Nhật Bản và mối lo chảy máu chất xám công nghệ

(TBKTSG Online) – Làn sóng các chuyên gia công nghệ Nhật Bản 'di cư' sang các công ty ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và nhiều nước châu Á khác, đang làm gia tăng mối lo ngại về nguy cơ ngành công nghệ cao của Nhật Bản giảm sút lợi thế cạnh tranh do tình trạng chảy máu chất xám, theo Nikkei Asian Review.

Hơn 1.000 chuyên gia công nghệ rời Nhật Bản

Các công ty công nghệ nước ngoài như Huawei và Samsung đã thu hút nhiều kỹ sư Nhật Bản đến làm việc nhờ trả lương cao. Ảnh: Reuters

Các công ty như Samsung Electronics (Hàn Quốc) và Huawei (Trung Quốc) tăng trưởng với tốc độ đáng kinh ngạc trong những năm gần đây khi họ “câu” được các chuyên gia công nghệ từ các đối thủ Nhật Bản như Panasonic và Hitachi về làm việc từ nhiều năm trước. Samsung Electronics thu hút các nhiều kỹ sư chip DRAM của Nhật Bản đến làm việc từ thập niên 1990 nhờ trả lương cao.

“Các chuyên gia với trình độ công nghệ cao đang rời bỏ Nhật Bản”, Ayano Fujiwara, nhà nghiên cứu cấp cao ở Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia Nhật Bản (NISTEP), cho biết.

Sau khi kiểm tra dòng luân chuyển nhân sự các công ty Nhật từ năm 1976 đến năm 2015, các nhà nghiên cứu của NISTEP xác nhận 490 chuyên gia công nghệ đã rời các công ty điện máy Nhật Bản để sang làm việc cho các đối thủ Hàn Quốc; trong khi đó, 196 người khác “đầu quân” cho các công ty Trung Quốc. 350 chuyên gia công nghệ Nhật Bản khác nữa gia nhập các công ty ở các nước và lãnh thổ châu Á khác như Thái Lan, Đài Loan.

Ít nhất 40% nhân sự tay nghề cao của ngành công nghệ Nhật Bản sang Hàn Quốc đến từ các công ty công nghệ đầu ngành ở Nhật Bản như Panasonic và Hitachi.

Phân tích dữ liệu bản quyền sáng chế công nghệ ở châu Á trong 40 năm qua cho thấy trong nhiều trường hợp tên các chuyên gia Nhật Bản ban đầu xuất hiện trong các bản quyền sáng chế từ các công ty Nhật Bản nhưng rồi sau đó tên của của những người này xuất hiện trên các bản quyền sáng chế từ các công ty nước ngoài. Con số hơn 1.000 chuyên gia công nghệ rời bỏ Nhật Bản chỉ tính các chuyên gia có trình độ cao đủ năng lực phát minh các công nghệ mới, vậy nên, con số nhân sự ngành công nghệ Nhật Bản “di cư” ra nước ngoài có khả năng cao hơn.

Chảy máu tài năng trẻ

Phần lớn nhân sự công nghệ Nhật Bản chuyển sang các công ty nước ngoài đều ở độ tuổi tương đối trẻ. Chẳng hạn, có hơn 90% nhân sự công nghệ Nhật Bản gia nhập các công ty Trung Quốc đều ở độ tuổi trên 40 trở xuống. Nhà nghiên cứu cấp cao Ayano Fujiwara cho biết đa phần họ đều là những chuyên gia công nghệ hàng đầu của Nhật Bản.

Làn sóng chuyên gia công nghệ Nhật Bản “di cư” đến Trung Quốc và Hàn Quốc bắt đầu mạnh dần lên vào thập niên 2000, đặc biệt là sau cú phát nổ của bong bóng dotcom (thuật ngữ ám chỉ giá trị của các công ty internet bị thổi phồng lên quá cao so với giá trị thực) ở Mỹ vào đầu thập niên và vụ phá sản của ngân hàng Lehman Brothers vào năm 2008. Trong thời kỳ này, nhiều công ty công nghệ Nhật gặp khó khăn và buộc phải cắt giảm nhân sự dẫn đến hàng loạt chuyên gia công nghệ ra nước ngoài làm việc.

“Có vài ngàn kỹ sư Nhật Bản làm việc ở Trung Quốc vào cuối thập niên 2000”, một chuyên gia săn đầu người của một công ty điện máy Nhật Bản, cho biết. Do vậy, con số hơn 1.000 chuyên gia công nghệ Nhật Bản ra nước ngoài làm việc do NISTEP đưa ra chỉ là một phần nổi của tảng băng.

Các công ty ở Hàn Quốc và Trung Quốc thường chào mời mức lương bổng và đãi ngộ hậu hĩnh để thu hút các chuyên gia công nghệ Nhật Bản, chẳng hạn như trả lương cao hơn so với ở Nhật Bản đồng thời cung cấp căn hộ sang trọng cho họ lưu trú.

Đầu tháng 9 vừa qua, công ty công nghệ Huawei gây xôn xao trên thị trường lao động Nhật Bản với thông báo tuyển dụng các sinh viên Nhật Bản vừa tốt nghiệp ngành kỹ thuật và khoa học với mức lương gần 4.000 đô la Mỹ/tháng, cao hơn mức mà các công ty Nhật Bản như Sony, Sharp đang trả.

Trong khi đó, một công ty săn đầu người rao mức lương lên đến 265.000 đô la Mỹ/năm để tuyển dụng kỹ sư Nhật Bản có kinh nghiệm sang làm việc ở một công ty bán dẫn tại Trung Quốc. Công ty này hứa hẹn sẽ thưởng khoảng 450.000 đô la Mỹ sau khi nhà máy đi vào vận hành.

Ngăn các công ty quan trọng rơi vào tay nước ngoài

Trong những năm gần đây, các công ty công nghệ Trung Quốc và Hàn Quốc phát triển nhanh chóng. Doanh thu của hãng điện tử Samsung đã tăng gấp đôi trong hơn một thập kỷ lên 177 tỉ đô la Mỹ vào năm 2016. Công ty công nghệ Huawei cũng chứng kiến doanh thu tăng gấp bốn lần trong 10 năm qua. Trong cùng thời gian đó, doanh thu của các hãng công nghệ Nhật Bản hầu như chỉ dao động không đáng kể.

Sức mạnh công nghệ ngày càng lớn mạnh của Hàn Quốc có thể làm chậm các hoạt động săn lùng nhân tài của Nhật Bản nhưng theo nhà nghiên cứu Fujiwara, những công ty đối thủ ở Trung Quốc và Đài Loan sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chiêu dụ các kỹ sư Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực kiểm soát chảy máu chất xám công nghệ. Ngày 1-10, các sửa đổi của Luật ngoại thương và giao dịch nước ngoài có hiệu lực ở Nhật Bản. Các sửa đổi này nhằm ngăn chặn ngành công nghệ cao của Nhật Bản có liên quan đến an ninh quốc gia bị các công ty nước ngoài thâu tóm. Luật này yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài phải thông báo trước cho Bộ Tài chính Nhật Bản nếu họ muốn mua cổ phiếu chưa niêm yết của các công ty Nhật Bản trong một số lĩnh vực quan trọng từ các nhà đầu tư nước ngoài khác. Nếu xét thấy khoản đầu tư này gây tổn hại đến an ninh quốc gia hoặc nền kinh tế Nhật Bản, Bộ Tài chính có quyền yêu cầu dừng việc mua bán. Nhật Bản cũng có các quy định xử phạt các kỹ sư Nhật Bản rò rỉ các công nghệ quan trọng trong nước khi làm việc cho các công ty nước ngoài nhưng các quy định này không thể ngăn chặn chuyên gia công nghệ Nhật Bản ra làm việc ở nước ngoài.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/165673/nhat-ban-va-moi-lo-chay-mau-chat-xam-cong-nghe.html