Nhập 1,8 triệu tấn nhôm trị giá 4,3 tỷ USD để giả mạo xuất xứ: Công ty nào đứng sau?

Một công ty Trung Quốc là đơn vị đứng sau vụ nhập 1,8 triệu tấn nhôm trị giá ước tính 4,3 tỷ USD rồi giả mạo xuất xứ Việt Nam, sau đó xuất sang Mỹ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết Cơ quan Hải quan Việt Nam năm nay đã chủ động phối hợp với Hải quan Mỹ ngăn chặn số lượng nhôm có nguy cơ giả mạo xuất xứ Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay.

"Tổng số hàng là 1,8 triệu tấn với trị giá ước tính lên đến 4,3 tỉ USD. Hàng không đủ điều kiện xuất vào thị trường Mỹ với xuất xứ Việt Nam" - ông Cẩn cho biết.

 Số nhôm trị giá hàng tỷ USD đang được lưu giữ tại Việt Nam. Ảnh: Dân Trí

Số nhôm trị giá hàng tỷ USD đang được lưu giữ tại Việt Nam. Ảnh: Dân Trí

Trao đổi với các bộ ngành về tình trạng gian lận xuất xứ tại cuộc họp diễn ra hôm 28/10, tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết cơ quan hải quan đã và đang tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi gian lận xuất xứ. Không thể để Việt Nam trở thành điểm trung chuyển của hàng hóa gian lận.

Liên quan đến vụ 1,8 triệu tấn nhôm mà cơ quan hải quan đã phát hiện và ngăn chặn, chia sẻ riêng với Tiền Phong, một lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, doanh nghiệp nhập khẩu 1,8 triệu tấn nhôm là Cty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam (trụ sở tại Bà Rịa - Vũng Tàu).

Cuối năm 2016, báo Mỹ Wall Street Journal có bài điều tra về 500.000 tấn nhôm đùn (để sản xuất nhôm) được chuyển từ San José Iturbide (Mexico) đến Việt Nam.

Theo điều tra của Wall Street Journal, số nhôm xuất phát từ Mexico hiện ở Việt Nam có khả năng liên quan đến một trong những người giàu nhất Trung Quốc. Đó là ông Liu Zhongtian, chủ tịch Cty Nhôm China Zhongwang Holdings.

Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam nằm trong diện nghi vấn này. Theo Wall Street Journal, doanh nghiệp được xây dựng với mục tiêu đầu tư nhà máy sản xuất nhôm định hình, do hai người mang quốc tịch Úc (gốc Trung Quốc), là ông Jacky Cheung và ông Wang Tong góp vốn làm chủ đầu tư.

Theo giấy phép đầu tư do Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp, thời hạn hoạt động của dự án là 37 năm, kể từ năm 2011. Trong dự án này, ông Jacky Cheung góp vốn gần 500 tỷ đồng, còn ông Wang Tong góp gần 4.500 tỷ đồng. Toàn bộ hàng hóa sản xuất ở nhà máy này sẽ được xuất khẩu, với quy mô 200.000 tấn/năm.

Trước đó, tại buổi làm việc vào cuối tháng 5/2016 với đoàn kiểm tra do Bộ Công Thương chủ trì, Công ty Nhôm Toàn Cầu Việt Nam cho biết đã nhập khoảng 1,5 triệu tấn nhôm (chủ yếu từ Trung Quốc và chủ yếu là nhôm hình -mã HS 7604) về Việt Nam.

Thông tin thêm tại cuộc họp liên ngành ngày về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại ngày 28/10, ông Nguyễn Văn Cẩn, chia sẻ, nếu nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, trong khi nhôm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%.

Do đó, các doanh nghiệp ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã nhập khẩu mặt hàng nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm với trị giá lên tới hàng tỷ USD.

Thông tin về vụ 1,8 triệu tấn nhôm có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc nhập về Việt Nam để giả mạo xuất xứ nhằm xuất khẩu sang Mỹ và các nước được đưa ra trong bối cảnh Bộ Công thương vừa quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép có xuất xứ từ Trung Quốc nhằm giảm thiểu thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước vốn đang bên bờ vực thua lỗ, phá sản do tác động từ lượng lớn nhôm Trung Quốc được bán phá giá vào Việt Nam.

Theo quyết định ngày 28/9 của Bộ Công thương, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhôm thanh đùn ép của Trung Quốc là từ 2,49% đến 35,58%.

Điều tra của Bộ Công thương cho thấy, nhôm Trung Quốc được bán phá giá với biên độ từ 2,49% đến 35,58%, trong một số trường hợp giá bán còn thấp hơn rất nhiều so với chi phí sản xuất sau khi bị nhiều nước ngăn chặn bằng các rào cản thương mại, kể cả các biện pháp chống bán phá giá.

Thu Hà (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nhap-18-trieu-tan-nhom-tri-gia-43-ty-usd-de-gia-mao-xuat-xu-cong-ty-nao-dung-sau-d165263.html