Nhật Bản trang bị năng lực tấn công mạng

Tokyo đang xem xét kế hoạch cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trang bị khả năng tấn công mạng, khi lực lượng này ngày càng phụ thuộc vào mạng lưới truyền thông thông tin. Chính phủ sẽ kết hợp kế hoạch này vào Hướng dẫn Chương trình Phòng vệ Quốc gia (NDPG) sửa đổi.

Công ty bảo mật Internet LAC từng giúp chính phủ khám phá một vụ tấn công mạng do tin tặc Trung Quốc thực hiện. Ảnh: Asahi Shimbun

Theo nhật báo Asahi Shimbun, Bộ Quốc phòng và SDF thường là mục tiêu của các tin tặc, mỗi năm hứng chịu hơn 1 triệu vụ tấn công. Một số cuộc tấn công được ngụy trang khéo léo bằng danh tính các quan chức chính phủ nhằm lôi kéo người nhận e-mail mở các tài liệu đính kèm làm lây lan vi-rút máy tính. Đơn cử vào cuối năm 2017, một e-mail bắt nguồn từ một thành viên trong Ban Thư ký Văn phòng Chính phủ phụ trách chính sách hàng hải được gửi đến các quan chức Bộ Quốc phòng đã nghỉ hưu và những người liên quan đến vấn đề này. Phân tích sau đó của công ty bảo mật Internet LAC, có trụ sở ở Tokyo, phát hiện e-mail này là sản phẩm của tin tặc Trung Quốc và một vi-rút giấu trong e-mail được phát tán nhằm thu thập thông tin về kế hoạch hàng hải đang soạn thảo.

Tại cuộc họp của nhóm công tác gồm đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và đối tác liên minh Komeito mới đây (ngày 30-11), Nhóm Phòng thủ Mạng thuộc SDF đã trình bày một tài liệu có tên “Hoạt động tên miền chéo”, thể hiện chi tiết kế hoạch nâng cao năng lực tấn công mạng. Với khẳng định SDF và lực lượng quân sự các nước khác đang ngày càng phụ thuộc vào mạng lưới truyền thông thông tin, tài liệu nhấn mạnh rằng không gian mạng rất quan trọng trong chiến tranh đương đại. Do đó, chính phủ muốn nâng cấp khả năng phòng thủ của SDF cũng như các đơn vị liên quan, thúc đẩy hợp tác với các tổ chức có liên quan và các nước khác, đồng thời tiếp tục nghiên cứu và phát triển công nghệ, chẳng hạn như sử dụng trí tuệ nhân tạo. Nhóm công tác cho rằng Nhật Bản sẽ thực thi quyền tự vệ nếu đất nước bị tấn công mạng hoặc xâm nhập tương tự từ một quốc gia khác.

Trong đề nghị ngân sách cho tài khóa 2019, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang tìm nguồn quỹ để tăng thêm 70 thành viên cho Nhóm Phòng thủ Mạng, tạo thành một đơn vị mạnh với 220 nhân lực, đồng thời nâng cấp kỹ năng chống tấn công mạng cho các thành viên, bằng cách tổ chức các buổi diễn tập trong “khu vực huấn luyện không gian mạng” đặc biệt giữa các thành viên SDF được chia thành nhóm tấn công và nhóm phòng thủ. Các chuyên gia ngoài lực lượng, thường gọi là “tin tặc mũ trắng”, sẽ được chiêu mộ thêm nhằm tăng cường sức mạnh đơn vị phòng thủ trên mạng. Bộ Quốc phòng sẽ sử dụng các chuyên gia như vậy trong 5 năm và mỗi người có thể được trả 20 triệu yen (177.000 USD) một năm, tương đương mức lương của Thứ trưởng Quốc phòng.

Tuy nhiên, Masatoshi Sato - một lãnh đạo của Nhóm Phòng thủ Mạng SDF - cho biết nhiều vấn đề cần được giải quyết trước khi Nhật Bản có thể trang bị khả năng tấn công mạng. Theo ông, các thành viên SDF có thể sẽ vi phạm nhiều luật khác nhau nếu đơn vị phòng thủ mạng cố định danh tin tặc tấn công hệ thống máy tính của SDF, rồi tiến hành phản công.

Theo diễn giải của chính phủ, nếu Nhật Bản là mục tiêu của một cuộc tấn công mạng như một phần của hoạt động quân sự, về mặt lý thuyết nước này có thể sử dụng vũ khí không gian mạng để tự vệ. Nhưng rắc rối sẽ xảy ra nếu cuộc tấn công mạng xảy ra trên quy mô nhỏ hơn một cuộc chiến toàn diện và không rõ tin tặc là một cá nhân hay một quốc gia thù địch. Chỉ ngăn chặn một cuộc tấn công mạng sẽ không có vấn đề, nhưng phản công hoặc thậm chí theo đuổi và xác định tin tặc trong thời bình sẽ vấp phải một số rào cản pháp lý. Điều 21 của Hiến pháp Nhật Bản không cho xâm nhập bí mật của mọi hình thức thông tin, trong khi Luật Hình sự quy định trừng phạt người nào tạo ra vi-rút máy tính, kể cả những người phòng vệ bằng cách thiết kế chương trình chống lại các tin tặc.

Dù vậy, chính phủ vẫn cho rằng Nhật Bản có thể thực hiện quyền tiến hành một cuộc phản công trong không gian mạng nếu đáp ứng 3 điều kiện mới trong Luật An ninh. Đó là: Cuộc tấn công (từ bên ngoài) đe dọa sự tồn tại của nước Nhật và gây ra mối nguy rõ ràng làm đảo ngược quyền cơ bản của người dân đối với cuộc sống, sự tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc; không có phương tiện thích hợp nào khác để đẩy lùi cuộc tấn công; và sử dụng vũ lực ở mức cần thiết tối thiểu.

Những vấn đề trên sẽ là một điểm tranh luận trong các cuộc thảo luận tại Quốc hội về NDPG mới trong tháng 12 này.

THANH TRÚC (Theo Mainichi Japan, Asahi Shimbun)

Nguồn Cần Thơ: http://baocantho.com.vn/nhat-ban-trang-bi-nang-luc-tan-cong-mang-a104402.html