Nhật Bản: Khi dạy cách khóc trở thành một nghề

Do cuộc sống hiện tại có quá nhiều áp lực và căng thẳng, nhiều trường học và công ty ở Nhật Bản đã khuyến khích học sinh và nhân viên của mình hãy khóc để giải tỏa. Từ đó, nghề 'giáo viên dạy khóc' ra đời ở nước này.

Theo Japan Times, ngày càng nhiều trường học và công ty ở Nhật Bản kêu gọi mọi người hãy khóc để giải tỏa tâm lý căng thẳng và tăng cường sức khỏe, trí lực. Khoa học chứng minh rằng nước mắt rơi vì buồn hay hạnh phúc đều có thể giúp tháo gỡ những vướng mắc trong lòng và việc khóc sẽ giúp giải phóng hệ thần kinh giao cảm có lợi cho sức khỏe.

“Khóc là hoạt động tự vệ cho bản thân trước những căng thẳng dồn nén lâu ngày”, GS Junko Umihara từ trường đại học Y Nippon cho biết.

Nhịp làm việc chăm chỉ, tập trung cao độ và thói quen không bộc lộ cảm xúc đã khiến nhiều người Nhật Bản mắc hội chứng căng thẳng tâm lý không thể giải tỏa. (Nguồn: ABC)

Tuy nhiên, trên thực tế, Nhật Bản lại một trong những quốc gia “lười” khóc. Dữ liệu nghiên cứu về khóc ở 37 quốc gia được công bố trên tạp chí National Geographic năm 2017 cho biết, người Nhật là nhóm ít khóc nhất trong số các quốc gia làm khảo sát. Một nhà nghiên cứu nhận định rằng việc giấu giếm cảm xúc tức giận hay buồn chán ở trong lòng được coi là nét đặc trưng trong văn hóa Nhật Bản. Chính vì vậy, đôi khi người dân nước này có thể cảm thấy căng thẳng nhưng không thể giải phóng được cảm xúc cá nhân.

Trong 5 năm rưỡi qua, cựu giáo viên trung học Hidefumi Yoshida, 43 tuổi, đã tự gọi mình là “namida sensei” nghĩa là “giáo viên dạy khóc”. Ông đã tổ chức các hoạt động giảng dạy ở trường học và các công ty trên khắp Nhật Bản nhằm giúp mọi người biết được lợi ích của việc rơi nước mắt. Ông đã phát hiện ra lợi ích của việc khóc sau khi một học trò cũ của ông đã dừng điều trị tâm lý bằng việc mở lòng với mọi người và bắt đầu học cách khóc.

“Khóc hiệu quả hơn rất nhiều so với cười hoặc ngủ trong việc giải tỏa căng thẳng”, ông Yoshida nói.

Hợp tác với ông Hideho Arita, giáo sư khoa Y thuộc đại học Toho và một số chuyên gia khác, ông Yoshida đã tổ chức chương trình dạy khóc từ năm 2014, khuyến khích mọi người bớt che giấu cảm xúc thật, mở lòng hơn và khóc nhiều hơn.

Từ năm 2015, Nhật Bản công bố chương trình kiểm tra mức độ căng thẳng định kỳ cho nhân viên các công ty có nhiều hơn 50 người. Từ đó, ông Yoshida và cộng sự nhận được vô số lời mời từ các công ty và trường học để giảng dạy về vấn đề này. Trong vài năm qua, ông đã thực hiện hàng trăm bài giảng và các hoạt động chia sẻ, tư vấn khác.

Theo ông Yoshida, điều quan trọng là cần phải tạo ra môi trường thích hợp để khóc. Ông thường khuyên các học viên hãy xem phim cảm động, lắng nghe nhạc hay đọc những cuốn sách dễ tác động tới tâm lý. Ông cho rằng nếu mỗi người khóc 1 lần/tuần, người đó sẽ sống cuộc sống dễ chịu hơn nhiều.

Ngày 7/9, ông Yoshida đã tổ chức bài giảng ở trường trung học Osaka, vùng Kansai với 79 học sinh tham gia. Các em đã xem những bộ phim xúc động, viết ra cảm nhận, rồi đọc các bài viết khác để có thể khóc dễ hơn.

“Em nghĩ em không nên kìm nén bất cứ thứ gì trong lòng khi khóc”, học sinh Ryohei Tsuda, 17 tuổi, nói. “Em nghĩ khóc là cách tốt để giảm bớt căng thẳng”, em Naito Sugimoto, 17 tuổi, chia sẻ.

(theo Dân trí/Japan Times)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/nhat-ban-khi-day-cach-khoc-tro-thanh-mot-nghe-79788.html