Nhập vàng: Sao chỉ một đầu mối?

Cho các ngân hàng thương mại và các công ty lớn kinh doanh vàng nhập vàng thì mới mong kéo giá trong nước ngang giá thế giới.

Sau một tháng khoảng 4 tấn vàng đã được nhập về nhưng giá vàng trong nước vẫn cao hơn gần 1 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. Điều này đang khiến nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đặt ra vấn đề phải chăng Ngân hàng Nhà nước “bốc thuốc” chưa đúng. Còn hàng nhưng không dám bán Ông Đỗ Xuân Quỳnh, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội), cho rằng mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước can thiệp thị trường vàng thông qua Công ty SJC là đưa giá vàng trong nước ngang giá thế giới, qua đó kéo giá USD tiền mặt tại thị trường tự do ngang với giá của ngân hàng. Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước cho phép SJC được phép nhập khẩu vàng không hạn chế số lượng khiến các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác đang phải kinh doanh trong tình trạng thiếu bình đẳng, tạo nên tình trạng độc quyền. Trong việc nhập khẩu này, một lượng lớn ngoại tệ được cấp cho SJC để nhập hàng ngàn tấn vàng. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), nếu chỉ một mình Công ty SJC nhập vàng thì khó đưa giá trong nước ngang giá thế giới. Vì hiện nay nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh trong tình cảnh còn hàng trong kho nhưng không dám bán vì bán ra mà không có nguồn để mua vào sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối nguồn hàng. Do đó, hàng vẫn còn trữ trong kho nhưng vẫn phải mua lại của các bạn hàng khác với giá cao tương ứng với giá thị trường. Do đó, giá giao dịch vẫn luôn cao chứ không thể hạ thấp xuống được. Việc “độc quyền” nhập khẩu vàng khiến các doanh nghiệp bị động trong kinh doanh. Ảnh minh họa: THANH HẢI Theo bà Cúc, trước thông tin cho phép nhập vàng, có những đơn vị mạnh dạn tung hàng bán theo thị trường nhưng sau đó lại không được cấp quota nên buộc phải mua lại hàng của các doanh nghiệp theo giá thị trường với giá cao. Ngay cả doanh nghiệp mua với số lượng lớn còn phải gom hàng giá cao để bán thì đương nhiên giá vàng vẫn tiếp tục cao. Đây là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp. Trong khi đó, SJC có quyền quyết về giá vì chủ động nguồn hàng, đủ cân đối cung cầu. Điều này cũng gây bất bình đẳng cho các doanh nghiệp mà cũng không giúp bình ổn được giá vàng trong nước. Bà Cúc cũng cho rằng mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là ghìm giá xuống nhưng phương pháp chưa phù hợp nên dù có tung hàng với số lượng lớn thì giá vẫn không xuống. “Cần phải cho các ngân hàng thương mại và các công ty lớn kinh doanh vàng nhập vàng thì mới mong kéo giá trong nước ngang giá thế giới. Điều này cũng tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp” - bà Cúc nói. Nên quản lý theo quy luật cung cầu Theo ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, để kéo giá vàng trong nước về sát với giá thế giới, cần cung ứng hạn ngạch nhập vàng cho các doanh nghiệp. Trong bối cảnh giá vàng trong nước luôn bỏ xa giá thế giới thì việc cấp quota cho doanh nghiệp nhập vàng là một trong những vấn đề ảnh hưởng đến giá. Nên quản lý vàng theo quy luật cung cầu của thị trường vì việc cho các doanh nghiệp cùng nhập khẩu sẽ tránh tình trạng “chạy” quota. Phải tránh tình trạng chỉ có doanh nghiệp nhà nước và Ngân hàng Nhà nước mới được tham gia, còn doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì không có cửa. Đại diện một ngân hàng thương mại cho rằng nếu doanh nghiệp thiếu nguồn cung thì họ vẫn phải tự xoay xở mua ngoài thị trường bằng tỉ giá của ngoại tệ trên thị trường tự do. Chính điều này khiến doanh nghiệp vô tình đẩy giá vàng lên cao do thiếu nguồn hàng. Theo một chuyên gia của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, hiện nay quy trình xin cấp quota là doanh nghiệp làm tờ trình xin nhập khẩu vàng. Về nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước phải trả lời bằng văn bản cho hay không cho, giải thích rõ lý do trong thời hạn bao lâu chứ không thể “im lặng suy nghĩ” như hiện nay. Tuy nhiên, hiện quy định pháp luật về cấp hoặc từ chối cấp quota cho các doanh nghiệp và việc cho hay không cho nhập khẩu dựa trên tiêu chí nào? Cũng như các vấn đề liên quan đến bình ổn giá, đưa vàng vào diện ngoại tệ thuộc mặt hàng quản lý của Ngân hàng Nhà nước hay coi là hàng hóa đặc biệt cần sự quản lý giá của Bộ Tài chính… cũng chưa phù hợp. Điều này dẫn đến sự bị động trong kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như khó đưa thị trường vàng ổn định. Sắp tới, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam và Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng nghị định mới về quản lý vàng và sàn vàng để phù hợp với bối cảnh mới. THANH HẢI

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20100228110737270p0c1014/nhap-vang-sao-chi-mot-dau-moi.htm