Nhật Bản phóng thành công tàu đổ bộ Mặt trăng

Mục tiêu của sứ mệnh là thử nghiệm công nghệ hạ cánh chính xác trên bề mặt Mặt trăng; trong khi các thiết bị khác mà tàu đổ bộ mang theo sẽ thực hiện một số nhiệm vụ quan sát vũ trụ.

Tên lửa đẩy H-IIA mang theo tàu đổ bộ Mặt trăng SLIM của Cơ quan vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã được phóng lúc 8h42’ sáng ngày 7/9 tại Trung tâm vũ trụ Tanegashima ở Kagoshima, tây nam đất nước.

Đây là vụ phóng tiếp theo sau vụ phóng đầu tiên thất bại của tên lửa H3 thế hệ tiếp theo của Nhật Bản vào ngày 7/3.

Tên lửa H-IIA cũng mang theo vệ tinh thiên văn tia X XRISM để quan sát plasma trong các ngôi sao và thiên hà.

Tàu đổ bộ dự kiến sẽ đi vào quỹ đạo Mặt trăng trong khoảng 3-4 tháng, với nỗ lực tiếp cận bề mặt Mặt trăng theo kế hoạch trong thời gian 4-6 tháng.

Tàu đổ bộ Mặt trăng SLIM được phóng bởi tên lửa đẩy H-IIA. Nguồn: Kyodo / Asia Nikkei.

Theo NASA, vệ tinh và hai thiết bị của nó sẽ quan sát những vùng nóng nhất của vũ trụ, những cấu trúc lớn nhất và những vật thể có lực hấp dẫn mạnh nhất.

SLIM cao 2,4 m, rộng 2,7 m và dài 1,7 m, nặng khoảng 700 kg, là tàu đổ bộ hạng nhẹ được phát triển bởi Mitsubishi Electric.

Một trong những mục tiêu của sứ mệnh là thử nghiệm công nghệ hạ cánh chính xác trên bề mặt Mặt trăng, diễn ra sau ba lần hoãn do thời tiết khắc nghiệt vào cuối tháng 8.

Theo kế hoạch, tàu vũ trụ sẽ hạ cánh trong phạm vi 100 m từ một địa điểm cụ thể gần miệng núi lửa Shioli gần xích đạo Mặt trăng. Độ chính xác của tàu đổ bộ thông thường dao động từ vài đến hàng chục km.

Tàu đổ bộ SLIM nặng khoảng 700 kg được phát triển bởi Mitsubishi Electric. Nguồn: JAXA/ Reuters.

Điểm hạ cánh là một sườn dốc 15 độ gần miệng núi lửa, cho phép tàu đổ bộ kiểm tra khả năng hạ cánh xuống bề mặt gồ ghề ở khu vực được cho là có nguồn nước.

Nếu thành công, Nhật Bản sẽ là quốc gia thứ 5, sau Liên Xô cũ, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, hạ cánh thành công tàu đổ bộ lên Mặt trăng.

Trước đó ngày 23/8, Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ tư chạm tới bề mặt Mặt Trăng khi tàu đổ bộ Chandrayaan-3 hạ cánh thành công xuống cực Nam của Mặt trăng, vài ngày sau khi tàu đổ bộ của Nga rơi trên bề mặt Mặt trăng trong một nỗ lực tương tự.

Video vụ phóng ngày 7/9. Nguồn: JAXA.

Dữ liệu Mặt trăng do Nhật Bản thu thập sẽ được sử dụng trong dự án Artemis do Mỹ đứng đầu, nhằm đưa con người trở lại Mặt trăng vào năm 2025, thực hiện các bước xây dựng căn cứ lâu dài của con người trên vệ tinh tự nhiên Trái đất. Đây sẽ là tiền đề cho mục tiêu tiếp theo là đưa con người khám phá sao Hỏa.

Dự án XRISM do JAXA chủ trì phối hợp với Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).

Tàu đổ bộ SLIM dự kiến sẽ hạ cánh xuống miệng núi lửa Shioli gần xích đạo Mặt trăng. Nguồn: JAXA/Reuters.

Tên lửa H-IIA đã trải qua những điều chỉnh sau sự cố tên lửa H3 vào ngày 7/3. Hai phương tiện phóng dùng chung công nghệ ở động cơ giai đoạn hai, vốn đã bị lỗi trong lần phóng tháng 3.

JAXA tin rằng đã xảy ra sự cố quá dòng ở giai đoạn thứ hai của H3, gây hư hỏng các bộ phận như bộ phận đánh lửa hoặc hệ thống điều khiển động cơ, khiến giai đoạn thứ hai không thể kích hoạt trong chuyến bay đầu tiên.

Vụ phóng tiếp theo của H3 dự kiến diễn ra vào quý 1/2024. Phương tiện phóng dự kiến sẽ được sử dụng cho sứ mệnh Mặt trăng chung giữa Nhật Bản và Ấn Độ vào năm tài chính 2025, trong đó tàu đổ bộ Chandrayaan 4 sẽ được phóng trên H3 để đưa tàu thám hiểm Nhật Bản tới cực Nam của Mặt trăng.

Văn Phong/Kyodo, Nikkei Asia

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/nhat-ban-phong-thanh-cong-tau-do-bo-mat-trang-145283.html