễn ra khá khó khăn. Mặc dù vậy, nhờ những nỗ lực vận động của các lãnh đạo và cơ quan chức năng Việt Nam, ngày 23/11/2022, phía Nhật Bản đã chính thức cấp phép cho nhãn tươi Việt Nam vào thị trường này.

Trên cơ sở đó, ngày 3/1, Công ty TNHH Hoàng Phát đã xuất khẩu 10 tấn nhãn tươi sang Nhật Bản theo đường hàng không. Đây là lô nhãn tươi đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu vào Nhật Bản theo đường chính ngạch.

Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, lô nhãn này đã lên kệ tại các siêu thị ở Nhật Bản vào cuối tuần trước và nhận được sự phản hồi tích cực từ người tiêu dùng Nhật Bản. Sau lô nhãn trên, mỗi tháng, Công ty TNHH Hoàng Phát dự định sẽ xuất khẩu từ 70 tấn đến 100 tấn nhãn tươi bằng đường biển và đường hàng không sang Nhật Bản.

Mở rộng cơ hội cho nông sản xuất khẩu

Trước nhãn, thanh long, xoài và vải của Việt Nam cũng đã chinh phục được thị trường Nhật Bản khó tính. Như vậy, tính đến thời điểm này, đã có 4 loại nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản. Đây là một tin vui song, đối với một quốc gia có 70% dân số làm nông nghiệp như Việt Nam, thì con số này vẫn còn khá khiêm tốn.

Là nước khí hậu nhiệt đới, Việt Nam là thủ phủ của rất nhiều sản phẩm nông sản tươi ngon được người tiêu dùng thế giới ưa thích. Có thể kể đến những sản phẩm rất dồi dào và chất lượng thơm ngon của nước nhà như sầu riêng, bưởi, chôm chôm, cam, quýt... thế nhưng trong số hàng trăm loại trái cây đặc sản của Việt Nam, mới chỉ có 4 loại trái cây được thị trường khó tính như Nhật Bản “gọi tên”. Đó là một điều đáng tiếc.

Bởi nếu có thể xuất khẩu thêm nhiều loại trái cây nữa đến với những thị trường như Nhật Bản thì ngành nông sản xuất khẩu nói chung, trái cây xuất khẩu nói riêng của Việt Nam sẽ có cơ hội chinh phục nhiều thị trường khó tính khác trên thế giới. Khi đó, không chỉ nâng cao về sản lượng xuất khẩu, nông sản Việt còn có thể nâng sức cạnh tranh, nâng chất lượng và giá trị. Người nông dân sẽ được nâng thu nhập.

Chính bởi vậy, giới chuyên gia cho rằng, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa quy trình quản lý chất lượng trong mọi khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hái để đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu của các loại nông sản, trái cây.

Vấn đề đặc biệt quan trọng là tuyệt đối không để tồn dư các loại hóa chất trong sản phẩm trước khi xuất khẩu. Bên cạnh đó, các công ty xuất khẩu cũng cần đầu tư các trang thiết bị và công nghệ bảo quản mới để các sản phẩm nông sản có thể giữ nguyên được màu sắc, hương vị trong thời gian lâu hơn so với trước đây. Nếu những yếu tố này được thực thi, thì các sản phẩm nông sản của chúng ta sẽ có thể chinh phục không chỉ thị trường khó tính như Nhật Bản mà còn có thể mở ra cơ hội sang các thị trường nhiều nước trên thế giới.

Những năm gần đây, ngày càng nhiều trái cây Việt Nam có mặt ở Nhật Bản và nhận được phản hồi khá tích cực từ người tiêu dùng nước này. Đáng chú ý, hiện nay, thanh long Việt Nam chiếm tới hơn 80% thị phần tại Nhật Bản, trong khi xoài tươi cũng chiếm thị phần 6,6% và chuối tươi chiếm thị phần 0,8%. Bên cạnh đó, một số loại trái cây mới được mở cửa thị trường trong 2 và 3 năm qua cũng đang khẳng định vị thế tại thị trường này như vải thiều (tươi hoặc đông lạnh) và nhãn đông lạnh (40,3%).

Thanh Xuân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhan-viet-vuon-xa-5707344.html