Nhật Bản mở cửa cho lao động nhập cư

Trước thực trạng thiếu hụt lao động trầm trọng trong nhiều thập kỷ qua, Chính phủ Nhật Bản buộc phải nới lỏng chính sách nhập cư.

100 người có 163 công việc lựa chọn

Nhật Bản là một trong những quốc gia ít đa dạng chủng tộc nhất thế giới. Từ lâu, nước Nhật đã hạn chế lao động nước ngoài, ngoại trừ một số ít ngành nghề được chấp nhận như: Giáo dục, y học, kỹ thuật và luật. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Nhật Bản hiện nay không gì khác chính là thực trạng già hóa dân số ngày một nghiêm trọng. Theo thống kê, hiện nay những người trên 65 tuổi chiếm một phần tư dân số Nhật Bản và có thể đạt mức 40% vào năm 2040. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hàn Quốc. Năm 2017 là năm thứ sáu liên tục tỷ lệ sinh tại Nhật Bản giảm, với chưa đầy một triệu trẻ được sinh ra. Đây cũng là con số thấp kỷ lục tính từ năm 1899, khi nước này bắt đầu thống kê dân số.

Lĩnh vực y tế và chăm sóc người già tại Nhật Bản thu hút lượng lớn lao động nước ngoài. Ánh: Japan Times.

Điều này khiến Nhật Bản phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong nhiều thập kỷ qua. Theo số liệu năm 2017, số lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản đạt 1,28 triệu người, gấp đôi số lượng năm 2012. Tuy nhiên, rất nhiều trong số này là những sinh viên hoặc thực tập sinh và họ không thể ở lại vô thời hạn. Các số liệu thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật đã đạt 2,3% vào tháng 9/2018 và cứ 100 người tìm việc thì có 163 vị trí cho họ chọn lựa. Đây là sự thiếu hụt lao động trầm trọng nhất tại đất nước mặt trời mọc trong vòng 40 năm qua.

Vì vậy, chính quyền của ông Shinzo Abe đã bắt đầu có những động thái để nới lỏng chính sách nhập cư vốn cứng rắn của mình. Cụ thể, vào đầu tháng 11 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua điều luật cho phép sự hiện diện của 500.000 lao động nước ngoài vào năm 2025.

Người lao động nước ngoài sẽ được an cư và hạnh phúc

Theo luật mới, lao động nước ngoài sẽ được chia thành hai nhóm. Những người có kỹ năng làm việc trong các lĩnh vực đang thiếu hụt lao động sẽ được phép làm việc lên đến 5 năm tại Nhật Bản nhưng không được mang gia đình theo. Những lao động có trình độ cao hơn có thể đi cùng gia đình và được cấp thị thực vô thời hạn. Thậm chí, họ có thể nộp đơn để trở thành công dân của Nhật Bản. Tuy nhiên, cả hai nhóm lao động này đều phải vượt qua kỳ thi tiếng Nhật.

Lao động nước ngoài đang làm việc tại công trường xây dựng ở Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Trả lời trước Quốc hội, Thủ tướng Abe cho biết: “Chúng ta không theo đuổi chính sách nhập cư thông thường. Hầu hết lao động nước ngoài sẽ ở lại Nhật Bản trong thời gian hạn chế và chính sách sẽ được xem xét trong trường hợp suy thoái kinh tế hoặc tình trạng thiếu hụt lao động được giải quyết. Sẽ là sai lầm khi ép buộc các giá trị của chúng ta lên người nước ngoài. Thay vào đó, điều quan trọng là chúng ta tạo ra một môi trường mà mọi người có thể cùng sinh sống và làm việc một cách hạnh phúc”.

Tuy nhiên, chính sách này của Thủ tưởng Abe đã gây nên một số ý kiến trái chiều. Ông Hidenori Sakanaka, cựu Giám đốc Sở di trú Tokyo cho biết: “Tôi nghĩ đây là một sự thay đổi thực sự trong chính sách nhập cư”. Trước nguy cơ lực lượng lao động nước ngoài gia tăng nhanh chóng, các đảng đối lập cũng bắt đầu thể hiện sự phản đối chính sách của ông Abe. Đảng cánh hữu nước Nhật trên hết than phiền rằng, sự gia tăng đột ngột lực lượng lao động nước ngoài sẽ là gánh nặng với các dịch vụ phúc lợi và có thể dẫn đến gia tăng tỷ lệ tội phạm. Ông Yuichiro Tamaki, lãnh đạo Đảng Dân chủ nhân dân (DPP) lại có những quan ngại về sức ép lên quỹ lương và các dịch vụ xã hội. Ông cũng là lãnh đạo đầu tiên của một đảng thể hiện sự ủng hộ đối với chính sách nhập cư theo kiểu Liên minh châu Âu, trong đó đảm bảo bình đẳng tiền lương và cho phép lao động nước ngoài mang theo gia đình đến Nhật Bản.

Dân chúng Nhật Bản lại có cái nhìn cởi mở hơn trong vấn đề này. Kết quả một cuộc khảo sát của TV Tokyo và thời báo kinh tế Nikkei cho thấy, 54% người Nhật được hỏi ủng hộ chính sách nới lỏng với lao động nhập cư trình độ thấp, trong khi đó 36% không đồng tình. Nhóm người trẻ thường là những người ủng hộ chính sách của ông Abe.

Lời giải cho bài toán già hóa dân số

Dù chính sách nhập cư đối với lao động nước ngoài tại Nhật Bản có diễn tiến như thế nào đi nữa thì cũng không thể phủ nhận nó đang có những sự thay đổi và ảnh hưởng đáng kể với thị trường lao động nước này. Những thay đổi đó đã được cảm nhận rõ ràng nhất trong ngành thủy sản tại tỉnh Hiroshima, nơi mà cứ 6 lao động ngành thủy sản thì có một người nước ngoài, chiếm tỷ lệ cao nhất ở Nhật Bản. Trong số những lao động đánh bắt cá từ 20 đến 30 tuổi, tỷ lệ này là 50%.

Tại Akitsu - một thành phố cảng bé nhỏ thuộc tỉnh Hiroshima, tỷ lệ lao động trong ngành đánh bắt thủy sản là 30 ngư dân Nhật so với 33 lao động nước ngoài. Mặt khác, độ tuổi trung bình của ngư dân Nhật cũng đang tăng cao. Ông Takatoshi Shiba, người đứng đầu hợp tác xã của ngư dân Akitsu đùa rằng, ở tuổi 67, ông vẫn cảm thấy khá trẻ so với các đồng nghiệp người Nhật khác. “Đây là một sự phí phạm bởi các lao động nước ngoài phải mất một thời gian để học tập và làm quen với cuộc sống ở đây nhưng họ vẫn phải trở về nhà sau vài năm. Tôi không nghĩ rằng Chính phủ có bất kỳ sự lựa chọn nào khác ngoài hành động sớm. Những nơi như thế này sẽ không thể tồn tại mà không có lao động nước ngoài”, ông Takatoshi Shiba nhận định.

Thống kê của Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản, vào thời điểm cuối tháng 10/2017 ghi nhận số lao động người nước ngoài đã tăng lên mức kỷ lục với khoảng 1,28 triệu lao động, mức cao nhất kể từ khi Nhật Bản bắt đầu thống kê từ năm 2008.

Lao động người Trung Quốc vẫn có số lượng đông nhất với hơn 372.000 người. Lao động Việt Nam đứng thứ hai với con số trên 240.000 người. Trong năm 2017, lao động Việt Nam đã có mức tăng ấn tượng lên đến 40% so với năm trước đó và bỏ xa các nước xếp tiếp theo là Philippines, Brazil và Nepal. Những khu vực tập trung đông lao động người Việt tại Nhật Bản là Thủ đô Tokyo, vùng Kanto, Kobe, Osaka và Kyoto.

Ngọc Ly

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/nhat-ban-mo-cua-cho-lao-dong-nhap-cu-d2058911.html