Nhật Bản ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai tháng thứ 65 liên tiếp

Nhật Bản đã ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai 1.440 tỷ yen (13 tỷ USD) trong tháng 11/2019, ghi dấu tháng thặng dư thứ 65 liên tiếp.

Đồng yen của Nhật Bản. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đồng yen của Nhật Bản. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 14/1 cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai của nước này đã tăng 75% trong tháng 11/2019 do nhập khẩu sụt giảm khi giá dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ đều suy yếu.

Nhật Bản đã ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai 1.440 tỷ yen (13 tỷ USD) trong tháng 11/2019, ghi dấu tháng thặng dư thứ 65 liên tiếp.

Cũng trong giai đoạn nay, thâm hụt thương mại hàng hóa của Nhật Bản đã giảm 99,5% so với tháng 11/2018, xuống còn 2,5 tỷ yen (22,7 triệu USD).

Kim ngạch xuất khẩu giảm 10,2% xuống 6.240 tỷ yen (56,7 tỷ USD), một phần do nhu cầu từ Mỹ suy yếu.

Còn nhập khẩu cũng giảm 16,6% xuống 6.250 tỷ yen (56,8 tỷ USD), vì giá dầu thô và các chế phẩm xăng dầu đi xuống trong giai đoạn đó.

Báo cáo cũng cho biết hoạt động thương mại dịch vụ của Nhật Bản tăng gấp ba lần khi ghi nhận mức thặng dư 163 tỷ yen (1,4 tỷ USD).

Cũng trong tháng 11/2019, thu nhập sơ cấp của Nhật Bản, phản ánh lợi nhuận từ các khoản đầu tư được thực hiện ở nước ngoài của quốc gia này, đã ghi nhận mức thặng dư 1.460 tỷ yen (13,2 tỷ USD).

Thặng dư tài khoản vãng lai là một trong những “thước đo” mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Bộ Tài chính nước này chú ý nhiều trước khi đưa ra những thay đổi chính sách, các biện pháp nới lỏng hoặc thắt chặt tiền tệ.

Hiện, BoJ vẫn giữ nguyên các chính sách đang được áp dụng bất chấp những số liệu không mấy lạc quan về triển vọng kinh tế Nhật Bản.

Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã tăng trưởng 1,8% trong quý 3/2019 nhờ nhu cầu trong nước và chi tiêu doanh nghiệp tăng mạnh.

Tuy nhiên, sản lượng chế tạo của nước này đã chứng kiến mức sụt giảm lớn nhất trong hai năm vào tháng 10/2019 và chỉ số lòng tin kinh doanh của các nhà chế tạo lớn của nước này giảm xuống mức thấp gần bảy năm trong quý 4/2019.

Theo ước tính trung bình của 35 nhà kinh tế chuyên về lĩnh vực tư nhân thuộc Trung tâm Dự báo nghiên cứu kinh tế của Nhật Bản, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng 0,49% trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/2020.

Nếu điều này trở thành sự thật, đây là sẽ là năm tăng trưởng tồi tệ thứ hai được ghi nhận chỉ trong sáu năm qua./.

H. Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-ghi-nhan-thang-du-tai-khoan-vang-lai-thang-thu-65-lien-tiep/618521.vnp