Nhanh chóng khắc phục hậu quả sau mưa đá, dông lốc

Do ảnh hưởng của hội tụ gió đêm 2-3, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa đá kèm theo dông lốc gây thiệt hại nặng nề về tài sản, hoa màu của người dân.

Báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trận mưa đá, dông lốc tối 2-3 đã làm thiệt hại 416 nhà ở, trong đó 5 nhà sập đổ hoàn toàn; 412 nhà bị tốc mái 1 phần, tập trung chủ yếu tại các xã Phù Lưu, Minh Dân, Đức Ninh, Hùng Đức (Hàm Yên); Côn Lôn (Na Hang). Dông lốc, mưa đá còn làm thiệt hại 365 ha lúa, ngô 25 ha, lạc 16 ha...

Xã Hùng Đức (Hàm Yên) là địa phương bị thiệt hại nặng nhất trong đợt dông lốc, mưa đá lần này. Ông Đặng Văn Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, trận mưa đá kèm theo dông lốc đã làm 29 nhà bị hư hại, trong đó có 2 nhà bị sập; 5 phòng học của trường THCS bán trú xã bị tốc mái; trên 200 ha lúa xuân, ngô và cây màu của người dân bị dập nát hư hại.

Cán bộ ngành Nông nghiệp tỉnh kiểm tra thiệt hại sau mưa đá.

Thôn Thị, một trong 3 thôn bị thiệt hại nặng nhất, lúa xuân đang thời kỳ đẻ nhánh rộ đã bị mưa đá làm dập nát, khó có khả năng phục hồi. Ông Hoàng Văn Thưởng, thôn Thị cho biết, chưa bao giờ ông gặp mưa đá lớn như vậy, những hòn đá to rơi xuống, hoa màu tan hoang hết. Ngay sau mưa đá xảy ra, UBND xã Hùng Đức đã thống kê và huy động dân quân hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị thiệt hại thu dọn tài sản, che chắn lại nhà ở, 5 hộ dân bị sập nhà đã được bố trí chỗ ở tạm tại nhà văn hóa thôn.

Cũng trên địa bàn huyện Hàm Yên, xã Phù Lưu đã huy động tối đa lực lượng đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ hỗ trợ dân khắc phục thiệt hại. Ông Ma Văn Quyết, thôn Quang vẫn chưa hết bàng hoàng sau cơn dông lốc, mưa đá. Ông Quyết bảo, nhà sập hết rồi nhưng may xã đã bố trí được chỗ ở tạm nên ông cũng an tâm hơn. Tạm thời người dân đã ổn định được đời sống, sinh hoạt và từng bước khôi phục sản xuất. UBND huyện Hàm Yên đã trích kinh dự phòng phòng chống thiên tai hỗ trợ 5 hộ bị thiệt hại nặng, mỗi hộ từ 3 đến 10 triệu đồng.

Tại huyện Chiêm Hóa, Na Hang, công tác khắc phục hậu quả sau mưa đá, dông lốc cũng được khẩn trương triển khai. Ghi nhận ban đầu, bà con đã ổn định cuộc sống. Ông Ma Phúc Khứu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa cho biết, đơn vị đã cử cán bộ xuống các địa phương có diện tích lúa xuân bị thiệt hại hướng dẫn bà con theo dõi và bảo vệ diện tích lúa, hạn chế sâu, bệnh hại xâm nhập.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, qua kiểm tra, diện tích lúa xuân cấy trà sớm bị thiệt hại nặng nhất, khả năng phục hồi chậm. Trên những chân ruộng bị thiệt hại, chi cục khuyến cáo, bà con giữ ổn định mực nước, vệ sinh sạch sẽ tàn dư cây trồng bị dập nát, tạm dừng chăm sóc, bón phân đối với ruộng có khả năng phục hồi. Đối với diện tích không khả năng phục hồi, không có kế hoạch gieo cấy vụ đông tổ chức cấy lại bằng mạ dự phòng hoặc gieo xạ bằng giống cực ngắn trước ngày 10-3.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/nhanh-chong-khac-phuc-hau-qua-sau-mua-da-dong-loc-129423.html