Nhập cư sụt giảm, New Zealand thiếu lao động trầm trọng

Hiện tượng nhập cư sụt giảm đang khiến tình trạng thiếu lao động ở New Zealand thêm khó khăn và làm cho các doanh nghiệp ngạt thở.

Là chủ nhà hàng ở New Zealand, anh Chris Dickson cảm thấy lo ngại vì nhân viên của mình phải làm việc quá sức. Anh đã xin thị thực làm việc cho hai lao động mới người nước ngoài đã được phê duyệt vài tuần trước nhưng giấy tờ bị trì hoãn mà không có lý do rõ ràng.

Không đầu bếp, không người hái quả

Anh Chris Dickson có thể sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đóng cửa quán bia Smiths Craft tại điểm nóng du lịch South Island ở Queenstown một vài ngày để các đầu bếp và nhân viên pha chế có thời gian nghỉ ngơi. “Chúng tôi đang phải vật lộn để tìm người. Đó là một “bệnh dịch””, anh Dickson than thở.

Một trường hợp khác, trong năm nay anh Fleur Caulton cũng phải đóng cửa một trong những nhà hàng của mình tại thành phố Dunedin ở South Island. Sự chậm trễ trong việc tìm kiếm đầu bếp đã gây thêm căng thẳng và áp lực cho đội ngũ hiện tại vốn đã quá tải tại nhà hàng của anh Caulton.

“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ mục tiêu của Chính phủ trong việc đưa thêm nhiều người địa phương vào làm việc. Tuy nhiên, bản thân chúng tôi cũng đang phải vật lộn để tìm kiếm họ”, anh Caulton chia sẻ thêm.

Sự thiếu hụt lao động mùa vụ cũng đã được thông báo trong tháng này ở khu vực vịnh Plenty. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến 1,2 tỷ đô la New Zealand (khoảng 782 triệu đô la Mỹ) trong ngành xuất khẩu Kiwi. Các bệnh viện và trường học cũng đang phàn nàn về sự thiếu hụt lao động này.

Ngành xây dựng tại quốc đảo này cần hơn 50.000 công nhân lành nghề vào năm 2023 để đáp ứng nhu cầu. Công ty xây dựng Fletcher lớn nhất ở New Zealand đã đóng cửa vào năm ngoái và bán các đơn vị thua lỗ do chi phí lao động tăng vọt. Các dự án cơ sở hạ tầng lớn như hệ thống tàu điện ngầm Auckland đang phải đối mặt với chi phí tăng lên hơn 1 tỷ đô la New Zealand.

Sự sụt giảm người nhập cư đang làm gia tăng tình trạng thiếu lao động ở New Zealand. Mặt khác, nó còn làm tổn thương nền kinh tế đến mức ngân hàng trung ương quốc gia phải chỉ ra vấn đề này khi lần đầu tiên cắt giảm lãi suất trong tháng 5 vừa qua kể từ năm 2016. “Nhập cư là một đặc tính chi phối trong chu kỳ kinh tế và chúng tôi nghĩ rằng nó đang giảm bớt. Điều đó đang góp phần làm cho tăng trưởng chậm lại”, Miles Workman, nhà kinh tế cao cấp của Ngân hàng ANZ, phân tích.

Chính sách của Thủ tướng Jacinda Ardern

Một số doanh nghiệp phàn nàn rằng phải mất nhiều thời gian và khó khăn hơn mới lấy được thị thực làm việc cho người lao động nhập cư so với trước đây, kể từ khi bà Ardern lên nắm quyền năm 2017. Với các biện pháp đầy hứa hẹn, bà Ardern được dự đoán là sẽ làm giảm hàng chục nghìn người nhập cư mỗi năm và hạn chế người nước ngoài mua nhà.

Nông nghiệp là một trong những ngành thu hút nhiều lao động nước ngoài. Nguồn: New Zealand.com

Tỷ lệ thất nghiệp của người bản xứ đang ở mức thấp trong cả thập kỷ, mặc dù mức thất nghiệp 4,2% không phải là quá thấp so với tiêu chuẩn toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho hay nhu cầu lao động nước ngoài là chủ yếu đối với các lĩnh vực mà người New Zealand không muốn làm. Ví dụ như nông nghiệp và khách sạn hoặc những lĩnh vực thiếu lao động chuyên môn như xây dựng. Thật không may, cả ba lĩnh vực này lại là những lĩnh vực mà quốc gia 5 triệu dân này đang phải dựa phần lớn vào sự tăng trưởng của nó.

Theo Ngân hàng trung ương New Zealand dự báo tỷ lệ nhập cư ròng người trong độ tuổi lao động hàng năm sẽ giảm từ 72.400 vào giữa năm 2017 xuống còn 29.000 trong năm 2021. Chính phủ của bà Ardern cho biết sẽ thắt chặt các quy định đối với thị thực lao động tạm thời để tạo thêm cơ hội cho người dân New Zealand và lên kế hoạch cải thiện đào tạo nghề.

Mặc dù Chính phủ vẫn chưa thắt chặt bất kỳ quy định nhập cư rộng rãi nào rõ ràng nhưng một số doanh nghiệp nói rằng Chính phủ đã áp dụng lập trường cứng rắn hơn theo cách riêng, với việc xem xét kỹ lưỡng quy trình tuyển dụng và thủ tục cấp thị thực chậm. Họ cũng nói rằng việc phải đối phó thường xuyên với các chính sách như thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp, thị thực dành cho phụ huynh và cho công nhân lành nghề đã tạo ra sự không chắc chắn.

Một số thị thực làm việc của người nước ngoài cho các vị trí quản lý quán cà phê và nhà hàng đã bị từ chối gần đây do thiếu bằng chứng cho thấy các chiến lược đào tạo và giữ người hiệu quả đang được ngành công nghiệp thực hiện để tuyển dụng nhân sự người New Zealand. Lý do là Chính phủ không muốn các doanh nghiệp tiếp cận lao động nhập cư như là lựa chọn đầu tiên.

Anh Chris Dickson cho biết các doanh nghiệp ở Queenstown đang cố gắng thuê nhân viên địa phương nhưng không thể thuê đủ người. “Chính phủ cần tạo ra một lực lượng chuyên trách cùng với các doanh nghiệp địa phương tìm ra giải pháp, chứ không chỉ là hạn chế dân nhập cư”, anh Dickson nói.

Ngọc Ly (Reuters)

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/nhap-cu-sut-giam-new-zealand-thieu-lao-dong-tram-trong-d2068074.html