Nhật Bản: Hệ lụy từ việc 'già hóa' dân số

Nhật Bản hiện có hơn 71.000 người 100 tuổi. Đây là số liệu do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật công bố ngày 13-9. Trong đó có 8.463 cụ ông và 62.700 cụ bà.

Chính phủ Nhật Bản cam kết "hỗ trợ những người lớn tuổi để ngay cả khi họ đã đạt tới độ tuổi rất già vẫn có thể sống khỏe mạnh, viên mãn". Tuy nhiên, xã hội Nhật Bản đang phải đối mặt với khó khăn do già hóa dân số.

Đất nước ngày càng nhiều người cao tuổi

Nhật Bản là một trong những nước có tuổi thọ trung bình của người dân thuộc hàng cao nhất thế giới và cũng là quê hương của nhiều người sống lâu nhất thế giới, trong đó có cụ ông Jiroemon Kimura, cụ ông cao tuổi nhất thế giới nhưng đã qua đời vào tháng 6-2013, vài ngày sau sinh nhật 116 tuổi của ông.

Báo Guardian dẫn nhận định của các chuyên gia sức khỏe cho rằng, sở dĩ người Nhật ngày càng sống thọ là vì họ thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, chú ý chăm sóc sức khỏe tổng quát và trong số những người sống thọ trăm tuổi, nhiều người có chế độ ăn ít chất béo.

Đầu tháng 3-2019, cụ bà Kane Tanaka, 116 tuổi, sống tại thành phố Fukuoka của Nhật Bản, đã được Sách Kỷ lục thế giới Guinness công nhận là người cao tuổi nhất thế giới hiện nay.

Thông báo ngày 9-3 của Guinness cho biết cụ bà Kane Tanaka sinh ngày 2-1-1903. Bà sinh sống tại một nhà dưỡng lão ở Fukuoka và duy trì lối sống lành mạnh cũng như trí tuệ minh mẫn. Mỗi ngày, bà Tanaka thức dậy vào 6 giờ, sau đó học toán và luyện tập thư pháp vào buổi chiều.

Tuy nhiên, cùng với kỷ lục có nhiều người cao tuổi, Nhật Bản đang phải đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn lao động ở tất cả các ngành nghề.

Một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu dân số và an ninh xã hội quốc gia Nhật Bản cho biết, xã hội già hóa dân số nhanh chóng của Nhật Bản sẽ chứng kiến 1/4 dân số bước vào tuổi 75 và cao hơn vào năm 2040.

Theo đó, tổng số hộ gia đình có chủ hộ từ 75 tuổi trở lên sẽ vào khoảng 12,17 triệu người, và số hộ gia đình chỉ có một người sẽ lên tới 19,94 triệu, chiếm 2/5 tổng số hộ gia đình. Đáng báo động, số người trên 75 tuổi sống đơn độc sẽ lên tới 5 triệu người.

Báo cáo này nhận định, khi số lượng người già Nhật Bản sống một mình tăng lên, đất nước này càng phải cần cải tạo hệ thống an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng có liên quan. Hiện tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản chỉ đạt 2,3%, mức thấp nhất từ đầu những năm 1990, đã cho thấy mức độ thiếu hụt lao động ở một loạt lĩnh vực từ công nghiệp tới các cửa hàng tiện lợi.

Nhật Bản đang phải đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn lao động.

Nhật Bản đang phải đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn lao động.

Mở cửa cho lao động nước ngoài để bù đắp thiếu hụt nhân lực trong nước

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Nhật Bản công bố đầu tháng 2-2019, nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong 45 năm qua.

Trung bình trong năm 2018, cứ 161 công việc thì chỉ có 100 người tìm việc. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1973, cảnh báo về tình trạng thiếu hụt lao động ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và tình trạng già hóa dân số ở quốc gia này.

Tháng 5-2019, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra lời hối thúc các công ty kéo dài tuổi nghỉ hưu của người lao động lên tới 70 tuổi, đây được coi là biện pháp đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động.

Chính phủ Nhật Bản sẽ hối thúc các công ty thực hiện các nỗ lực nhằm bảo đảm công việc cho người lao động tới 70 tuổi bằng việc đưa ra các hình thức như tiếp tục thuê lao động sau khi tới tuổi nghỉ hưu, hỗ trợ người lao động tìm công việc mới tại các công ty khác, hỗ trợ tài chính cho các hợp đồng thuê việc tự do và hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo tính toán của Viện Nghiên cứu và Tư vấn Persol thuộc Đại học Chuo, đến năm 2030, Nhật Bản sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt 6,44 triệu lao động.

Vì vậy, từ ngày 1-4-2019, Nhật Bản đã áp dụng chính sách mở rộng tiếp nhận lao động nước ngoài. Theo chính sách mới, Nhật Bản sẽ cấp thị thực lao động có thời hạn tối đa 5 năm cho lao động nước ngoài trong 14 ngành nghề, trong đó đối với những lao động tay nghề cao trong 2 lĩnh vực là xây dựng và đóng tàu sẽ không giới hạn số lần được gia hạn thị thực làm việc tại Nhật Bản và còn được phép mang gia đình đến Nhật.

Trong 14 ngành nghề tiếp nhận lao động nước ngoài trong vòng 5 năm tới, số lượng tiếp nhận dự kiến đối với ngành hộ lý, chăm sóc người già là nhiều nhất với 60.000 người, tiếp đến là ngành xây dựng 40.000, sau đó là ngành nông nghiệp và vệ sinh tòa nhà mỗi ngành khoảng 37.000 người. Như vậy, tổng số lao động trong vòng 5 năm tới Nhật tiếp nhận là 345.000 người, tuy nhiên ngay trong năm đầu tiên kể từ ngày 1-4-2019, Nhật Bản dự kiến tiếp nhận 47.000 lao động nước ngoài.

Đây là lần đầu tiên Nhật Bản đối mặt với số lượng người lao động nước ngoài lớn, thực tế là cơ quan chức năng của Nhật Bản cũng đang lúng túng trong việc quản lý và hòa nhập người lao động nước ngoài với xã hội Nhật Bản - một xã hội rất khó tính và khép kín. Vì vậy, Nhật Bản sẽ đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giải thích để xã hội hiểu và chấp nhận cởi mở với người nước ngoài.

Bộ Tư pháp Nhật Bản cũng ban hành một sắc lệnh yêu cầu người sử dụng lao động phải trả cho họ mức lương tương đương hoặc cao hơn so với những người có quốc tịch Nhật Bản.

Minh Khuê (Tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/nhat-ban-he-luy-tu-viec-gia-hoa-dan-so-562021/