Nhật Bản-Hàn Quốc thực sự xích lại gần nhau?

DW nhận định mối quan tâm chung về Trung Quốc và an ninh khu vực, cùng lực đẩy từ Mỹ là yếu tố kéo Seoul và Tokyo nỗ lực vượt qua thách thức đối nội để xích lại gần nhau.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống nước chủ nhà Yoon Suk Yeol gặp gỡ tại Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 8/5. (Nguồn: Reuters)

Đầu tuần qua, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio có chuyến thăm Hàn Quốc, gặp gỡ Tổng thống nước chủ nhà Yoon Suk Yeol lần thứ hai trong chưa đầy hai tháng. Tại đây, hai bên tiếp tục khẳng định nỗ lực thực hiện các cam kết đã thống nhất tại Tokyo; thúc đẩy hợp tác toàn diện về an ninh, kinh tế, nghiên cứu khoa học và công nghệ; mở rộng giao lưu thanh niên hai nước.

Đặc biệt, Thủ tướng Kishida Fumio gây bất ngờ khi khẳng định “trái tim tôi cảm thấy đau nhói” khi nghĩ về nạn nhân hứng chịu “buồn đau khủng khiếp” trong Thế chiến II, tuyên bố gần hơn bao giờ hết với lời xin lỗi chính thức. Về phần mình, Tổng thống Yoon Suk Yeol nhận định chuyến thăm đánh dấu việc khôi phục ngoại giao con thoi giữa hai nước và cho thấy quá trình bình thường hóa quan hệ song phương đang đi đúng hướng.

Những tuyên bố nêu trên của lãnh đạo hai nước cho thấy tiến triển của quan hệ song phương sau thời gian dài lạnh nhạt hơn một thập kỷ. Theo giới chuyên gia, sự thay đổi này được thúc đẩy bởi hai yếu tố chính sau.

Trung Quốc và căng thẳng khu vực

Ông Stephen Nagy, giáo sư tại Khoa Chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Quốc tế, Đại học Christian (ICU) ở Nhật Bản, nhận định: “Nhật Bản hiểu rõ thách thức lớn hơn trong khu vực là sự trỗi dậy của Trung Quốc và tác động của nó đối với nền kinh tế, ngoại giao và an ninh [khu vực]… Do đó, nước này muốn hợp tác với Hàn Quốc để bảo đảm sự ổn định và thịnh vượng của khu vực”.

So với Tokyo, cách tiếp cận của chính quyền đương nhiệm tại Seoul với Bắc Kinh có phần cứng rắn hơn. Trả lời Reuters tháng trước, ông Yoon Suk Yeol phản đối mọi nỗ lực “thay đổi nguyên trạng” eo biển Đài Loan.

Tuyên bố của nhà lãnh đạo này đã đối mặt chỉ trích mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước này Tôn Vệ Đông gọi phát biểu của ông Yoon là “sai lầm” và “hoàn toàn không thể chấp nhận được.”

Theo ông Nagy, chính quyền Hàn Quốc đương nhiệm cho rằng, chính sách đối ngoại hiện nay của Trung Quốc có thể không có lợi cho mình: “Do đó, nước này cần hợp tác với Nhật Bản, Mỹ và các quốc gia có cùng chí hướng khác để định vị vì thế của mình trước thách thức liên quan đến tầm ảnh hưởng của Trung Quốc”.

Dù có ý kiến đánh giá chính quyền đương nhiệm tại Hàn Quốc hành động chưa đủ mạnh trước Trung Quốc, một số chuyên gia lại nhận định, liên kết giữa Seoul và Tokyo sẽ ngày càng chặt chẽ.

“Những hành động mới đây của Trung Quốc và Triều Tiên đang đẩy Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau hơn”. (Ông Joel Atkinson, chuyên gia Đông Á tại Đại học Nghiên cứu quốc tế Hankuk, Hàn Quốc).

Yếu tố Mỹ

Một yếu tố khác không thể không kể tới là lực đẩy từ Mỹ. Các chuyên gia cho rằng Washington đóng vai trò quan trọng trong kéo Seoul và Tokyo xích lại gần nhau.

Theo chuyên gia Joel Atkinson, “cách tiếp cận của Mỹ là khuyến khích bằng lời nói và khen thưởng bằng mối quan hệ chặt chẽ, ủng hộ thực chất từ xứ cờ hoa”. Theo ông, một trong những điều quan trọng nhất Washington có thể dành cho cả Tokyo và Seoul là năng lực răn đe quân sự trước Bình Nhưỡng và Bắc Kinh.

Giáo sư Stephen Nagy nhấn mạnh, “Mỹ là chất keo gắn kết hai nước, nhưng nhiều quốc gia khác cũng đang khuyến khích Nhật Bản và Hàn Quốc hợp tác với nhau.

Thay vì Trung Quốc là trung tâm của kinh tế khu vực, những gì chúng ta thấy là nền kinh tế khu vực đang lan rộng khắp Đông Nam Á và Nam Á".

Theo vị giáo sư này, một khi Bắc Kinh mất lợi thế kinh tế bất đối xứng, các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản hoàn toàn có thể hưởng lợi.

Còn đó rào cản

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng bất chấp mối quan hệ khăng khít gần đây, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ khó duy trì bầu không khí này về lâu dài.

Một mặt, Tokyo vẫn thận trọng trong thúc đẩy quan hệ với Seoul do tranh chấp lâu dài. Năm 2018, một tòa án Hàn Quốc từng buộc công ty Nhật Bản bồi thường cho các nhân viên bị cưỡng bức lao động trong Thế chiến II. Theo ông Nagy, điều này khiến Nhật Bản duy trì sự cảnh giác trong thúc đẩy quan hệ với Hàn Quốc.

Đó là chưa kể tới một bộ phận chính trị gia bảo thủ tại Tokyo không hào hứng với lời xin lỗi quá khứ. Điều đó ít nhiều lý giải tuyên bố mới đây của ông Kishida tại Hàn Quốc. Nó có thể bày tỏ sự cảm thông, song chắc chắn rằng đó không phải lời xin lỗi. Câu chuyện gửi đồ viếng tới đền Yasukuni hay chủ quyền quần đảo Dokdo/Takeshima tiếp tục là rào cản chưa thể vượt qua.

Các vấn đề lịch sử như Đền Yasukuni và chủ quyền quần đảo Dokdo/Takeshima tiếp tục là rào cản giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. (Nguồn: Kakidai)

Về phía Hàn Quốc, nỗ lực xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nhật Bản dựa trên những quan tâm chung đã khiến Tổng thống Yoon Suk Yeol phải đối mặt với không ít chỉ trích ở trong nước cho rằng Seoul đã nhượng bộ Tokyo.

Lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Lee Jae Myung khẳng định: “Bình thường hóa quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản là cần thiết. Tôi ủng hộ điều đó, Tuy nhiên, nó không nên gây tổn hại lợi ích, phẩm giá quốc gia, lịch sử và công lý của chúng ta”.

Khi đó, nỗ lực cải thiện quan hệ Nhật-Hàn sẽ cần hơn những lực đẩy trong nước, phối hợp với yếu tố bên ngoài để tiếp tục “rã đông” sau thập kỷ đầy căng thẳng.

(theo DW)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhat-ban-han-quoc-thuc-su-xich-lai-gan-nhau-226722.html