Nhật hoàng sắp lên ngôi và những lần phá vỡ truyền thống hoàng gia

Thái tử Naruhito, sẽ lên ngôi Nhật hoàng vào ngày 1/5, là người nghiêm túc, hiếu học và lãng mạn trong tình yêu với nhiều lần phá vỡ truyền thống hoàng gia.

Nhà vua Akihito vừa thoái vị vào ngày 30/4 và là hoàng đế Nhật Bản đầu tiên thoái vị trong hơn 200 năm tại nước này. Ngày 1/5, Thái tử Naruhito sẽ lên ngôi trở thành Nhật hoàng thứ 126, chính thức bắt đầu triều đại mới mang tên Lệnh Hòa.

Được biết đến như một người đàn ông nghiêm túc, hiếu học và lãng mạn trong tình yêu, Thái tử Naruhito nhận được nhiều sự chú ý khi bước lên "ngai vàng hoa cúc" với lịch sử từng nhiều lần phá vỡ truyền thống hoàng gia, theo Reuters.

Thái tử Naruhito sẽ lên ngôi Nhật hoàng ngày 1/5. Ảnh: AFP.

Thái tử Naruhito sẽ lên ngôi Nhật hoàng ngày 1/5. Ảnh: AFP.

Thái tử Naruhito, 59 tuổi, sẽ không chỉ là hoàng đế Nhật Bản đầu tiên sinh ra sau Thế chiến 2 và là người đầu tiên chỉ được cha mẹ nuôi dưỡng, mà còn sẽ là Nhật hoàng đầu tiên tốt nghiệp đại học và du học nước ngoài.

"Khi nghĩ về những gì sắp diễn ra, tôi cảm thấy rất long trọng, tôn nghiêm", Thái tử Naruhito nói trong cuộc họp báo nhân ngày sinh nhật vào tháng 2.

Selfie với người dân

Thái tử Naruhito là con cả trong gia đình và thay vì được các y tá và vú nuôi chăm sóc theo truyền thống, ông được nuôi nấng bởi chính mẹ của mình, Hoàng hậu Michiko. Thậm chí, hoàng hậu còn tự tay làm đồ ăn trưa cho ông mang đến trường khi còn đi học. Đây được cho là nỗ lực của hoàng gia để trở nên gần gũi hơn trong mắt dân chúng.

Là sinh viên ngành giao thông đường thủy ở châu Âu, Nhật hoàng Naruhito dành hai năm theo học tại Đại học Oxford, Anh, quãng thời gian được ông miêu tả là những năm tuyệt vời nhất trong cuộc đời.

Thái tử Naruhito (trái) và cha, Nhật hoàng Akihito. Ảnh: AFP.

Nhiều người cho rằng Thái tử Naruhito có nét tính cách rất "vui tươi". Ông từng chụp ảnh "tự sướng" (selfie) với người dân khi đến thăm Đan Mạch vài năm trước.

Hết lòng vì gia đình

Thái tử Naruhito từng thách thức các quan chức hoàng gia để kết hôn với người vợ Masako Owada, hiện 55 tuổi. Hai người gặp nhau lần đầu tiên tại một buổi hòa nhạc năm 1986. Tại thời điểm đó, Thái tử phi Masako thông thạo nhiều ngôn ngữ và vừa trải qua kỳ thi điều kiện để trở thành nhà ngoại giao.

Thái tử Naruhito phải mất nhiều năm để chinh phục trái tim vợ mình, bởi lúc đầu bà đã vài lần từ chối ông. Cả hai tổ chức hôn lễ vào năm 1993.

Cuối năm 2003, một thập kỷ sau đám cưới, Thái tử phi Masako gần như biến mất trước công chúng. Khi đó, bà bắt đầu phải đấu tranh lâu dài với tình trạng gọi là "sự rối loạn thích nghi", theo mô tả của các quan chức trong cung điện.

Nguyên nhân là cuộc sống căng thẳng trong cung điện cũng như áp lực buộc bà phải sinh được con trai để thừa kế ngôi vị. Trong những năm gần đây, Thái tử phi Masako xuất hiện nhiều hơn trước công chúng.

Thái tử Naruhito và vợ trong đám cưới năm 1993. Ảnh: AFP.

Trong quá khứ, Thái tử Naruhito từng khiến cả nước Nhật bất ngờ khi mạnh mẽ lên tiếng để bảo vệ vợ mình. Ông nói rằng bà "đã hoàn toàn kiệt sức" khi cố gắng thích nghi với tình cảnh, trong khi lại có nhiều động thái "phủ nhận sự nghiệp và tư cách của cô ấy".

Phản ứng trước tuyên bố của Thái tử Naruhito, em trai ông đã lên tiếng chê trách và Nhật hoàng Akihito, người giờ đây đã trở thành thượng hoàng, cũng lên tiếng bày tỏ thái độ không hài lòng.

Là hoàng đế Nhật Bản đầu tiên trong thời hiện đại không có con trai, Thái tử Naruhito hết lòng vì con gái Aiko, hiện 17 tuổi. Ông cũng ủng hộ việc đàn ông Nhật nên tích cực tham gia vào công việc gia đình và giáo dục con cái, trở thành những người cha thực thụ. Quan điểm này hiện vẫn chưa phổ biến do sự bảo thủ của xã hội Nhật Bản.

Quan điểm khác biệt

Thái tử Naruhito cũng nổi tiếng với việc ủng hộ các hoạt động vì môi trường. Ông từng tham gia nhiều hội nghị quốc tế về nước sạch. Vào năm 2015, ông có bài phát biểu trước hội đồng cố vấn về nước và vệ sinh dịch tễ có liên kết với Liên Hợp Quốc. Nhật hoàng sắp lên ngôi cũng từng bày tỏ ý muốn đóng góp vào công tác chống biến đổi khí hậu.

Nhà vua Akihito cùng con cháu. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, Thái tử phi Masako nhiều lần cho biết bà quan tâm đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bao gồm cả những trường hợp bị lạm dụng hoặc sống trong cảnh nghèo đói ở Nhật Bản.

"Khi nghĩ về những ngày sắp tới, tôi không biết mình có thể giúp ích được những gì. Nhưng sau khi đồng hành cùng hoàng gia trong suốt những năm qua, và chờ đợi sự lèo lái của hoàng tộc trong tương lai, tôi sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ thái tử và cống hiến cho hạnh phúc của người dân Nhật Bản", bà Masako nói trong bài diễn văn nhân dịp sinh nhật năm 2018.

Hương Ly

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhat-hoang-sap-len-ngoi-va-nhung-lan-pha-vo-truyen-thong-hoang-gia-post941402.html