Nhật Bản dùng thuốc kháng viêm Dexamethasone điều trị COVID-19

Bộ Y tế Nhật Bản đã cho Dexamethasone là một phương án để điều trị COVID-19 trong hướng dẫn sửa đổi của mình, bên cạnh thuốc kháng virus Remdesivir.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang worldometers.info, tính đến 8h ngày 22/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có 15.091.452 ca nhiễm COVID-19, trong đó 619.400 ca tử vong, 9.105.056 ca phục hồi.

Nhật Bản dùng thuốc kháng viêm Dexamethasone điều trị COVID-19

Bộ Y tế Nhật Bản đã chấp thuận cho sử dụng thuốc kháng viêm Dexamethasone - một loại steroid giá thành thấp và được sử dụng rộng rãi, để điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau khi một cuộc thử nghiệm tại Anh cho thấy thuốc này giảm tỷ lệ tử vong trong số các bệnh nhân nhập viện.

Bộ Y tế Nhật Bản đã cho Dexamethasone là một phương án để điều trị COVID-19 trong hướng dẫn sửa đổi của mình, bên cạnh thuốc kháng virus Remdesivir. Truyền thông Nhật Bản đã đưa tin mạnh về hướng dẫn sửa đổi này trong ngày 22/7.

Trong kết quả được công bố hồi tháng trước, một cuộc thử nghiệm do các nhà nghiên cứu tại Anh tiến hành đã cho thấy Dexamethasone là loại thuốc đầu tiên cứu sống bệnh nhân mắc COVID-19, mà theo các khoa học, đây là bước đột phá trong đại dịch. Công ty dược phẩm Nichi-Iko của Nhật Bản là một trong những hãng sản xuất thuốc này.

Hiện đã có một số loại thuốc được các nước sử dụng trong phác đồ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó được đánh giá cao là thuốc kháng virus Remdesivir.

Brazil bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng đối với vắcxin phòng COVID-19

Ngày 21/7, Brazil bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng đối với loại vắcxin phòng COVID-19 do tập đoàn Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất. Kết quả ban đầu của giai đoạn thử nghiệm này sẽ có trong 90 ngày tới. Nếu thành công, Brazil có quyền sản xuất 120 triệu liều vắcxin theo thỏa thuận đạt được.

Sau Brazil là Ấn Độ với 1.194.085 ca bệnh và 28.770 ca tử vong, Nga với 783.328 ca bệnh và 12.580 ca tử vong, Nam Phi với 381.798 ca bệnh và 5.368 ca tử vong.

Tình hình dịch COVID-19 ở châu Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, là cảnh báo của Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne đưa ra ngày 21/7.

Bà Etienne cảnh báo các ổ dịch bùng phát ở các nước ven bờ biển Tây Bắc của châu Mỹ, cũng như gia tăng số ca nhiễm tại Bolivia, Ecuador, Colombia và Peru. Một số nước ở khu vực Trung Mỹ đang ghi nhận số ca nhiễm mới trong tuần cao nhất kể từ đầu dịch đến nay.

Trong tuần vừa qua, châu Mỹ ghi nhận thêm 900.000 ca bệnh mới, trong đó có gần 22.000 ca tử vong, và hầu hết tập trung tại ba nước Brazil, Mexico và Mỹ.

Theo Giám đốc PAHO, một số nước ở vùng Caribe đã áp dụng một cách hiệu quả các biện pháp hạn chế đối với những chuyến bay tới vùng này để kiểm soát sự lây lan của COVID-19 và đến nay đã có thể nối lại một số đường bay.

Tuy nhiên, PAHO cho rằng việc mở cửa trở lại để khôi phục nguồn thu từ du lịch cần phải thực hiện một cách chậm rãi và việc tiến hành xét nghiệm ngay trước mỗi chuyến đi có thể đem lại một “cảm giác an toàn giả tạo."

Bà Etienne khẳng định, mặc dù việc phát triển vắcxin phòng COVID-19 đang đem lại hy vọng lớn song vẫn có thể xuất hiện nhiều vấn đề trong quá trình đưa vào sử dụng rộng rãi. Vì vậy, việc phòng bệnh vẫn phải là ưu tiên hàng đầu đối với các chính phủ ở châu Mỹ.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tunis, Tunisia, (Ảnh: THX/TTXVN)

Ở châu Phi, Tunisia đang tăng cường kiểm soát để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Tổng Giám đốc Trung tâm quan sát quốc gia của Tunisia về các dịch bệnh mới - ông Nissaf Ben Alaya, cho biết nước này sẽ tăng cường kiểm soát y tế tại các cảng, sân bay và cửa khẩu biên giới trên đất liền.

Ông đồng thời kêu gọi người dân cần tuân thủ các quy định về vệ sinh dịch tễ, giãn cách xã hội cũng như các biện pháp mà cơ quan chức năng áp dụng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Trong khi đó, ông Taher Gargah - một lãnh đạo cấp cao của Bộ Y tế Tunisia, đã kêu gọi người dân làm quen với việc “sống chung cùng virus." Tất cả các trường hợp nhập cảnh vào nước này đều phải được cách ly để hạn chế nguy cơ gây ra một đợt dịch mới.

Trong ngày 21/7, Bộ Y tế Tunisia đã ghi nhận thêm 8 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại nước này lên 1.389. Tuy nhiên, những trường hợp nhiễm mới này đều là người trở về từ nước ngoài và được đưa ngay đi cách ly, điều trị. Tunisia hiện là một trong những quốc gia có kết quả phòng chống dịch COVID-19 khả quan nhất tại châu Phi.

Tại Ai Cập, ngày 21/7, nước này ghi nhận thêm 676 ca mắc COVID-19, mức thấp nhất kể từ ngày 13/6 vừa qua, nâng tổng số ca bệnh lên thành 89.078 ca. Số ca tử vong đang là 4.399 ca, tăng 47 ca. Tuần vừa qua đánh dấu tuần thứ hai liên tiếp số ca mắc COVID-19 trong ngày ở Ai Cập dưới mức 1.000 ca, so với mức kỷ lục 1.774 ca ghi nhận ngày 19/6.

Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 ở Ethiopia - quốc gia đông dân thứ hai ở châu Phi, đã vượt mức 11.000 ca, cụ thể đang là 11.072 ca, tăng 561 ca trong 24 giờ qua. Số ca tử vong cũng tăng bảy ca, nâng tổng số lên 180 ca.

Tại châu Âu, Chính phủ Ireland ngày 21/7 thông báo kế hoạch dỡ bỏ yêu cầu cách ly 14 ngày đối với du khách tới từ "danh sách xanh" gồm 15 nước và vùng lãnh thổ châu Âu.

Ireland - quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 thấp trong Liên minh châu Âu (EU) với khoảng năm ca nhiễm trong 100.000 người trong vòng 14 ngày qua, cho biết nước này đã quyết định dỡ bỏ hạn chế cho những người tới từ các nước và vùng lãnh thổ với tỷ lệ lây nhiễm tương tự hoặc thấp hơn Ireland.

Những người tới Ireland từ Malta, Phần Lan, Na Uy, Italy, Hungary, Estonia, Latvia, Litva, Cyprus, Slovakia, Hy Lạp, Greenland, Gibraltar, Monaco và San Marino sẽ không phải hạn chế đi lại.

Hành khách tới từ các nước khác, bao gồm Mỹ và Anh, được yêu cầu phải hạn chế đi lại trong vòng 14 ngày. Danh sách trên được cân nhắc 2 tuần một lần, dựa trên khuyến nghị của các quan chức, bao gồm cả các chuyên gia về y tế./.

Phan An (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-dung-thuoc-khang-viem-dexamethasone-dieu-tri-covid19/652990.vnp