Nhật cho nổ trên thiên thạch để nghiên cứu nguồn gốc Hệ Mặt Trời

Cơ quan không gian Nhật Bản ngày 18/3 cho biết tàu vũ trụ Hayabusa2 sẽ kích hoạt thiết bị nổ trên bề mặt thiên thạch Ryugu, tạo khe nứt để thu thập các mẫu vật dưới bề mặt.

Cơ quan Khám phá Không gian Nhật Bản (JAXA) cho biết thiết bị nổ có kích thước bằng quả bóng chày, nặng khoảng 2 kg, thả lên bề mặt thiên thạch Ryugu vào ngày 5/4, theo Japan Times.

Thiên thạch này có đường kính khoảng 900 m và đang ở cách Trái Đất gần 300 triệu km. Tên thiên thạch được đặt theo một cung điện dưới biển trong truyền thuyết Nhật Bản.

Các nhà khoa học muốn tạo một khe nứt trên bề mặt thiên thạch, qua đó thu thập thêm những mẫu vật dưới lớp bề mặt và chưa chịu tác động của ánh mặt trời hoặc các loại tia vũ trụ khác. Những mẫu vật này có thể là manh mối để các nhà khoa học hiểu thêm về nguồn gốc và sự hình thành của Hệ Mặt Trời.

Bóng của tàu vũ trụ Hayabusa2 in trên bề mặt thiên thạch Ryugu. Ảnh: JAXA.

Bóng của tàu vũ trụ Hayabusa2 in trên bề mặt thiên thạch Ryugu. Ảnh: JAXA.

Tàu vũ trụ Hayabusa2 hoàn thành sứ mệnh lịch sử khi hạ cánh thành công trên thiên thạch Ryugu vào ngày 22/2.

Tàu thăm dò cũng đã thu thập được một số mẫu cát trên bề mặt thiên thạch trong thời gian hoạt động. Các nhà khoa học sử dụng biện pháp bắn một phi đạn 5 gram làm bằng tantalum để phân tán lớp bụi bề mặt vào vũ trụ. Tàu Hayabusa2 chỉ thu ngắn khoảng cách để thu thập mẫu vật trước khi tăng cao độ trở lại.

Sứ mệnh sắp tới của tàu Hayabusa2 sẽ có nhiều rủi ro hơn. Tàu phải di chuyển nhanh sang bề mặt còn lại sau khi thả thiết bị nổ, tránh va chạm với các mảnh vỡ thiên thạch.

"Sứ mệnh này sẽ vô cùng thách thức", kỹ sư Takanao Saeki cho biết.

Sứ mệnh lần này sẽ cho phép các nhà khoa học JAXA phân tích chi tiết lịch sử hình thành của thiên thạch Ryugu, theo lãnh đạo dự án Hayabusa2 ông Koji Wada.

Theo kế hoạch, tàu vũ trụ sẽ thu ngắn khoảng cách với Ryugu một ngày trước khi sứ mệnh bắt đầu. Hiện tàu cách thiên thạch khoảng 20 km. Thiết bị nổ sau khi rời tàu vũ trụ sẽ di chuyển với vận tốc khoảng 2 km/giây trước khi va chạm với mục tiêu.

Các nhà khoa học tại JAXA ăn mừng lần hạ cánh thành công của Hayabusa2 trên thiên thạch Ryugu ngày 22/2. Ảnh: Kyodo.

Các chuyên gia JAXA ước tính khe nứt được tạo ra từ vụ nổ sẽ rộng khoảng 10 m và sâu gần 1 m, với điều kiện dưới lớp bề mặt là đất mềm. Trong trường hợp địa hình là đất đá, khe nứt sẽ có kích thước nhỏ hơn.

Nếu sứ mệnh này thành công, Hayabusa2 sẽ là tàu vũ trụ đầu tiên thu gom được mẫu vật dưới lớp bề mặt của một thiên thạch, theo chuyên gia Takashi Kubota. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) của Mỹ năm 2005 từng ghi nhận một vụ va chạm thiên thạch nhưng không cho tàu vũ trụ thu thập mẫu vật.

Tàu Hayabusa2 dự kiến rời khỏi thiên thạch Ryugu vào cuối năm 2019 và mang các mẫu vật về Trái Đất vào cuối năm 2020 để nghiên cứu.

Tàu vũ trụ mắc kẹt gần 50 năm sắp rơi xuống Trái Đất Tàu vũ trụ thăm dò Kim tinh được Liên Xô phóng vào năm 1972 có thể rơi xuống Trái Đất trong năm nay, sau gần nửa thế kỷ mắc kẹt trên quỹ đạo hành tinh này.

Lê Thanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhat-cho-no-tren-thien-thach-de-nghien-cuu-nguon-goc-he-mat-troi-post926886.html