Nhật Bản xem xét chấp thuận Bitcoin ETF, tiền mật mã được hỗ trợ

Thị trường tiền mật mã diễn biến tích cực trở lại trong 24 giờ qua, với 9 trong số 10 đồng tiền mật mã có vốn hóa lớn nhất ghi nhận sắc xanh, với mức tăng từ 0,78% đến 11,79%. Việc Nhật Bản xem xét chấp thuận hình thức quỹ Bitcoin ETF đã tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư.

Giá thấp sẽ thu hút dòng tiền từ các tổ chức

Các đồng tiền tăng mạnh nhất có đồng NEO tăng mạnh nhất đến 11,79%, lên mức 9,67 USD, kế tiếp là đồng TRON tăng 3,96% lên 0,02 USD. Đồng ZCash và đồng XRP đều tăng tích cực quanh 1,33% lên tương ứng 61 USD và 0,37 USD. Đồng Bitcoin Cash cũng tăng 0,93% lên gần 161 USD. Trong số 10 đồng tiền vốn hóa lớn nhất, chỉ riêng đồng Tether (USDT) giảm 0,99%.

Trong khi đó, đồng tiền mật mã lớn nhất thế giới là Bitcoin tăng 1,09% lên 4.072 USD. Trong sáng nay, Bitcoin vẫn đang dao động quanh vùng 4.050 USD/BTC. Đồng tiền lớn thứ hai thế giới là Ether cũng tăng 2,4%, lên mốc 153 USD. Đồng EOS tăng 2,14% lên 2,87 USD trong khi đồng Litecoin tăng 2,11% lên 39 USD.

Với sự đi lên của các đồng tiền vốn hóa lớn đã giúp tổng vốn hóa toàn thị trường tiền mật mã tăng lên hơn 138 tỷ USD, trong đó vốn hóa của Bitcoin vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất ở 51,2%, tương ứng 70,7 tỷ USD; kế tiếp là đồng Ether 11,4%, XRP xếp thứ 3 tại 11,2%, Bitcoin Cash là 2,1% và EOS gần 1,9%. Các đồng tiền còn lại có tổng vốn hóa chiếm tỷ trọng 22,1%, tương ứng gần 30,6 tỷ USD.

Đáng lưu ý là trong khi bitcoin vẫn đang quanh quẩn ở mốc 4.000 USD/ BTC, được xem là mức thấp gần đây, thì các đồng tiền mật mã khác đã vượt trội hơn nhiều, với một số đồng tiền tăng tới 50% từ mức thấp trước đó. Điều này đã làm giảm tỷ trọng vốn hóa của Bitcoin từ 55,1% củ 1 tháng trước đó xuống chỉ còn 51,2% như đã nói.

Các hợp đồng Bitcoin kỳ hạn có diễn biến trái chiều trong phiên hôm qua. Hợp đồng Bitcoin kỳ hạn tháng 2 trên sàn CBOE tăng nhẹ 0,4% lên 3.985 USD, trong khi hợp đồng tương tự trên sàn CME giảm nhẹ 0,1% xuống 3.970 USD.

Jimmy Song, giảng viên lập trình tại Blockchain LLC, cho biết mặc dù nhiều nhà đầu tư đã trở nên chán nản, thì ông nghi ngờ rằng giá tiền mật mã lao dốc xuống mức thấp sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền từ các tổ chức mới.

Ông viết: “Chúng tôi đang bước vào một thời kỳ mới với Bitcoin. Nhiều “tay chơi” tổ chức đã nói rằng họ đang nghiên cứu và thực hiện các kiểm nghiệm đầu tư một cách công khai trong thị trường này . Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ rằng một số quỹ phòng hộ và các tổ chức khác sẽ tiếp tục đầu tư trong giai đoạn giá thấp như hiện nay”.

Nhật Bản chấp thuận Bitcoin ETF

Trong khi đó vào ngày 07/01 vừa qua, các báo cáo cho thấy Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) của Nhật Bản đang xem xét phê duyệt quỹ giao dịch hoán đổi Bitcoin (Bitcoin ETF) đầu tiên của nước này. Giới quan sát đang kỳ vọng sự chấp thuận đến từ Nhật Bản sẽ có những ảnh hưởng đến quyết định củ Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) trong thời gian tới.

Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) của Nhật Bản đang xem xét phê duyệt quỹ Bitcoin ETF đầu tiên của nước này

Hiện tại xác suất thông qua Bitcoin ETF tại Hoa KỲ vào tháng 2 tới vẫn còn thấp. Ủy viên Hester Peirce của SEC trước đây đã nói rằng các nhà đầu tư không nên trông chờ vào Bitcoin ETF vì có thể mất nhiều ngày hoặc nhiều năm để ủy ban phê duyệt nó.

Trước đó trong nửa cuối năm 2018, SEC đã từ chối 12 Bitcoin ETF do cặp song sinh Winklevoss và ba công ty khác đệ trình (1 ETF của VanEck sau đó đã được xem xét lại). Tất cả 11 hồ sơ đã bị SEC từ chối vì tin rằng cả sàn giao dịch và thị trường tương lai đều không có quy mô đáng kể. ETF của VanEck sử dụng dữ liệu từ thị trường giao dịch tự do (OTC), nơi được cho là có quy mô lớn hơn thị trường sàn giao dịch tiền mật mã về khối lượng và hoạt động giao dịch.

Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malta và các khu vực khác đã thực hiện các chính sách nghiêm ngặt về KYC và phòng chống rửa tiền (AML), giám sát các giao dịch đáng ngờ và không cho phép các tài khoản ẩn danh giao dịch tiền điện tử. Vào cuối tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch của SEC – Jay Clayton nói rằng các biện pháp bảo vệ và công nghệ để ngăn chặn các giao dịch đáng ngờ là không tồn tại ở thị trường nước ngoài.

Với sự dẫn đầu của Nhật Bản và động thái của G20 về việc điều tiết và quản lý thị trường tiền mật mã, nhiều thị trường tài sản Bitcoin và tiền mật mã lớn đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ khác nhau. Một số khu vực như Hàn Quốc đã thực hiện các quy tắc chặt chẽ hơn so với Hoa Kỳ, đặc biệt về việc cấm người nước ngoài và các cá nhân không xác định giao dịch tiền mật mã với đồng won.

Dù vậy, nếu Bitcoin ETF được chấp thuận tại Nhật Bản trước Hoa Kỳ thì điều này có khả năng khiến chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận Bitcoin ETF tại thị trường nước này. Hiện nay, Nhật Bản vẫn là quốc gia duy nhất tích hợp chương trình cấp giấy phép hoạt động của chính phủ cho sàn giao dịch tiền mật mã, khi chỉ cho phép một số ít các sàn giao dịch tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành được hoạt động trong nước.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/nhat-ban-xem-xet-chap-thuan-bitcoin-etf-tien-mat-ma-duoc-ho-tro-153256.html