Nhật Bản điều tàu khu trục đến Trung Đông

(HNMO) - Đây là động thái đã được Tokyo tính toán kỹ trong nỗ lực duy trì mối quan hệ cân bằng giữa Nhật Bản với Mỹ và Iran - hai quốc gia đang có những đối đầu căng thẳng thời gian vừa qua.

Nhật Bản điều tàu khu trục đến Trung Đông nhằm tăng cường an ninh hàng hải. Ảnh: Sputnik

Hãng thông tấn Sputnik của Nga ngày 2-2 cho biết, tàu khu trục JS Takanami DD-110 đã rời căn cứ quân sự Yokosuka ngày 1-2 (giờ địa phương) ở thành phố Yokosuka (Nhật Bản) và đang trong hành trình tới Trung Đông. Có mặt tại lễ khởi hành, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều động tàu JS Takanami DD-110 do khoảng 90% lượng dầu tiêu thụ tại Nhật Bản được vận chuyển qua vùng biển ở Trung Đông.

“Nhiệm vụ thu thập thông tin mang ý nghĩa rất quan trọng. Khu vực này được đánh giá là tuyến đường huyết mạch liên quan đến cuộc sống của người dân Nhật Bản”, ông S.Abe khẳng định.

Theo các báo cáo truyền thông, tàu khu trục lớp Takanami cùng 200 thành viên thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) sẽ đến Trung Đông vào cuối tháng 2-2020. Thủy thủ đoàn có nhiệm vụ tuần tra khu vực nhằm bảo đảm sự an toàn cho những tàu chuyên chở dầu đến các cảng của Nhật Bản. Với sự hiện diện này, Tokyo được cho là sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ các tàu chở hàng Nhật Bản tại Trung Đông dù đây là quyết định đi ngược với Hiến pháp của quốc gia này.

Trong tháng 1-2020, Nhật Bản đã điều động 2 máy bay trinh sát Lockheed P-3 Orion làm nhiệm vụ tuần tra tại Vịnh Oman, khu vực phía Bắc của biển Ả Rập và vịnh Aden. Tuy nhiên, các trinh sát cơ này sẽ không hoạt động tại Vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz. Nhiệm vụ này dự kiến kéo dài 1 năm và tiêu tốn 4,7 tỷ yên Nhật (tương đương 43 triệu USD) trong ngân sách năm 2020 của Nhật Bản.

Trước đó, nội các Nhật Bản đã nhất trí thông qua lệnh điều động Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (MSDF) tới Trung Đông củng cố an ninh khu vực. Đây là nhiệm vụ đầu tiên của MSDF sau khi Nhật Bản cho phép quân đội tham gia các hoạt động quân sự tại nước ngoài kể từ năm 2015. Chính phủ Nhật Bản tuyên bố, quyết định lịch sử này là “bước đi” tương ứng với những thách thức quân sự mới.

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn giữ vững quan điểm không tham gia Chiến dịch canh gác (Operation Sentinel), hoạt động tuần tra hàng hải do Mỹ dẫn đầu tại Eo biển Hormuz, một trong những tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng. Tokyo lo ngại việc tham gia chiến dịch này có thể sẽ mang lại những ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa quốc gia này với Iran.

Hồi cuối năm 2019, Tokyo đã bày tỏ sự lo ngại về tình hình an ninh tại Trung Đông sau khi tàu chở dầu Kokuka Courageous bị tấn công khi đang trên đường đến Singapore. Vụ việc xảy ra vào thời điểm ông S.Abe đang có chuyến thăm Iran trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho khu vực. Vụ tấn công này khiến tàu chở dầu của Nhật Bản bị hư hại nặng. Toàn bộ thủy thủ đoàn may mắn sơ tán kịp thời và an toàn.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/957148/nhat-ban-dieu-tau-khu-truc-den-trung-dong