Nhật Bản lo âu vì khả năng suy thoái kinh tế

Ngày 9/3, tờ Asahi Shimbun đưa tin, Văn phòng nội các Nhật Bản đưa ra thông báo sơ bộ về xu hướng suy thoái kinh tế tiềm tàng đang diễn ra theo chiều hướng đáng lo ngại.

Bản báo cáo sơ bộ của giới nội các cho thấy các chỉ số tổng hợp (coincidence index) chỉ còn có 97,9, giảm 2,7 điểm so với số thống kê của tháng 12 và thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp khi mà chỉ số tổng hợp giảm mạnh.

Theo như quan sát của nhiều chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Trung Quốc bị suy giảm đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả nền kinh tế của Nhật Bản. Hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc giảm cộng với lượng đơn đặt hàng ít khiến cho Nhật Bản phải đối mặt với một số khoản lỗ không nhỏ.

Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản cho rằng vẫn còn quá sớm để tuyên bố rằng sự tăng trưởng kinh tế đã kết thúc. Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga đã trả lời trước giới báo chí rằng, nền kinh tế đất nước vẫn còn vững mạnh mặc dù có gặp chút khó khăn.

 Liệu rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ rơi vào tình trạng suy thoái giống Trung Quốc? Ảnh: Asahi Shimbun

Liệu rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ rơi vào tình trạng suy thoái giống Trung Quốc? Ảnh: Asahi Shimbun

Ông Suga nói: “Chúng ta cần phải tính đến ảnh hưởng của các nhân tố bên ngoài lên nền kinh tế của đất nước”. Theo ông, sự sụt giảm lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc vào đầu năm 2019 một phần là do kì nghỉ Tết Nguyên đán và kỳ nghỉ lễ Chun Chunjie (lễ hội mùa xuân).

Toshimitsu Motegi, bộ trưởng quản lý phục hồi kinh tế, đồng tình với phát biểu của chánh văn phòng Suga. Ông nói: “Từng có nhiều trường hợp trong quá khứ, nền kinh tế nước ta gặp khó khăn nhưng vẫn không bị suy thoái”.

Toshimitsu cho biết biết, kể từ năm 2008, Nhật Bản đã từng 4 lần lao đao vì khó khăn kinh tế vào năm 2008, 2011, 2012 và 2014. Tuy nhiên, chính phủ nước này chỉ tuyên bố tình trạng suy thoái kinh tế vào những năm 2008, khi mà ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ và năm 2012, khi khủng hoảng nợ ở châu Âu khiến chỉ số tổng hợp kinh tế Nhật tụt dốc.

Đối với trường hợp của năm 2011 và 2014, chính phủ Nhật không tuyên bố tình trạng suy thoái vì cả 2 lần đó, kinh tế Nhật Bản chỉ chịu ảnh hưởng tạm thời bởi các yếu tố đặc biệt như trận động đất kinh hoàng năm 2011 và việc tăng thuế suất tiêu dùng lên 8% trong năm 2014.

Trong năm nay, kinh tế Nhật Bản lại tiếp tục gặp khó khăn và yếu tố tác động lần này đến từ sự suy giảm kinh tế ở Trung Quốc và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Renesas Electronics Corp, một trong những tập đoàn hàng đầu về sản xuất chất bán dẫn ở Nhật, chính là minh chứng rõ ràng nhất cho khó khăn kinh tế của Nhật.

Do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế Trung Quốc, tập đoàn Renesas đã mất rất nhiều đối tác làm ăn quan trọng từ đất nước tỉ dân này và buộc phải đình chỉ hoạt động sáu cơ sở sản xuất vì lo ngại hàng tồn kho.

Trước các quan ngại về suy giảm kinh tế, một quan chức cấp cao của bộ tài chính đã đứng ra trấn an các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp Nhật Bản. Ông nói: “Chúng tôi quyết tâm tìm ra phương pháp giúp đảm bảo nền kinh tế của quốc gia sẽ tiếp tục tăng trưởng theo chiều hướng tích cực. Mọi người không cần quá lo lắng vì tình hình hiện giờ vẫn còn đang ổn thỏa, không quá nghiêm trọng như trường hợp năm 2008”.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/nhat-ban-lo-au-vi-kha-nang-suy-thoai-kinh-te-159356.html