'Nhật ký thời chiến Việt Nam' tri ân những người lính

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Quỹ Mãi mãi tuổi 20 và CLB Trái tim người lính tổ chức xuất bản bộ sách quý 'Nhật ký thời chiến Việt Nam' gồm 4 tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang, của nhiều tác giả do nhà văn Đặng Vương Hưng chủ biên.

Đây là bộ sách mà nhóm tác giả đã dành nhiều tâm huyết để thực hiện. Nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ, bộ sách nhằm tri ân đồng đội, những người lính, những người chiến sĩ và phải mất 16 năm (2004-2020) nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng và các cộng sự mới hoàn thành công trình tâm huyết này...

Kể về hành trình của bộ sách nhật ký chiến trường, nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết: Nhiều bạn đọc trong và ngoài nước từng biết đến 2 cuốn nhật ký lừng danh, với hàng triệu bản in đã phát hành, được dịch ra nhiều thứ tiếng: “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” của Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Nhưng, chỉ 2 tác phẩm ấy thôi thì chưa đủ.

 Nhà văn Đặng Vương Hưng, người biên soạn bộ sách.

Nhà văn Đặng Vương Hưng, người biên soạn bộ sách.

Đây là lần đầu tiên, những tác phẩm nhật ký thời chiến Việt Nam hay nhất, nổi tiếng nhất một thời cùng đứng chung trong một bộ sách, với 30 tác phẩm của 30 tác giả. Không chỉ có nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” và “Nhật ký Đặng Thủy Trâm” mà còn có hàng chục cuốn nhật ký đầy máu lửa chiến trường khác, nhiều bạn chưa được đọc: “Gửi lại mai sau” của Nguyễn Hải Trường (tức liệt sĩ CAND vũ trang Nguyễn Minh Sơn); đặc biệt, là những trang viết của các văn nghệ sĩ nổi tiếng: “Nhật ký chiến tranh” của anh hùng, nhà văn, liệt sĩ Chu Cẩm Phong, “Nhật ký chiến trường" của liệt sĩ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý, “Những ngày trong vòng vây” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh; “Nhật ký vượt Trường Sơn” của TS. Phạm Quang Nghị, “Bê trọc” của nhà văn, TS. Phạm Việt Long và “Nhật ký đi B” của cố nhà văn Triệu Bôn.

Bạn đọc còn được tiếp cận những trang viết hiếm hoi mang đầy chất văn hóa tâm linh trong nhật ký “Trở về trong giấc mơ” của liệt sĩ Trần Minh Tiến - chàng cầu thủ bóng đá đẹp trai, có mối tình sâu đậm với cô văn công xung kích xứ Hà Đông xưa hoặc nhật ký “Tài hoa ra trận” đầy chất văn chương lãng mạn của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân - chàng họa sĩ đẹp trai.

Nhà văn Đặng Vương Hưng cho rằng, thể loại nhật ký, đặc biệt là nhật ký chiến trường sẽ mang một ngọn lửa, một ngọn lửa của lòng nhiệt huyết, sự hy sinh cao cả và một tấm lòng yêu nước sâu sắc của những người lính. Nhật ký cũng là những trang viết đáng tin cậy. Tất cả những gì ta đọc được ở đây là sự thật, dù nó có thể thô ráp nhưng tươi ròng và sống động, bởi hoàn toàn là những con người thật, những địa chỉ thật, những sự việc thật và những tâm trạng rất thật!

Nhà văn Phạm Việt Long, tác giả cuốn nhật ký "Bê trọc" khi được tham gia vào bộ sách nhật ký chiến trường đã xúc động chia sẻ: "Tôi viết những trang nhật ký của đời mình, sau này thành cuốn “Bê trọc” năm 1968 đến năm 1975, nó là quãng thời gian tôi sống trong lòng nhân dân, thấy nhân dân tốt quá. Tình nghĩa giữa nhân dân với bộ đội rất đậm đà. Người dân sẵn sàng hy sinh vật chất, tinh thần, đến cả tính mạng vì sự nghiệp cách mạng chung, vì những cán bộ, chiến sĩ.

Cuốn sách hầu như là câu chuyện thật, những trang nhật ký thẫm đẫm tâm can của đời tôi từng câu chuyện, từng cảnh, từng con người. Sau này tôi thêm vào những tư liệu khác để cho nó phong phú thêm chứ không viết thêm. Tôi cho rằng cảm xúc thời đó vẫn đang sống đến bây giờ. Đó là cảm xúc của một thế hệ. Rất mãnh liệt và chân thành nên dễ được mọi người chia sẻ. Đó là những ký ức đẹp và hào hùng, rất thắm tình. Đó là những trải nghiệm thực sự của một người lính trẻ của tôi trong chiến trường.

Điều kỳ lạ nhất là đối với tôi, cũng như nhiều đồng đội khác, trong bom đạn, dù gian khổ, sốt rét nguy kịch đến tính mạng, đạn bắn thẳng vào mình, bom dội trên đầu nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ chết. Lúc nào tôi cũng nghĩ là tôi sẽ trở về, tôi sẽ đi học đại học. Bởi hồi đó tôi mới chỉ là phóng viên của lớp học nghiệp vụ báo chí chứ chưa học đại học. Và, tôi may mắn hơn những đồng đội của mình là được trở về sau chiến tranh, đi học và làm những công việc mình tâm đắc. Được yêu và lấy chính cô y tá của Ban Tuyên huấn Khu 5 và sống với nhau đến gần nửa đời người. Nhưng, tất cả sự trở về này, là để tôi có thể có được "Bê trọc" và tôi vẫn sống cho đồng đội mình, họ là một phần cuộc đời tôi cho đến tận bây giờ và mãi mãi trong kiếp sống này...".

Nhà văn Phạm Việt Long - Tác giả cuốn “Bê trọc”.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khi nhắc đến "Nhật ký thời chiến Việt Nam" đã khẳng định, cuốn sách mang một giá trị lớn lao mà ngay lúc này chúng ta cũng chưa thể nhận ra hết giá trị của những trang nhật ký ấy.

Không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn những trang nhật ký của những người lính. Bởi họ viết những trang nhật ký này là viết ngay tại chiến trường, viết những gì mà họ muốn nói nhất khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không trở về với gia đình, với quê hương họ. Họ viết trong đói khát, trong bom đạn, trong chết chóc.

Chỉ khi cái chết cận kề thì tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất. Và sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do không hề khiếp sợ và sự dâng hiến trọn vẹn của họ cho đất nước. Nhiều năm sau chiến tranh Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu chiến tranh của Mỹ đã khẳng định: phát hiện lớn nhất của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là phát hiện ra nền văn hóa Việt Nam. Bởi thế mà những trang nhật ký của những người lính giải phóng Việt Nam đã trở thành một giá trị vô cùng to lớn làm lên bộ hồ sơ đặc biệt về văn hóa Việt Nam chứ không chỉ là một loại hồ sơ đặc biệt về cuộc chiến tranh giải phóng đất nước.

Trước sự sống còn của một cá nhân và sự sống còn của một dân tộc, nền văn hóa của dân tộc đó được chứng minh rõ ràng nhất và bền vững nhất. Chính vì sự tri ân đồng đội nên bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" do Quỹ Mãi mãi tuổi 20 và CLB Trái tim người lính tổ chức thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa; không nhằm mục đích kinh doanh mà chủ yếu là lưu giữ tư liệu quý cho thế hệ sau.

Nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ: Là một nhà văn, đồng thời là một người lính đã từng trực tiếp cầm súng bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, như nhiều cựu chiến binh khác, tôi hiểu thế nào là chiến tranh cùng sự hy sinh và mất mát. Nghề làm báo đã giúp tôi đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, để tìm hiểu nhiều sự kiện, nhân chứng và sưu tầm tư liệu...

Công việc viết văn đã giúp tôi “ngộ” ra một điều: Đôi khi, chính những trang nhật ký, ghi chép sổ tay... tưởng chừng rất đỗi riêng tư, xưa cũ, lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu; chúng có thể gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa của xã hội trong quá khứ; góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta tốt đẹp hơn...

Trần Hoàng Thiên Kim

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nhat-ky-thoi-chien-viet-nam-tri-an-nhung-nguoi-linh-594013/