Nhật Bản xả nước thải hạt nhân ra biển có đe dọa môi trường?

Nhật Bản ra quyết định cuối cùng về việc xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển vì sự tích tụ trong các bể chứa đặt ra nhiều nguy cơ. Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải phản ứng trái chiều từ trong nước và quốc tế.

Vừa qua, chính phủ Nhật Bản đã cho phép xả thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Mặc dù Nhật Bản cho rằng vì đã qua xử lý nên việc xả thải là phù hợp với quy định quốc tế về môi trường nhưng vẫn vấp phải sự phản đối từ một số nước, thậm chí ngay trong nước.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Thủ tướng Nhật Bản, ông Suga Yoshihide cho rằng việc xả nước thải đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima là điều không thể tránh khỏi, và cũng là để khôi phục lại cuộc sống tại nơi đây. Nước thải ra là nước đã qua xử lý sau khi pha loãng tới nồng độ dưới mức quy định của Nhật Bản.

Thủ tướng Suga cho biết thêm, việc này khiến ngư dân và một số người khác phản đối do lo ngại tác hại bởi tin đồn.Tuy nhiên, chính phủ cần đối mặt với vấn đề này thật nghiêm túc và sẽ có những giải thích thỏa đáng cho cộng đồng quốc tế và người dân trong nước.

Nước thải phát sinh từ nhà máy điện hạt nhân bị hư hại nói trên được chứa trong các bồn đặt trong khuôn viên nhà máy, dự kiến sang năm sẽ không còn chỗ chứa. Theo các chuyên gia Nhật Bản, nước thải được xử lý bằng Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) để loại bỏ hầu hết các chất phóng xạ, tuy vẫn còn chất phóng xạ triti. Nồng độ triti sẽ được làm loãng bằng 1/40 so với tiêu chuẩn quy định trong nước, và bằng khoảng 1/7 so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới về nước uống.

Chính phủ Nhật Bản sẽ yêu cầu đơn vị chủ quản nhà máy là TEPCO chuẩn bị thiết bị cần thiết để sau khoảng 2 năm nữa có thể bắt đầu xả nước đã qua xử lý.

Triti là chất phóng xạ sản sinh trong quá trình hoạt động bình thường của các nhà máy điện hạt nhân. Chất này sẽ được pha loãng rồi xả ra biển hoặc cho bay hơi dựa trên tiêu chuẩn của chính phủ mỗi nước.

Các chuyên gia Nhật Bản cũng cho biết thêm rằng, nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 từng xả triti ra biển vào năm 2010. Bên cạnh đó, các cơ sở hạt nhân trên thế giới như nhà máy điện hạt nhân Vịnh Đại Á của Trung Quốc, nhà máy Callaway tại Mỹ, nhà máy điện Darlington của Canada đã xả thải thứ tương tự ra biển.

Theo giới chức Nhật Bản, toàn bộ quá trình xả thải ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima dự kiến kéo dài cả thập niên. Trung Quốc phản đối kịch liệt quyết định này của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng vậy. Không chỉ một số nước trên thế giới phản đối, ngay cả Bộ Nông lâm, Ngư nghiệp của Nhật Bản cũng phản đối việc xả thải. Chính vì lẽ đó Nhật Bản sẽ có động thái đưa ra những chứng cứ khoa học chứng minh về độ an toàn cho phép đối với nước xả thải ra biển.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng đã hoan nghênh quyết định của chính phủ Nhật Bản và đánh giá đây là cột mốc quan trọng sẽ giúp mở đường để đạt tiến triển hơn trong công tác tháo dỡ nhà máy Fukushima. Đồng thời khẳng định, phương pháp mà Nhật Bản lựa chọn vừa khả thi về mặt kỹ thuật, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc xả nước một cách có kiểm soát ra biển được các nhà máy điện hạt nhân đang vận hành trên khắp thế giới, thực hiện thường xuyên dựa trên tiêu chuẩn môi trường và an toàn nghiêm ngặt. Để đảm bảo an toàn và minh bạch, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế sẽ cử nhóm đánh giá an toàn đến Nhật Bản để giám sát việc xả thải.

Trong khi đó, trong một phát ngôn ngày hôm qua (15/4), Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu đã hoan nghênh việc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế tiến hành giám sát, điều tra mang tính khoa học việc xả thải. Nhật Bản sẽ giải thích cặn kẽ dựa trên những chứng cứ khoa học có tính minh bạch đối với những nước phản đối bao gồm Hàn Quốc và Trung Quốc./.

Bùi Hùng/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nhat-ban-xa-nuoc-thai-hat-nhan-ra-bien-co-thuc-su-de-doa-moi-truong-850552.vov