Nhập khẩu vật tư nông nghiệp tăng đột biến

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 2/2010 ước đạt 1,413 tỷ USD, tăng 26% so với tháng 2/2009. Tuy nhiên, khối lượng và kim ngạch nhập khẩu của nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp tăng cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tháng 2/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 2 tháng đầu năm đạt 2,825 tỷ USD, tăng 24,66% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 1,467 tỷ USD, tăng 11,38% so với cùng kỳ; thủy sản ước đạt 628 triệu USD, tăng 41,33%; lâm sản ước đạt 617 triệu USD, tăng 59,54%. Xuất khẩu gạo sẽ tăng về kim ngạch Cao su đang là mặt hàng khả quan nhất, ước xuất khẩu tháng 2/2010 đạt 50 nghìn tấn, kim ngạch 123 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu 2 tháng đầu năm lên tới 98 nghìn tấn, thu về 241 triệu USD. Tuy xuất khẩu cao su chỉ tăng 28,63% về lượng, nhưng tăng tới 136,16% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Tháng 2/2010, xuất khẩu chè đạt 10 nghìn tấn, kim ngạch 14 triệu USD. Tính trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu chè đạt 21 nghìn tấn, kim ngạch 29 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước lượng tăng 47%, giá trị tăng 32,91%. Ước kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 2/2010 đạt 315 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu 2 tháng lên 628 triệu USD, tăng 41,33%. Mặc dù giá gạo đầu năm được đánh giá là vững ở mức cao hơn nhiều so với đầu năm trước, nhưng thực tế xuất khẩu gạo lại vẫn giảm cả về sản lượng và giá trị. Trong tháng 2, cả nước xuất khẩu 383 nghìn tấn gạo, giá trị 206 triệu USD, nâng tổng khối lượng xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm lên 764 nghìn tấn, kim ngạch 411 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo giảm 26,78% về lượng và giảm 12,52% về giá trị. Năm 2009, xuất khẩu gạo tuy lập kỷ lục về khối lượng, nhưng lại giảm về kim ngạch. Năm nay, Hiệp hội lương thực Việt Nam đề ra chủ trương không tăng khối lượng, nhưng phải lập được kỷ lục về kim ngạch, mục tiêu đạt 3-3,2 tỉ USD. Để đạt được mục tiêu này, giá gạo xuất khẩu bình quân cả năm phải dao động khoảng 500-533 USD/tấn, so với năm 2009 là 405,42 USD/tấn. Đến nay, số lượng gạo đã ký theo các hợp đồng xuất khẩu là 1,821 triệu tấn. Trong đó, Vinafood II trúng thầu gần 1,286 triệu tấn, chiếm tới 70,6% trong tổng khối lượng trúng thầu. Giá trúng thầu bình quân cả khối lượng khổng lồ này của Vinafood II không chỉ cao ngất ngưởng là 633,51 USD/tấn, mà còn cao hơn 16,14 USD/tấn và 2,61% so với giá trúng thầu bình quân của tất cả đối thủ cạnh tranh còn lại (617,38 USD/tấn). Đây là căn cứ để tin tưởng rằng tổng khối lượng gạo trên 1,55 triệu tấn xuất khẩu cho Philippines với giá cao ngất ngưởng (1,404 triệu tấn, quy giá FOB khoảng 575 USD/tấn) trong nửa đầu năm nay có lẽ là "bước chạy đà" tốt chưa từng có của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta trong 21 năm qua. Tìm cách chủ động vật tư trong nước Trong hai tháng qua, điều đáng lo ngại là nhập khẩu nhiều loại vật tư nông nghiệp đã tăng "khủng khiếp". Ước lượng phân bón các loại nhập khẩu trong tháng 2/2010 là 508 nghìn tấn, kim ngạch 147 triệu USD, đưa lượng phân bón nhập khẩu 2 tháng lên tới 1,01 triệu tấn, kim ngạch 293 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng tới 76,03% về lượng và 60,06% về kim ngạch. Thuốc trừ sâu và nguyên liệu sản xuất thuốc trừ sâu, ước nhập khẩu tháng 2 năm nay đạt 55 triệu USD, nâng chi phí nhập khẩu 2 tháng lên 111 triệu USD, tăng vượt hơn 2 lần-tới 121% so với cùng kỳ năm trước. Thức ăn gia súc và nguyên liệu ước nhập tháng 2 là 145 triệu USD, tính trong 2 tháng là 294 triệu USD, tăng 98,61%. Nhập khẩu 2 tháng của gỗ nguyên liệu đạt 178 triệu USD, tăng 114,87% so với cùng kỳ. Tháng 2/2010, nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa ước đạt 65 triệu USD. Đưa giá trị nhập khẩu mặt hàng này trong 2 tháng lên 128 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Việc nhập khẩu vật tư nông nghiệp đã và đang thực hiện theo cơ chế thị trường, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia trực tiếp nhập khẩu, nên giá bán vật tư nông nghiệp trong nước biến động theo thị trường quốc tế. Lượng vật tư nông nghiệp nhập khẩu tăng đã đảm bảo nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định hợp lý, giúp nông yên tâm về khâu đầu vào khi sản xuất nông nghiệp. Nhưng về lâu dài, Nhà nước cần có các biện pháp tăng cung trong nước để giảm nhập khẩu vật tư nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo các nhà máy sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước sử dụng tối đa công suất để tăng thêm nguồn cung ứng cho nông dân. Đồng thời, Nhà nước cần khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức cá nhân đầu tư thực hiện các dự án xây dựng nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp trong nước để chủ động nguồn cung ứng trong nước.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/2010030110189416p0c10/nhap-khau-vat-tu-nong-nghiep-tang-dot-bien.htm