Nhật-Nga thúc đẩy quan hệ kinh tế: Lưới-cấm-vận Nga thủng lỗ chỗ

Lưới cấm vận của Mỹ vốn đã thủng, không được vá mà còn bị khoét rộng ra, vì Mỹ trừng phạt Nga nhưng không quan tâm lợi ích của đồng minh.

Nhật Bản tăng cường thúc đẩy quan hệ kinh tế với Nga

Sputnik ngày 19/11 đưa tin, phát biểu tại cuộc họp Ủy ban hợp tác kinh tế Nga-Nhật tại Tokyo, Bộ trưởng Kinh tế-Thương mại-Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko cho biết nước này sẵn sàng thúc đẩy quan hệ kinh tế với Nga.

"Với tư cách là bộ trưởng chịu trách nhiệm hợp tác kinh tế với Nga, tôi đã hợp nhất những nỗ lực của chính phủ Nhật Bản, sẵn sàng tăng cường và phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước chúng ta".

Theo ông Seko, kế hoạch hợp tác nhằm nâng cao tuổi thọ và chất lượng sống cho người Nga, thông qua việc mở trung tâm phục hồi chức năng ở Vladivostok, nơi đã phục vụ gần 2.500 bệnh nhân Nga, là một ví dụ cụ thể cho sự hợp tác Nga-Nhật.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko

Bộ trưởng Kinh tế-Thương mại-Công nghiệp Nhật Bản còn cho biết kết quả hợp tác sản xuất các loại thuốc chống ung thư bạch cầu tại Trung tâm Yaroslavl ở Nga sẽ sớm được đưa vào phục vụ cộng đồng - một dấu ấn quan trọng của mối quan hệ.

Ông Seko tiết lộ Nhật Bản chuẩn bị cùng với Nga khởi động liên doanh sản xuất hệ thống định vị phục vụ cho việc kiểm soát giao thông đường sắt, nhất là ở khu vực nội đô Moscow.

"Bên cạnh đó, việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và tăng cường các mối quan hệ kinh tế ở Viễn Đông là những kế hoạch tiếp theo thúc đẩy sự hợp tác đầu tư giữa hai nước Nga-Nhật", Bộ trưởng Seko nhấn mạnh.

Được biết, đến năm 2017, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đóng góp hơn 16 tỷ USD trong tổng số 21 dự án kinh tế ở vùng Viễn Đông của Nga, liên quan tới nhiều lĩnh vực kinh tế cụ thể.

Tháng 11/2018, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết đối tác các Nhật Bản đã xác nhận sẵn sàng đầu tư vào Dự án kỹ thuật số Transneft Telecom của Nga, tạo hệ thống cáp viễn thông ngầm tốc độ cao.

"Tại Hội nghị APEC 2018 ở Papua New Guinea, RDIF đã nhận được sự xác nhận của các đối tác từ Nhật Bản đầu tư vào Dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật số Transneft Telecom", ông Dmitriev trao đổi với báo giới.

Cáp viễn thông ngầm tốc độ cao kết nối Nga với Nhật Bản và Hàn Quốc, có chiều dài khoảng 1.000 km. Hệ thống cáp này sẽ kết nối với các đường truyền hiện tại của Transneft Telecom, tổng chiều dài hơn 16.000 km, bao trùm toàn bộ lãnh thổ Nga.

Theo Giám đốc điều hành RDIF, Dự án kỹ thuật số Transneft Telecom sẽ là "cây cầu kỹ thuật số" kết nối châu Âu và châu Á thông qua Nga, giúp cho tốc độ đường truyền nhanh hơn nhiều so với hiện nay.

Dự án kỹ thuật số của Transneft Telecom là đích đến tiếp theo của những đồng yên từ đất nước mặt trời mọc

Trước đó, hồi tháng 5/2018, tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng cho biết Tokyo đang lên kế hoạch tham gia vào Dự án khí hóa lỏng khổng lồ Yamal LNG của Nga.

"Ngoài lĩnh vực truyền thống trong hợp tác với Nga là năng lượng, chúng tôi cũng có nghiên cứu các dự án khác nhau, trong đó có việc xem xét khả năng xây dựng kế hoạch tài trợ vốn cho Yamal LNG".

Với những dự án đã được hiện thực hóa, những dự án đang được triển khai, những dự án tiền khả thi đã và đang được xây dựng, cho thấy quan hệ Nga-Nhật đã thực sự phát triển, mà không ai có thể nghĩ rằng nó diễn ra trong thời Nga bị cấm vận.

Lưới cấm vậm Nga của Mỹ đã thủng lỗ chỗ

Sau khi Mỹ-phương Tây trừng phạt Moscow-cấm vận Nga, cùng với Pháp, Nhật là nước đã có chuyển động lệch pha sớm nhất với Mỹ. Thủ tướng Abe là lãnh đạo thứ hai trong G-7 đến thăm Nga hồi tháng 5/2016, sau Tổng thống Pháp Holland.

Bloomberg ngày 6/5/2016 từng bình luận rằng, chuyến thăm của Thủ tướng Abe đến Nga thể hiện sự lệch pha rõ ràng nhất của Tokyo với Washington, và ông Abe đã phá vỡ “khối đoàn kết” của ông Obama nhằm hạ gục nước Nga và ông Putin.

Giáo sư James Brown, Đại học Temple ở Tokyo cho rằng : "Abe đang có một rủi ro rất lớn vì các thành viên G-7 khác đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng. Obama đã trực tiếp nhắc nhở Abe rằng thăm Nga trong thời điểm đó là chưa thích hợp”.

Washington cho rằng điều cực kỳ quan trọng là các đồng minh của nước Mỹ - trong đó có Nhật Bản - cần phải tiếp tục đoàn kết trong việc tiếp cận với nước Nga, trước khi Tổng thống Putin có nhượng bộ.

"Quan hệ của chúng ta với Nga không thể bình thường như chưa xảy ra chuyện gì, vì Nga vẫn vi phạm luật pháp quốc tế ở Ukraine", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Noel Clay khi đó nêu rõ quan điểm của Mỹ về chuyến thăm Nga của ông Abe.

Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe trong chuyến thăm cắt lưới cấm vận Nga của người đứng đầu chính phủ Nhật

Tuy nhiên, "đây là chuyến thăm quan trọng cho thấy Nhật không hoàn toàn phụ thuộc đồng minh Mỹ, là dấu hiệu cho thấy rằng chính sách cô lập Nga của ông Obama đã thất bại", Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Alexei Pushkov, nhận định.

Theo Kyodo, Thủ tướng Abe đã rất mạo hiểm khi thực hiện chuyến thăm Nga vào tháng 5/2016, nhằm giúp Tổng thống Putin phá băng trong quan hệ giữa Nga với G-7, mà "con bài Ukraine" là nguyên nhân của sự đóng băng ấy.

“Nhà lãnh đạo Nhật Bản hy vọng rằng, quan hệ mạnh mẽ giữa hai nền kinh tế, mang lại hiệu quả cao thì sẽ có tác động tích cực đối với nhiều vấn đề, trong đó các cuộc đàm phán về lãnh thổ giữa hai quốc gia.

Ông Abe đã trình bày với ông Putin một Kế hoạch 8 điểm nhằm xây dựng các mối quan hệ gần gũi hơn trong các lĩnh vực như sản xuất dầu và khí đốt, phát triển vùng kinh tế Viễn Đông ở Nga và xây dựng các trung tâm y tế”, Kyodo tường thuật.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nhat-nga-thuc-day-quan-he-kinh-te-luoi-cam-van-nga-thung-lo-cho-3369498/