Nhật Bản thử nghiệm tên lửa PAC3 để đối phó với tên lửa của Triều Tiên

Lực lượng Phòng không Nhật Bản sẽ cho thử nghiệm hoạt động của hệ thống đánh chặn tên lửa PAC3 vào ngày mai (22/6). Đây là phản ứng của Tokyo sau khi Triều Tiên liên tiếp cho phóng thử tên lửa nhằm về phía biển Nhật Bản.

Theo Newsweek, Lực lượng phòng không Nhật Bản sẽ cho thử nghiệm PAC3 tại 4 căn cứ quân sự ở Tokyo. Hệ thống đánh chặn này được thiết kế để bắn hạ các loại tên lửa được Triều Tiên phóng về phía Nhật Bản. Hệ thống này được tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. Theo Lockheed Martin, PAC3 được mệnh danh là loại tên lửa "đánh chặn động năng" và có thể loại bỏ toàn bộ mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chiến thuật (TBM), tên lửa hành trình và máy bay.

PAC3 là một phần trong chương trình bảo vệ không phận thủ đô Tokyo của Nhật Bản do Mỹ thi hành. Theo nhóm điều hành hệ thống PAC3, họ có rất ít thời gian để chuẩn bị đối phó trước một cuộc tấn công của đối phương.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada trả lời phỏng vấn báo chí hồi tháng Năm sau khi Triều Tiên cho phóng thử tên lửa về phía biển Nhật Bản.

"Tôi luôn trong tình trạng cảnh báo. Ngay cả khi về nhà, tôi vẫn thu thập thông tin và luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ", ông Yoichi Yokoyama (45 tuổi), một trong bốn nhân viên phụ trách hoạt động của PAC3 chia sẻ với tờ Stars and Stripes.

Hiện tại, Nhật Bản đang tỏ ra thực sự lo ngại trước mối đe dọa từ Triều Tiên khi mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cho phóng tên lửa tầm ngắn và tầm trung về phía biển Nhật Bản trong năm nay. Hồi đầu tháng Sáu, phát biểu trong Hội thảo An ninh châu Á thường niên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục gây sức ép với Triều Tiên trong hoàn cảnh, Bình Nhưỡng vẫn không từ bỏ theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa.

Trước đó, vào cuối tháng Năm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng khẳng định ông sẽ "hành động mạnh mẽ" cùng với Mỹ sau khi Triều Tiên phóng một quả tên lửa tầm ngắn về phía biển Nhật Bản. Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cho biết trong vụ phóng trên, tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên đã bay được quãng đường khoảng hơn 480 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.

"Chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho những hành động khiêu khích tái diễn của Triều Tiên. Hành động của Triều Tiên đã phớt lờ lời cảnh báo từ cộng đồng quốc tế", ông Abe nói.

Dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã từ bỏ chính sách "kiên nhẫn chiến lược" mà cựu Tổng thống Barack Obama đã thi hành với Triều Tiên. Hiện Mỹ đã sẵn sàng hậu thuẫn quân đội Nhật Bản và Hàn Quốc để đối phó với hành động khiêu khích từ phía Triều Tiên.

Đây chính là lý do hồi tháng Tư, Mỹ đã điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tới gần bán đảo Triều Tiên cũng như tham gia một cuộc tập trận chung với tàu chiến Nhật Bản trong khu vực vào cuối tháng Tư.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, cuộc chiến với Triều Tiên sẽ biến thành thảm họa.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS hồi tháng Năm, ông Mattis cho biết: "Chính quyền Triều Tiên có hàng trăm khẩu pháo và dàn phóng rocket với tầm bắn nhằm vào một trong những thành phố đông dân cư nhất thế giới, đó là thủ đô Seoul của Hàn Quốc".

Cũng theo ông Mattis, "Chính quyền Triều Tiên thực sự là mối đe dọa với khu vực, với Nhật Bản và cả Hàn Quốc. Nếu xảy ra chiến tranh với Triều Tiên, cuộc chiến này sẽ mang lại nguy hiểm cho cả Trung Quốc và Nga".

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nhat-ban-thu-nghiem-ten-lua-pac3-de-doi-pho-voi-ten-lua-cua-trieu-tien-post230280.info