Nhật Bản tụt 11 bậc trong bảng xếp hạng bình đẳng giới

Bất chấp cam kết của Thủ tướng Shinzo Abe là biến Nhật Bản thành một đất nước nơi phụ nữ tỏa sáng, quốc gia này đã tụt 11 bậc trên bảng xếp hạng bình đẳng giới toàn cầu năm 2019.

Nhật Bản lại tụt bậc trên bảng xếp hạng bình đẳng giới toàn cầu. Ảnh: AP

Nhật Bản lại tụt bậc trên bảng xếp hạng bình đẳng giới toàn cầu. Ảnh: AP

Dù ông Abe đã cam kết thay đổi nhưng khoảng cách giới vẫn là vấn đề hữu hình nhất trong nền chính trị Nhật Bản. Cuộc sống của phụ nữ Nhật Bản thua kém chị em ở nhiều nước, chẳng hạn như Angola, Benin, Trung Quốc và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), năm nay, Nhật Bản xếp thứ 121 trên 153 quốc gia trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tụt 11 bậc so với năm ngoái và thường trực ở vị trí cuối cùng trong nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Trong nhóm G7, Nhật Bản bị Italy bỏ xa (thứ 76). Quốc gia Đông Bắc Á này cũng đứng sau Trung Quốc (thứ 106) và Hàn Quốc (thứ 108).

Các số liệu do WEF công bố ngày 17/12 cho thấy Nhật Bản gần như đã xóa bỏ được sự khác biệt giữa nam – nữ trong lĩnh vực giáo dục và sức khỏe. Vấn đề nổi cộm hiện nay nằm ở sự phân biệt đối xử khi tham gia vào nền kinh tế và chính trị.

Chỉ chưa đầy 10% thành viên Hạ viện Nhật Bản là phụ nữ, trong khi con số này tại Thượng viện là 23%. Trên toàn cầu, tỷ lệ tham gia trung bình của phụ nữ trong quốc hội các nước là 25%. Nội các bao gồm 19 thành viên hiện nay của Tokyo cũng chỉ có 3 nữ chính khách, trong khi tỷ lệ trung bình của thế giới là 21%. Nhật Bản chưa từng có một nữ thủ tướng.

Tương tự, chỉ 15% vị trí lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn, doanh nghiệp ở Nhật Bản do phụ nữ nắm giữ. “Tôi thấy bản thân thật sự may mắn khi làm việc tại một công ty cam kết bình đẳng giới. Nếu ban quản lý không đảm bảo tôi được đối xử công bằng như các nam đồng nghiệp, tôi nghĩ tôi sẽ không làm ở đây”, Ayumi Kimura, 41 tuổi, nhân viên bán lẻ của một công ty xuất bản ở Tokyo chia sẻ.

Kimura cho biết vài năm gần đây, đất nước mình đã có sự thay đổi về cơ hội tuyển dụng đối với nữ giới cũng như đảm bảo thời gian nghỉ thai sản. Cô cho rằng phụ nữ Nhật Bản cần tiếp tục đòi quyền lợi hơn nữa. Tuy vậy, cô nhận xét thế giới chính trị ở Nhật Bản vẫn chưa cởi mở hơn với người phụ nữ.

Đồng quan điểm trên, bà Mieko Nakabayashi, cựu thành viên đảng Dân chủ Nhật Bản và hiện là Giáo sư ngành khoa học xã hội tại Đại học Waseda, đánh giá: “Nhật Bản làm rất tốt về giáo dục và chăm sóc sức khỏe, tuy nhiên chúng ta lại thực sự tụt dốc về quyền xuất hiện trong bộ máy chính trị của người phụ nữ. Các nước khác đã tăng số lượng nữ giới trong hệ thống chính trị, song Nhật Bản vẫn giậm chân tại chỗ”.

Trên thực tế, chính sách "Womenomics" của Thủ tướng Nhật Bản vẫn gặp nhiều trở ngại. Kết quả một cuộc thăm dò mới đây của hãng tin Reuters cho thấy 75% các doanh nghiệp Nhật Bản không có các cán bộ cấp cao là nữ giới, và phần đông cho biết phụ nữ chiếm chưa đến 10% các vị trí quản lý, qua đó cho thấy chính sách kinh tế trọng nữ "Womenomics" của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết tỷ lệ phụ nữ Nhật Bản đi làm vào năm 2016 là khoảng 66%, so với con số 56,7% ghi nhận năm 2000.

Xuân Chi/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/nhat-ban-tut-11-bac-trong-bang-xep-hang-binh-dang-gioi-20191218210146766.htm