Nhật Bản đang thử nghiệm tên lửa đối hạm mới

Tên lửa đối hạm (ASM) phóng từ trên không mới sẽ được trang bị cho các máy bay tuần tra, chống ngầm nội địa Kawasaki P-1 của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF).

Từ năm 2017, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã trao hợp đồng trị giá 85 triệu USD cho Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries nghiên cứu, phát triển và chế tao thử nghiệm tên lửa ASM đến năm 2021.

Cơ quan mua sắm, công nghệ và hậu cần Nhật Bản (ATLA) cho biết, tên lửa ASM này sẽ là thế hệ kế nhiệm của dòng tên lửa Type-91 cũng do Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries sản xuất.

 Máy bay Kawasaki P-1 mang theo tên lửa ASM mới trong một lần thử nghiệm.

Máy bay Kawasaki P-1 mang theo tên lửa ASM mới trong một lần thử nghiệm.

Hiện tên lửa Type-91 đang được JMSDF sử dụng trên máy bay P-3 Orion của hãng Lockheed Martin (Mỹ) và máy bay Kawasaki P-1. Trong tương lai, JMSDF dự định khai thác 70 chiếc Kawasaki P-1 để thay thế toàn bộ phi đội 80 chiếc P-3 Orion đã đến niên hạn loại biên.

Tên lửa ASM mới sẽ là biến thể nâng cấp của tên lửa đất đối hạm Type-12. Được biết, tên lửa Type-12 là phiên bản cải tiến của tên lửa đất đối hạm Type-88 của Mitsubishi Heavy Industries với tầm bắn khoảng 200km và được đưa vào biên chế từ năm 2015.

Cận cảnh tên lửa ASM mới được lắp dưới cánh của máy bay Kawasaki P-1.

Mỗi chiếc Kawasaki P-1 mang tối đa 8 tên lửa Type-12. Vì vậy, một số lượng tên lửa ASM mới cũng có thể sẽ được trang bị trên máy bay tuần tra, chống ngầm này sau khi tên lửa được chính thức biên chế cho JMSDF.

Nhà sản xuất không tiết lộ thông số của tên lửa ASM mới, nhưng truyền thông Nhật Bản dự đoán tên lửa sẽ có tầm bắn tới 400km. Các hoạt động thử nghiệm dòng tên lửa mới diễn ra từ đầu tháng 2-2020 và kết thúc vào cuối năm 2022.

Thời gian qua, Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất tên lửa và công nghệ tên lửa với các gương mặt nổi bật như Mitsubishi Heavy Industries, Kawasaki Heavy Industries, Toshiba Heavy Industries.

Máy bay Kawasaki P-1 của Nhật Bản.

Các đơn vị thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) đã được trang bị một lượng lớn tên lửa chống hạm tiên tiến trong nước sản xuất, có khả năng phóng từ tất cả các phương tiện phóng trên không, trên biển và trên đất liền.

Giới phân tích quân sự nhận định, tên lửa đối hạm của Nhật Bản có kỹ thuật tiên tiến, độ chính xác cao, và không loại trừ khả năng Tokyo sẽ tìm đường xuất khẩu trong tương lai, có thể tạo ra sự cạnh tranh với sản phẩm của các quốc gia khác.

HỮU ĐÔ (theo Jane’s)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/nhat-ban-dang-thu-nghiem-ten-lua-doi-ham-moi-611149