Nhật Bản nối lại đánh bắt cá voi thương mại sau 31 năm

Nhật Bản nối lại đánh bắt cá voi thương mại lần đầu tiên sau 31 năm vào ngày hôm nay (1-7) bất chấp chỉ trích của các tổ chức bảo tồn cá voi và các nước phản đối đánh bắt cá voi bao gồm đồng minh Mỹ.

Một tàu đánh bắt cá voi với chiếc súng phóng lao được phủ bạt đang nhổ neo ở cảng Kushiro, tỉnh Hokkaido, Nhật Bản vào sáng 1-7. Ảnh: Getty

Sáng 1-7, tám tàu đánh bắt cá voi đã khởi hành ra khơi từ cảng Shimonoseki ở tỉnh Yamaguchi, phía Tây Nhật Bản và cảng Kushiro, tỉnh Hokkaido, phía Bắc đất nước để đánh bắt cá voi ở lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản trải dài 200 hải lý tính từ bờ biển của nước này. Trên boong các tàu này là những gì những khẩu súng phóng lao chuyên dùng cho săn bắt cá voi được phủ bạt.

Chuyến đánh bắt sẽ kéo dài đến cuối tháng 12. Cơ quan Ngư nghiệp Nhật Bản cho phép các tàu này đánh bắt 227 cá voi, bao gồm 52 cá voi Minke, 150 cá voi Bryde và 25 cá voi Sei.

Nhật Bản nối lại hoạt động đánh bắt cá voi thương mại chỉ một ngày sau khi rút khỏi Ủy ban Đánh bắt cá voi quốc tế (IWC), cơ quan quản lý hoạt động đánh bắt cá voi toàn cầu.

IWC áp đặt lệnh tạm dừng săn bắt cá voi thương mại trên toàn cầu vào năm 1986. Hai năm sau đó, Nhật Bản dừng hoạt động này nhưng vẫn tiếp tục ở Bắc Thái Bình Dương và Nam Cực theo một chương trình đánh bắt nhằm mục đích nghiên cứu khoa học.

Những người chỉ trích cáo buộc chương trình này của Nhật Bản thực tế phục vụ rất ít mục đích khoa học và được sử dụng để che đậy các hoạt động đánh bắt thương mại.

Đội tàu săn cá voi của Nhật Bản sát hại 333 cá voi Minke trong chuyến đánh bắt nghiên cứu cuối cùng ở Nam cực kết thúc vào tháng 3-2019. Vào những năm trước, các đội tàu này săn giết 1.000 con cá voi mỗi năm và nhiều lần đối đầu với các tàu của tổ chức bảo tồn sinh vật biển Sea Shepherd (Mỹ) trên đại dương.

Tokyo "hục hặc" với IWC sau một cuộc họp của ủy ban này hồi tháng 9-2018. Đề xuất nối lại một phần hoạt động đánh bắt cá voi thương mại của Nhật Bản bị các thành viên khác bỏ phiếu phản đối với tỷ lệ 41 phiếu chống, 27 phiếu thuận.

Thất vọng vì không thuyết phục được các thành viên của IWC ủng hộ đề xuất trên, hồi tháng 12 năm ngoái, chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ rút khỏi IWC. Quyết định rút khỏi IWC chính thức có hiệu lực hôm 30-6. Với quyết định này, nước này sẽ không được phép triển khai các đội tàu đánh bắt cá voi (vì mục đích nghiên cứu) đến Nam cực vào mùa đông hàng năm.

Một con cá voi Minke được đưa lên bờ ở cảng Kushiro, tỉnh Hokkaido, Nhật Bản. Hoạt động đánh bắt cá voi thương mại ở Nhật Bản đã dừng lại trong 31 năm qua nhưng nước này vẫn cho phép đánh bắt cá voi phục vụ nghiên cứu khoa học. Ảnh: Kyodo/AP

Các công ty tư nhân sẽ thiết lập các ngư trường đánh bắt cá voi từ những vùng biển xung quanh Nhật Bản. Cơ quan Ngư nghiệp sẽ đặt ra hạn ngạch đánh bắt tối đa hàng năm cho mỗi ngư trường và cho mỗi loài cá voi dựa trên các phương pháp tính toán mà IWC đang sử dụng.

Quyết định rút khỏi IWC của Nhật Bản vấp phải sự lên án khắp toàn cầu và làm dấy lên các lo ngại cho các nỗ lực bảo tồn cá voi. Ngoài Nhật Bản, hai thành viên khác của IWC là Iceland và Na Uy cũng đang đánh bắt cá voi thương mại.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ lâu đã vận động IWC cho phép Nhật Bản tái khởi động đánh bắt cá voi thương mại nhưng tương lai của ngành đánh bắt cá voi của Nhật Bản vẫn chưa rõ ràng. Chỉ có khoảng 300 người tham gia trực tiếp hoạt động đánh bắt cá voi và nguồn cung cá voi hàng năm ở nước này khoảng 5.000 tấn, tương đương mức trung bình 40-50 gram/người/năm ở Nhật Bản, thấp hơn nhiều so với mức 200.000 tấn được ghi nhận vào thập niên 1960.

Đối với thế hệ người già ở Nhật Bản, thịt cá voi với giá trị dinh dưỡng cao và chi phí thấp, từng là thực phẩm chủ yếu của họ trong các bữa ăn trưa tại trường học.

“Nối lại đánh bắt cá voi sẽ giúp chúng tôi có thể ăn thịt cá voi. Điều này tốt thôi”, Yuya Kusakari, một ngư dân 37 tuổi ở thành phố cảng Kushiro, nói. Kusakari cho biết ông chỉ ăn thịt cá voi khoảng một đến hai lần trong một năm.
Ông nói: “Thực sự thì hiện nay, không có thịt cá voi để bán và giá của nó rất đắt”.

“Tôi từng ăn thịt cá voi khi tôi còn nhỏ nhưng gần đây, giá của nó quá đắt”, Sachiko Sakai, một tài xế taxi 66 tuổi ở Kushiro, than vãn. “Có lẽ giờ đây khi mà đánh bắt cá voi thương mại tái khởi động, giá cá voi sẽ rẻ hơn và chúng tôi có thể tìm kiếm những nơi bán nó dễ dàng hơn”, Sakai hồ hởi nói.

Từ lâu, Nhật Bản cho rằng ăn thịt cá voi là một phần quan trọng trong văn hóa ẩm thực của nước này và khẳng định rằng nhiều loài cá voi không đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Song thực tế, thịt cá voi chỉ được sử dụng rộng rãi ở Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ hai do lúc đó, nước này còn nghèo đói.

Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, trong 20 năm qua, chỉ có khoảng 40% lượng calorie mà người dân nước này tiêu thụ hàng năm được sản xuất ở trong nước.

Theo Nikkei Asian Review, Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290837/nhat-ban-noi-lai-danh-bat-ca-voi-thuong-mai-sau-31-nam.html