Nhật ký của cha

'Tối nay cha không về hả mẹ ?' … Huy ngây thơ nắm chặt tay áo mẹ với câu hỏi ngây ngô trong khi những cơn gió giao mùa lạnh buốt đang thổi ào ào ngoài kia, nơi khung cửa sổ quen thuộc cha hay nắm tay cậu ngắm nhìn ánh nắng mỗi khi bình minh lên…

Cha quen mẹ trên một chuyến xe buýt giữa những ánh nắng gay gắt của một buổi chiều oi ả tại thủ đô. Khoác trên mình bộ quân phục, chiếc mũ kê-pi và chiếc ba lô nặng trĩu những sách vở và giấy tờ, cha bắt gặp đôi mắt dịu dàng của cô gái lẫn trong đám đông chật như nếm cối chen chúc nhau trên xe buýt. Bản tính nhút nhát khiến cha không dám làm quen một cô gái dễ thương là mẹ. Chiếc xe vẫn chầm chậm đi qua những cung đường ồn ã với dòng xe hối hả, bất chợt gặp khúc cua gấp, xe rung lắc mạnh… Có tiếng hét thất thanh vì giật mình của ai đó phía sau, cha loạng choạng nắm chặt cột chống và cố giữ thăng bằng, vừa lúc ấy mẹ đổ nhào về phía cha. Cha nắm lấy đôi vai bé nhỏ cho mẹ khỏi ngã. Lúc ấy hai cặp mắt hoảng hốt chạm nhau. Mẹ là cô gái có thân hình mảnh khảnh, khi ấy mẹ mặc một chiếc áo sơ mi trắng, chiếc quần ka-ki, lọn tóc đen nhánh thắt gọn gàng phía sau và đi đôi xăng-đan vừa phải. Khuôn mặt mẹ không trang điểm nhưng vẫn ánh lên nét dịu dàng dễ mến… Cha ngại ngùng rụt tay lại, đỏ chín mặt… Mẹ e thẹn cười bẽn lẽn… Ngày cha mẹ quen nhau trôi qua yên bình và đáng nhớ như vậy đó.

Phút giải lao trên bãi tập của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 692, Sư đoàn 301 (Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội). Ảnh minh họa/hanoimoi.com.vn

Ở đơn vị, cha ít khi được ra ngoài thăm mẹ nên những giây phút cha khấp khởi được gặp mẹ sau những ngày học tập thật bình dị, quý giá biết nhường nào. Có lần, cha dành cả tháng phụ cấp để mua cho mẹ chiếc áo mùa đông ấm áp, ngồi chờ cả buổi sáng ngày nghỉ để gặp mẹ, tay bồn chồn với chiếc áo bên cạnh. Gọi điện không thấy hồi đáp. Đến gần trưa… sau gần 30 cuộc gọi, cha mới thấy mẹ nghe điện thoại cùng giọng nói run run khó hiểu: “Em bận mất rồi, không vào thăm anh được! Em xin lỗi!”.

Cha giận mẹ… Cha vùng vằng bỏ về trong ánh nắng chói chang… Mãi sau này cha mới biết một sự thật: Hôm ấy mẹ vội vã trên đường đến thăm cha trong đơn vị, khi qua đường bị lạng tay lái và ngã xe, một bên chân thâm tím. Mẹ không dám nói để cha lo lắng mà nén đau, quay xe trở về… Cha tự trách mình vô tâm lần thứ nhất!

Có lần được nghỉ phép, cha chờ mẹ đi làm thêm về… Bóng tối dần buông mà bóng dáng nhỏ xinh của mẹ vẫn bặt tăm. Bỗng điện thoại reo, cha vội vã nhấc máy. “Anh! Địa chỉ tiệm sửa xe nhà anh Hải là gì ạ?”, mẹ hỏi. Cha khẽ trách: “Sao có số điện thoại mà em cứ quên hoài vậy? Anh nhắn tin cho em mấy lần rồi còn gì?”.

Tối hôm đó, mẹ về muộn, cha đứng chờ dưới sân với ánh đèn leo lét, những cơn gió mùa đông vần vũ thổi lạnh buốt. Cha trách: “Sao em làm gì mà về muộn vậy? Có cái địa chỉ sửa xe quen thuộc mà vẫn cứ quên mãi là sao?”. Mẹ lý nhí nói: “Em xin lỗi, em đi mua găng tay cho anh vì sợ mùa đông anh hay ra mồ hôi tay sẽ lạnh! Đi về thì xe bị hỏng, em lại quên mất địa chỉ tiệm sửa chữa…”. Cha ấp úng không thành lời vì hối hận… Cha bước đến ôm chặt lấy dáng người nhỏ bé mảnh khảnh của mẹ mặc kệ cơn gió mùa đông vẫn đang nhảy múa trên cao… Cha tự trách mình vô tâm lần thứ hai!

Mẹ rất sợ bóng tối lại còn thuê trọ ở một mình. Có đêm thành phố mưa rào tầm tã, phòng trọ mẹ mất điện, mẹ sợ hãi co ro nơi góc phòng. Ngoài kia tiếng sấm ầm ầm gào thét, mẹ vội vã gọi điện cho cha trong nỗi sợ vô hình. Cha thức đến nửa đêm nói chuyện để mẹ ngủ quên, quên luôn cả nỗi sợ đang lẩn khuất trong tâm trí…

Ngày hạnh phúc của cha và mẹ cũng đến… Rồi ngày cha bối rối xen lẫn lo âu đứng tần ngần cả đêm ngoài phòng sắp sinh, bế trên tay Huy bé bỏng đỏ hỏn, bất chợt Huy mỉm cười với cha sau tiếng khóc chào đời. Mẹ mệt mỏi, mái tóc rũ rượi, nuốt khó nhọc từng thìa cháo mà cha dành cả tình yêu chân thật của người lính dành cho mẹ. Vết sẹo trên bụng mẹ sau lần sinh Huy vẫn nguyên vẹn hình dạng cho đến tận bây giờ. Huy lớn dần theo năm tháng, đôi mắt trong trẻo, tiếng nựng nịu dễ thương, mái tóc lơ thơ và đôi môi chúm chím của cậu con trai yêu khiến cha quên hết mệt mỏi sau mỗi giờ làm việc ở cơ quan. Cha bế Huy trên tay như nâng niu một cành hoa bé nhỏ mùa xuân.

Năm lên 5 tuổi, Huy thường nắm tay cha ra ngoài cánh đồng xem thả diều. Những con diều no gió căng phồng bay cao tít tắp nhỏ xíu trên không trung. Cha bế bổng Huy lên đôi vai, tiếng cười của Huy giòn tan hòa lẫn tiếng gió xào xạc…

Có những đêm Huy khóc ngặt vì sốt cao, cha nhẹ nhàng để mẹ yên giấc và cứ thế “sàng sỏi” như chiếc nôi giữa nhà, bồng con trong vòng tay để Huy không khó chịu. Cơn sốt qua đi, Huy cười tươi rói nhưng cha như hao gầy thêm đôi phần…

Những dòng nhật ký yêu thương mà cha dành tặng cho mẹ, dành tặng cho Huy xen lẫn những lặng thầm miệt mài trong công việc của người lính mà cha đang mang bên mình chưa bao giờ kể… Huy chỉ được biết khi cha để quên nhật ký trên giá sách lần đầu tiên… Huy đọc say sưa, những giọt nước mắt trong veo của Huy nhẹ lăn dài trên đôi má. Với cha, Huy và Mẹ là “hai mặt trời nhỏ”, là niềm hy vọng và tương lai mà cha vẫn đang vì thế mà nỗ lực trong cuộc sống dù còn bề bộn, dù còn khó khăn bủa vây phía trước…

Ánh bình minh dần ló rạng báo hiệu một ngày mới quay về sau bóng tối, Huy đang mải miết trên chiếc bàn học với cuốn tập nhỏ xinh và những dòng chữ đều như hạt bắp… Có bóng dáng ai đó quen thuộc đứng phía sau Huy, mùi mồ hôi quen thuộc, cảm giác yêu thương tràn ngập trong tâm trí cậu. Và cái nhấc bổng thân hình nhỏ bé của Huy bằng đôi tay rắn rỏi như bao lần ấy… Huy reo lên sung sướng…

“A! Cha về rồi!!!”

Tản văn của BÙI ĐỨC QUÝ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nhat-ky-cua-cha-593006