Nhật Bản nhận hai 'mắt thần' E-2D từ Mỹ

Sau khi được đánh giá và bay thử nghiệm, hai chiếc máy bay chỉ huy cảnh báo hiện đại E-2D do Mỹ sản xuất sẽ được đưa đến căn cứ không quân Misawa và bàn giao cho phi đội 61 của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JSDF) ở tỉnh Aomori.

 Jane's Defence Weekly ngày 17/4 dẫn lời một phát ngôn viên của Lực lượng JASDF cho hay, 2 máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-2D do công ty quốc phòng Mỹ Northrop Grumman chế tạo, đã được đưa đến căn cứ Iwakuni của quân đội Mỹ ở tỉnh Yamaguchi hồi tháng trước.

Jane's Defence Weekly ngày 17/4 dẫn lời một phát ngôn viên của Lực lượng JASDF cho hay, 2 máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-2D do công ty quốc phòng Mỹ Northrop Grumman chế tạo, đã được đưa đến căn cứ Iwakuni của quân đội Mỹ ở tỉnh Yamaguchi hồi tháng trước.

Sau khi được đánh giá và bay thử nghiệm tại đó, hai chiếc E-2D sẽ được đưa đến căn cứ không quân Misawa ở tỉnh Aomori, nơi phi đội 61 của JASDF vận hành E-2C lẫn E-2D.

Hai chiếc E-2D mới là chiếc thứ 3 và thứ 4 trong số 4 chiếc Nhật đặt mua từ Northrop Grumman hồi năm 2015, với tổng trị giá 1,7 tỉ USD.

Tháng 10/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật khi đó Takeshi Iwaya thông báo nước này sẽ mua thêm 9 chiếc E-2D, với tổng trị giá 3,135 tỉ USD, để thay thế đội E-2C “đang lão hóa”.

Với việc mua và tiếp nhận phiên bản mới nhất của dòng E-2, Hải quân Nhật Bản sẽ tăng cường sức mạnh chỉ huy và cảnh báo trên biển.

Trên các tàu sân bay Mỹ, máy bay chỉ huy cảnh báo E-2 được coi là "mắt thần trên không" của hải quân Mỹ.

Mọi động tĩnh của đối phương đều bị chiếc máy bay này thu thập và theo đõi, đồng thời nó đóng vai trò chỉ huy cho các loại vũ khí khác của hải quân Mỹ.

Mỗi tàu sân bay đều có từ 4 đến 6 chiếc máy bay này.

Northrop Grumman E-2 Hawkeye là dòng máy bay cảnh báo sớm (AEW) có khả năng hoạt động trên tàu sân bay và trong mọi điều kiện thời tiết.

Nguyên mẫu E-2 được Grumman phát triển từ cuối thập niên 1950 cho hải quân Mỹ, nhằm thay thế dòng E-1 Tracer đã trở nên lạc hậu vào thời điểm đó.

E-2 là mẫu máy bay đầu tiên được chế tạo riêng cho nhiệm vụ cảnh báo sớm, thay vì hoán cải khung thân phi cơ có sẵn như dòng E-3 Sentry cho không quân Mỹ.

Máy bay E-2 dài 17,6 m, sải cánh 24,6 m và cao 5,6 m, phần cánh có thể gấp gọn để tiết kiệm diện tích, phù hợp với không gian chật hẹp trên tàu sân bay

Máy bay có khối lượng rỗng 18 tấn và khối lượng cất cánh tối đa khoảng 26 tấn.

E-2 đạt tốc độ hành trình 475 km/h, tầm bay tối đa 2.700 km.

E-2 đạt tốc độ hành trình 475 km/h, tầm bay tối đa 2.700 km.

Nhiệm vụ chính của E-2 là nhận dạng, cảnh báo các mối nguy hiểm trên không cho nhóm tác chiến tàu sân bay, sau đó dẫn đường cho các chiến đấu cơ thực hiện nhiệm vụ đánh chặn.

Ngoài ra chúng còn có khả năng dẫn đường và truyền tín hiệu cho máy bay tàng hình F-35. Đây cũng là dòng chiến đấu cơ chủ lực của Nhật Bản trong tương lai.

Được biết các loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 như F-22 và F-35 thường sử dụng thuật tín hiệu riêng biệt để tránh bị đối phương phát hiện.

Các máy bay E-2 cũng có thể chỉ huy và kiểm soát hoạt động không chiến, do thám, dẫn đường cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn và chuyển tiếp thông tin liên lạc.

Độ cao hành trình 7.600 m cho phép mỗi chiếc Hawkeye bao phủ khu vực có bán kính khoảng 300 km, cũng như phát hiện mục tiêu bay sát mặt biển ở ngoài đường chân trời như tiêm kích và tên lửa chống hạm đối phương.

Những mục tiêu ở ngoài đường chân trời vốn ngoài khả năng phát hiện của radar trên tàu chiến trong biên đội, chỉ duy có máy bay E-2 mới có thể phát hiện ra mục tiêu này.

Tổ lái Hawkeye có 5 người, gồm hai phi công ngồi trong khoang lái phía trước, sĩ quan kiểm soát thông tin tác chiến, chuyên viên điều khiển không lưu và sĩ quan vận hành radar ở khoang sau.

Khung thân làm bằng kim loại nhẹ và được gia cố để phù hợp với hoạt động trên tàu sân bay, trong khi một phần cánh đuôi chế tạo từ vật liệu composite nhằm giảm tín hiệu phản xạ radar.

Càng trước máy bay có thanh kéo để nối với máy phóng của tàu sân bay, còn phía sau lắp móc hãm hình chữ A và đệm đuôi phòng trường hợp va chạm với sàn đáp của hàng không mẫu hạm.

Điểm nổi bật nhất của dòng Hawkeye là đài radar tròn có đường kính 7,3 m phía trên thân, bên trong là tổ hợp radar cảnh giới AN/APS-145 và hệ thống nhận diện địch - ta (IFF) OL-483/AP.

Mỗi hệ thống AN/APS-145 có khả năng phát hiện 2.000 mục tiêu và bám bắt 40 mục tiêu cùng lúc ở khoảng cách trên 300 km.

Hải quân Mỹ cho biết radar này cũng có khả năng kháng nhiễu địa vật và các biện pháp tác chiến điện tử của đối phương.

Ngoài hệ thống radar, những chiếc E-2 cũng được trang bị nhiều tổ hợp thông tin vô tuyến và đường truyền dữ liệu, nhằm đơn giản hóa quá trình vận hành, cũng như kết nối và truyền tham số mục tiêu cho các tiêm kích và phi cơ tác chiến điện tử trong không đoàn tàu sân bay.

Các biến thể Hawkeye liên tục được chế tạo từ năm 1960, biến nó trở thành dòng phi cơ trên hạm có dây chuyền sản xuất kéo dài nhất lịch sử Mỹ.

Grumman tới nay đã sản xuất hơn 210 chiếc E-2 cho hải quân Mỹ và các đồng minh như Ai Cập, Pháp, Israel, Nhật Bản, Mexico, Singapore...

Phiên bản cải tiến Block II xuất hiện năm 1992 với nhiều thay đổi ở động cơ và radar, trong khi bản E-2D mới sản xuất hàng loạt từ năm 2013 để thay thế dần E-2C, nhằm duy trì những "con mắt thần" cho nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trong quá trình hoạt động.

Hiện mới có Hải quân Mỹ và Nhật Bản sử dụng phiên bản máy bay chỉ huy cảnh báo E-2D.

Theo Việt Hùng/ An ninh Thủ đô

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/nhat-ban-nhan-hai-mat-than-e-2d-tu-my/20200428015802866