Nhật Bản chuyển hướng dòng vốn đầu tư

Nếu như trước đây các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và công nghiệp chế tạo, là những lĩnh vực thu hút nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam, thì hiện nay dòng vốn này đang có sự dịch chuyển sang lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao và dịch vụ, đặc biệt là tiêu dùng.

“Tấn công” mảng tiêu dùng
Trong vài năm trở lại đây, người Nhật đã thay đổi cách thức rót vốn vào Việt Nam, đặc biệt trong 2 năm gần đây vốn đầu tư của Nhật Bản đã có sự “đổi dòng”.

Theo đó, họ ưu tiên đầu tư vào các ngành dịch vụ, đặc biệt là tiêu dùng, thay vì các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và sản xuất như trước đây. Điều này có thể lý giải do sức hút hấp dẫn của thị trường 100 triệu dân của Việt Nam, các nhà đầu tư Nhật Bản đã nhìn thấy đó là cơ hội không thể bỏ qua.

Để thu hút được vốn đầu tư và phát triển kinh tế bền vững, Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa về chính sách để cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản. Việt Nam cần tăng cường sự minh bạch trong các chính sách khi đưa ra, cũng như cần giữ vững và thực hiện đúng cam kết về thương mại như đã ký và thỏa thuận.
Ông UMEDA KUNIO,
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Năm 2016 Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đạt kỷ lục 549 dự án (cả cấp mới và tăng vốn), trong đó số dự án đầu tư ở lĩnh vực bán lẻ, khách sạn, dịch vụ ăn uống tăng gấp đôi so với năm trước. Đến năm 2017, các dự án của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam hiện được triển khai trên 19 ngành, lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh: công nghiệp chế biến, chế tạo 1.568 dự án, tổng vốn đầu tư 33,82 tỷ USD, chiếm gần 80% tổng vốn đầu tư đăng ký; kinh doanh bất động sản 58 dự án với 1,96 tỷ USD; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa 14 dự án với 1,29 tỷ USD...

Các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào 53 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, Thanh Hóa với vốn đầu tư lớn nhất, chỉ 14 dự án với 9,73 tỷ USD, đứng thứ 2 là Hà Nội 894 dự án với 4,92 tỷ USD, tiếp theo là TPHCM, Bình Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, Hưng Yên...

Thực tế, Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất hướng đến nền kinh tế tiêu dùng Việt Nam. Từ nhiều năm nay, thị trường tiêu dùng Việt Nam đã là đích ngắm của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... Minh chứng cho điều này là hàng loạt thương vụ có dòng vốn đầu tư xuất phát từ thị trường Đông Nam Á đang chảy về mảng sản xuất tiêu dùng, thực phẩm như Sabeco, Masan, hay các hệ thống phân phối như Big C, Metro, Nguyễn Kim…

Hệ thống siêu thị Aeon của Nhật tại Việt Nam. Ảnh: VIẾT CHUNG

Ông Kagoshima Shigeto, Giám đốc Khối marketing CTCP Acecook Vietnam, cho rằng thị trường Việt Nam hấp dẫn và nhiều triển vọng để phát triển.

“Cách đây 3 năm sản phẩm mỳ ly Enjoy của chúng tôi sản xuất rất khó tiêu thụ, nhưng hiện nay bán rất chạy. Đó là vì chúng tôi đã nắm bắt đúng xu thế phát triển của thị trường tiêu dùng Việt Nam, một thị trường nhiều tiềm năng, nên ngoài việc phân tích tình hình hiện tại còn phải có tầm nhìn xa. Theo đó, phải nhìn thấy được xu thế của thời thế, của xu hướng kinh tế, thị trường sẽ thay đổi như thế nào để định hướng kinh doanh của mình cho phù hợp. Điều này là rất quan trọng” - ông Kagoshima Shigeto nói.

Cũng theo ông Kagoshima Shigeto, thời gian tới, các hệ thống bán lẻ siêu thị thông minh sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam và đây cũng là xu thế đầu tư của nhiều DN Nhật Bản. “Đứng về vai trò nhà quản lý, tôi nghĩ rằng ở Việt Nam cơ hội kinh doanh rất lớn. Hiện nay, hệ thống cửa hàng bán lẻ tiện lợi 7-Eleven đã vào Việt Nam, sẽ tăng sức cạnh tranh và giúp chúng tôi tiêu thụ sản phẩm tốt hơn” - ông Kagoshima Shigeto kỳ vọng.

Tuy nhiên, vị giám đốc marketing người Nhật cũng bày tỏ sự băn khoăn: “Tôi có cảm giác các DN bán lẻ Việt Nam dường như mới tập trung cung cấp sản phẩm đến cho người dùng. Tôi nghĩ phải làm ngược lại, cần nghiên cứu sâu để hiểu người dùng muốn cái gì, DN đáp ứng cái đó, đây mới là điều mấu chốt. Nếu làm được điều đó DN Việt Nam có thể tự tin khi cạnh tranh trên thị trường”.

Tập trung 3 lĩnh vực
Về sự dịch chuyển dòng vốn cũng như hướng đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản, ông Umeda Kunio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, nhận định trong thời gian tới Việt Nam vẫn là thị trường đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư Nhật Bản. “Có 3 lĩnh vực DN Nhật Bản quan tâm và sẽ đầu tư mạnh trong thời gian tới ở Việt Nam công nghiệp và công nghệ cao (sản xuất ô tô, tự động hóa hoặc các robot cỡ nhỏ). Đây là những ngành DN Nhật Bản có ưu thế lớn.

Thứ 2 là ngành dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, ăn uống, mua sắm, làm đẹp... Bởi nhu cầu tiêu dùng ở Việt Nam ngày càng tăng cùng với sự tăng thu nhập của người dân nhờ sự phát triển kinh tế của đất nước. Thứ 3 là nông nghiệp.

Đánh giá về môi trường đầu tư của Việt Nam, Đại sứ Umeda Kunio cho rằng vẫn có “sự hấp dẫn riêng” đối với DN Nhật Bản. Đồng thời, Việt Nam đang có những cải thiện mạnh mẽ về môi trường đầu tư, đây sẽ là cơ sở để nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm hơn.

“Năm 2017, môi trường đầu tư của Việt Nam được cải thiện nhiều, thu hút được nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) rất lớn. Trong đó vốn đầu tư từ Nhật Bản đạt mức kỷ lục 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư và đứng vị trí thứ nhất về đầu tư FDI vào Việt Nam. Tôi cho rằng trong thời gian tới thị trường đầu tư ở Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện” - Đại sứ Umeda Kunio bày tỏ.

E ngại rủi ro chính sách
Người Nhật vốn tính cẩn trọng, việc rót vốn đầu tư lại càng cần thời gian hơn. Trước đây, nhà đầu tư Nhật Bản thường tập trung đầu tư các dự án phát triển cơ sở hạ tầng (trong đó có cả dự án BT, BOT). Bởi lẽ, ngoài sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam (nước đang phát triển cần đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng), phần lớn dự án này đều có sự bảo lãnh vốn của Chính phủ. Do đó, sự “đổi dòng” vốn đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam lần này đã gây nên không ít ngạc nhiên cho giới đầu tư và quan sát kinh tế.

Ông Satoshi Kitashima, chuyên gia tư vấn đầu tư cao cấp Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO), cho biết hiện có 63% DN Nhật Bản gặp phải khó khăn về mặt pháp luật do nội dung văn bản pháp luật thường xuyên thay đổi.

“Tôi phụ trách tư vấn đầu tư cho các DN Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam. Rủi ro lớn nhất họ gặp phải là hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa hoàn thiện, việc vận hành pháp luật cũng thiếu minh bạch đối với DN nước ngoài. Mỗi tháng, tôi tiếp xúc và tư vấn cho khoảng 60 DN đến từ Nhật Bản muốn tìm hiểu và đầu tư vào Việt Nam. Tôi luôn mong muốn mời được nhiều DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, nhưng tôi cũng có trách nhiệm bảo đảm lợi ích của họ. Vì thế, tôi phải giải thích về những cơ hội và rủi ro họ phải đối mặt khi đầu tư vào Việt Nam” - ông Satoshi Kitashima chia sẻ.

Theo ông Satoshi Kitashima, chính sự e ngại về rủi ro chính sách cũng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư Nhật Bản dè dặt hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Với sự cẩn trọng cố hữu, nhà đầu tư Nhật Bản không dám mạo hiểm với những dự án có vốn đầu tư lớn, có tính dài hơi, thay vào đó những lĩnh vực đầu tư có nhiều tiềm năng, nhanh sinh lời và bảo đảm sẽ được ưu tiên.

Lưu Thủy

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-thi-truong/nhat-ban-chuyen-huong-dong-von-dau-tu-61004.html