Nhật ký của một liệt sĩ: 'Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau'Kỳ 1: 'Hẹn em ngày giải phóng quê hương'

Thật ra, cũng chẳng riêng xứ Trảng, lớp lớp thanh niên lớn lên khi quân thù giày xéo non sông gấm vóc, không ai có thể thờ ơ. Tình yêu đôi lứa vừa chớm nở nhưng trong điều kiện lịch sử, như lời tâm tình của anh với người bạn nữ 'tình cảm riêng tư chúng ta xin tạm gác'.

… “Chiến tranh đi, bao người ngã xuống/ Hòa bình rồi, nghe tiếng anh đâu/ Mẹ già giờ đã bạc đầu/ Đêm khuya vẫn tiếng ầu ơi con à/ Đất nước gọi, anh ra tiền tuyến…”. Mười hai năm trước, trong lần đi công tác, chúng tôi may mắn được tiếp xúc với cuốn nhật ký của một liệt sĩ. Anh tên Nguyễn Tấn Hiệp, sinh năm 1946 tại xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng (nay là thị xã Trảng Bàng).

Năm 1966, sau nhiều lần thuyết phục gia đình, anh Hiệp quyết định từ bỏ mái trường để cầm súng chiến đấu giải phóng quê hương. Trong thời gian tham gia kháng chiến, anh bộ đội Nguyễn Tấn Hiệp có ghi lại những dòng nhật ký ở chiến trường. Đọc những trang nhật ký, dễ nhận thấy suy nghĩ, tâm tư tình cảm của người thanh niên Nguyễn Tấn Hiệp cũng là suy nghĩ chung của thanh niên xứ Trảng lúc bấy giờ.

Thật ra, cũng chẳng riêng xứ Trảng, lớp lớp thanh niên lớn lên khi quân thù giày xéo non sông gấm vóc, không ai có thể thờ ơ. Tình yêu đôi lứa vừa chớm nở nhưng trong điều kiện lịch sử, như lời tâm tình của anh với người bạn nữ “tình cảm riêng tư chúng ta xin tạm gác”.

Trân trọng cảm ơn gia đình liệt sĩ đã tạo điều kiện cho chúng tôi được tiếp xúc với cuốn nhật ký này.

Những dòng nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Tấn Hiệp.

Những dòng nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Tấn Hiệp.

Ngày 1.1.1966.

Kể từ đây tôi rời bỏ mái trường, vương vấn của tôi là tình yêu. Lúc bấy giờ điều này khiến tôi rất buồn. Nhưng vì đã giác ngộ cách mạng, tôi có suy nghĩ tính toán nhiều về đường đời, ra đi là hy sinh cho đất nước. Thế rồi từ đó tôi ra đi. Giờ tạm biệt nào riêng ta. Biết bao người còn khổ như ta. Quân thù còn đó ta còn đó ta nào vui đâu.

Hôm nay là mùa đông. Đông đến đông tàn xuân sắp về, giữa lúc mọi người đang nô nức đón xuân sang, ánh sáng ban mai tỏa xuống những cánh đồng lúa chín bát ngát. Thanh niên nam nữ hớn hở ra đồng tạo nên một cảnh đẹp và vui nhộn của buổi sáng mùa xuân. Riêng tôi suốt một tuần nay chả lúc nào được vui.

Lúc nào tôi cũng suy nghĩ. Một buổi sáng tôi lấy xe đạp đến trường, gặp em, em nhìn tôi với vẻ lo lắng và hỏi: Sao buồn vậy anh? Tôi vẫn im lặng. Có tâm sự buồn sao anh không nói cho em biết? Anh buồn vì chúng ta sắp xa nhau.

Anh sẽ ra đi không hẹn ngày trở lại. Em băn khoăn: tại sao chúng ta lại xa nhau đột ngột như vậy anh? Điều đó rồi đây em sẽ hiểu. Em nhìn tôi và em khóc nhiều lắm. Tôi đành an ủi em: hẹn gặp em ngày giải phóng quê hương, tình cảm riêng tư chúng ta xin tạm gác.

Ngót một năm trời ròng rã, xin ba má đi tham gia cách mạng nhưng nào có ai cho. Tranh thủ mãi về sau này má mới nhất trí, còn ba, ông không phải không cho mà chỉ hẹn dần dần. Không phải ba má tôi không giác ngộ, chỉ sợ rằng tôi đi không nổi, hơn nữa gia đình sợ tôi hy sinh, vì tôi là con trai độc nhất của gia đình.

Nhưng đối với tôi thì không thể được, đời chỉ có một lần chết, bạn bè chung quanh đều đi cả, chỉ riêng tôi ngày hai buổi cắp sách tới trường, điều này tôi cảm thấy hổ thẹn nhiều. Những đứa bạn đi có dịp về thăm nhà, khoác trên vai một khẩu súng, nó chẳng cần hỏi đến tôi, có lẽ nó cho rằng tôi cầu an.

Nghĩ vậy tôi buồn và tức lắm. Đều là thanh niên sống trong thời lửa đạn, tại sao tôi lại thua họ? Thực chất không phải vậy, có những điều họ chưa hiểu được tôi. Suy nghĩ như vậy tôi quyết định phải ra đi. Mặt khác, các chị các em, bà con động viên tôi nhiều, từ đó tôi quyết định trốn gia đình ra đi.

11.1.1966.

Tất cả đồ đạc tôi chuẩn bị đầy đủ, chỉ còn khoác ba lô lên vai là đi thôi. Hôm nay tôi đến trường để từ giã bạn bè và em lần cuối cùng, cuộc đời học sinh của tôi chấm dứt từ đây, có lẽ đời tôi không bao giờ tìm lại được giây phút này nữa. Tôi cũng luyến tiếc lắm.

Đời có lúc nào vui thú vị và sung sướng như tuổi học trò? Tôi lại có người yêu học cùng trường. Biết tôi đến từ giã mái trường, bạn bè vây quanh đông lắm. Nhưng tất cả điều đó đối với tôi không phải là cơ bản. Tôi chỉ nói tôi ra đi, hẹn ngày gặp lại các bạn. Có người hỏi tôi đi đâu mà buồn vậy? Xin hẹn các bạn sẽ trả lời sau nhé.

Nghe tôi trả lời như vậy, bạn bè bàn tán nhiều lắm. Họ cho rằng tôi đi Sài Gòn học hoặc đi nơi này nơi khác. Hôm nay đến gặp em, buổi chia tay thấy lòng buồn tê tái, hai đứa ngồi bên nhau suốt buổi sáng nhưng vỏn vẹn chỉ nói với nhau vài câu.

Nghẹn ngào và ứa lệ. Tôi hôn em lần cuối và động viên em: “Em phải nhớ tất cả những gì anh đã nói với em nhé”! Hẹn gặp em ngày giải phóng quê hương. Em khóc nhiều lắm, tôi lấy khăn lau những giọt nước mắt lăn tròn trên má.

Em nói với tôi, anh đi mạnh khỏe. Em nguyện giữ mãi mối tình cao thượng. Tình yêu của tôi lúc bấy giờ trọn vẹn chỉ có thế. Những gì của lứa tuổi thư sinh không phải nói thế, tôi không muốn người phải nhớ tôi. Tôi muốn cho em quên tôi, để tôi không còn vương vấn, không phải vì tôi không yêu em, mà tôi muốn chuẩn bị tinh thần để đón nhận những gay go gian khổ, ác liệt trên con đường tôi đi tới.

12.1.1966.

Một giờ ba mươi phút hôm nay tôi quyết định ra đi cùng với ba lô trên lưng và chiếc xe đạp. Từ biệt ba mẹ, các chị, các em. Sau này tôi biết má đã khóc rất nhiều vì thương tôi. Tôi cũng thương má, thương gia đình nhưng vì tôi là một thanh niên, là người con của một dân tộc không chịu khuất phục nên tôi quyết ra đi.

Trên đường đi lòng tôi vô cùng phấn khởi, 5 giờ chiều thì đến đơn vị. Ngày tháng dần trôi đi. Tôi nguyện đem hết sức mình phục vụ cho cách mạng, nguyện chiến đấu đến hơi thở cuối cùng của đời mình để mẹ và em được vui lòng, được tự hào về người con, người anh của mình. Tôi nguyện khi quê hương được giải phóng tôi sẽ trở về bên mẹ.

12.1.1967.

Ngót 1 năm trong quân đội, tất cả mọi việc đối với tôi đã không còn bỡ ngỡ như lúc ban đầu. Tôi được giao nhiệm vụ học đánh máy chữ. Tuy rằng công việc có nhẹ nhàng, đỡ vất vả nhưng cảm thấy gò bó. Khoảng 2 tháng học việc liên tục tôi đã khá thành thạo công việc. Rồi ngày vui nhất của tôi cũng đến, đó là khi đơn vị phát cho tôi một khẩu súng trường. Tôi rất quý nó, ngày đêm lau chùi chăm sóc cẩn thận. Kể từ ngày nhập ngũ, đây là lần đầu tiên tôi được tỳ súng trên vai bắn thử và giật mình khi súng nổ.

26.1.1967.

Lần đầu tiên tôi lập thành tích trong chiến đấu. Qua mấy ngày trinh sát, tìm hiểu căn cứ, chiều 25, được lệnh thủ trưởng phổ biến, triển khai đội hình chuẩn bị chiến đấu. Chúng tôi được trang bị 3 khẩu súng trường, bám công sự cách căn cứ ngoài 500 mét.

Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm cách dụ cho địch ra ngoài mà không để lộ căn cứ của ta. Sau khi cơm nước xong, chúng tôi vào công sự chuẩn bị tinh thần chiến đấu. Suốt đêm hôm đó tình hình yên tĩnh. Đến 4 giờ chiều, máy bay trinh sát từ đâu bay đến, lúc này tổ chúng tôi đã rời công sự.

Một mình tôi xách khẩu súng trường ra công sự. Chỉ trong một khoảnh khắc chiếc máy bay trinh sát của địch hạ thấp độ cao như săn tìm mồi. Chiếc máy bay càng lúc càng xuống thấp. Tôi lấy bình tĩnh và bắt đầu nhắm thẳng về chiếc máy bay và bóp cò. Tôi bắn đến viên đạn thứ bảy, chiếc máy bay lại bay ra xa tăng độ cao nhưng vẫn không từ bỏ mục tiêu là chiếc công sự của tổ chúng tôi.

Được một lúc chiếc máy bay lại hạ thấp độ cao. Tôi nhanh chóng tìm một vị trí thuận lợi nhất, tựa lưng, bình tĩnh lấy đường ngắm thật chính xác, chuẩn bị siết cò. Đúng lúc này chiếc máy bay lao về phía tôi, tôi nghiến răng siết cò, một loạt đạn bay thẳng về phía máy bay địch.

Tôi nghe thấy trên máy bay phát ra một tiếng nổ chát chúa. “Trúng rồi!”- Tôi hô lớn. Chiếc máy bay lảo đảo rồi chuồn thẳng. Đồng đội của tôi sau khi phát hiện cũng đồng loạt reo lên. Tôi vô cùng phấn khởi.

Mười phút sau, không ngờ địch phái lên một chiếc máy bay khác bay vào công sự của chúng tôi. Rồi ngay sau đó 3 chiếc F105 bay tới quần thảo trên bầu trời, một chiếc trong số đó lao xuống cắt bom, 3 chiếc còn lại đua nhau rải bom vào những vùng căn cứ.

Do không cân sức, đến 6 giờ chiều, đội chiến đấu của chúng tôi được lệnh rời căn cứ. Ngày hôm sau, thủ trưởng đơn vị mời tôi lên gặp và ông trao cho tôi một cái giấy khen vì một mình bắn hỏng chiếc máy bay địch. Chiến công đầu tiên của tôi không lớn nhưng nó đã đánh dấu sự trưởng thành của một người lính như tôi.

VIỆT ĐÔNG

(Còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nhat-ky-cua-mot-liet-si-khi-to-quoc-can-ho-biet-song-xa-nhau-ky-1-hen-em-ngay-giai-phong-que-huong-a147391.html