'Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh'

Cha ông ta đúc rút: 'Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay'. Có 'nghề trong tay' thì chẳng lo chết đói. Thế nhưng làm gì để có 'nghề trong tay' lại là việc không dễ. Đặc biệt, trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động phải hội đủ nhiều yếu tố, trong khi đó các nhà trường phải đào tạo theo nhu cầu của xã hội và người học cần. Trong bối cảnh máy móc, công nghệ có thể làm thay thế con người ở nhiều công đoạn, ngành nghề, thì người lao động càng phải tìm cách thích nghi.

Thông tin đáng mừng là trong mùa tuyển sinh năm học 2019-2020, nhiều trường nghề rất “đắt giá” và ghi điểm trong mắt phụ huynh, học sinh. Không như nhiều năm trước, khi hầu hết trường nghề phải “né” đợt tuyển sinh đại học để có cơ hội “vớt” được thí sinh, hiện không ít cơ sở đào tạo nghề đã tổ chức tuyển sinh song song, đủ chỉ tiêu ngay trong đợt đầu chiêu sinh hoặc có số điểm đầu vào không kém trường đại học.

Rõ ràng, vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã tạo được niềm tin với người học, đồng thời khẳng định chất lượng đào tạo qua tay nghề, kỹ năng người lao động khi gia nhập thị trường. Điều đáng nói, năm 2019, chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam đã tăng 13 bậc, góp phần tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngoài ra, các ngành, địa phương hiện đã xác định được 130 nghề để đào tạo trọng điểm; xây dựng được 40 trường để đầu tư trở thành trường đào tạo nghề chất lượng cao theo tiêu chuẩn khu vực, quốc tế…

Tuy nhiên, điều còn khiến chúng ta băn khoăn, trăn trở là Việt Nam có số lượng lao động đứng thứ ba trong khu vực ASEAN, nhưng tỷ lệ lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo mới đạt 20%, thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực; xu hướng chuyển dịch lao động còn bất hợp lý; tâm lý ưu tiên học đại học vẫn phổ biến… Thực trạng này khiến thị trường lao động Việt Nam vẫn thiếu những thợ lành nghề, ở trình độ cao. Đánh giá mới đây của Ngân hàng Thế giới khiến chúng ta phải suy nghĩ khi chất lượng lao động Việt Nam mới đạt 3,79/10 điểm, đứng thứ 11/12 nước ở châu Á tham gia xếp hạng.

Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ và bối cảnh toàn cầu hóa, chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt để đất nước ta hội nhập thành công, phát triển mạnh mẽ. Một trong những điểm nổi bật thời gian qua, góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực là sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, đã giúp không ít người “chân lấm, tay bùn” trở thành người lao động có tay nghề cao. Đây cũng được xem là một tầm nhìn dài hạn trong vấn đề tiếp tục nâng cao tay nghề cho lao động, đáp ứng yêu cầu mới.

Với Hà Nội, thành phố đã xác định xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đặt trong một tầm nhìn xa, tiếp cận công nghệ quốc tế và đẩy mạnh tự chủ, gắn kết doanh nghiệp với nhà trường. Các cơ sở đào tạo nghề như Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội... đã dần trở thành thương hiệu, địa chỉ tin cậy của không ít doanh nghiệp và học sinh. Những nghề đào tạo theo chương trình chuyển giao từ các nước phát triển như cơ điện tử, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, công nghệ ô tô… luôn có số lượng thí sinh đăng ký theo học vượt chỉ tiêu, bởi tỷ lệ tìm được việc làm sau tốt nghiệp luôn đạt 100%.

Rõ ràng, học nghề ra có việc làm sẽ thu hút được nhiều người theo học, mỗi trường nghề phải nhìn thấu điều này bằng tầm nhìn chiến lược cùng sự mở rộng hợp tác, phát triển. Theo điều tra của ngành chức năng, hiện cả nước mới có hơn 12% doanh nghiệp hợp tác thường xuyên với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nên cần phải đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia của doanh nghiệp, nâng tầm kỹ năng lao động là thực sự cần thiết, tránh lãng phí các nguồn lực trong xã hội, nâng cao hiệu quả đào tạo. Doanh nghiệp sẽ có những đóng góp thiết thực nhất vào các bước hoàn thiện quy trình, nội dung giáo dục nghề nghiệp bởi chính họ là người sử dụng lao động, hiểu hơn hết phải làm gì tốt nhất để có nguồn nhân lực lành nghề.

Tại Diễn đàn quốc gia về nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam với chủ đề “Doanh nghiệp đồng hành, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục nghề nghiệp khi khẳng định: Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, không cách nào tốt hơn là các cơ quan chức năng phải quan tâm, ưu tiên đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng thu hút doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo.

Về phần mình, chính người lao động cũng phải đề cao tinh thần tự học, học tập suốt đời để tiếp cận những tri thức mới. Phải khẳng định, máy móc có thể thay thế các hoạt động thủ công, nhưng không thể thay thế con người. Do đó, việc từng bước hoàn thiện kỹ năng công nghệ số, kỹ năng chuyên sâu với những yêu cầu mới là điều bắt buộc phải làm. Và trên hết, mỗi người khi đã chọn nghề nào thì phải quý yêu nghề ấy, phải có trách nhiệm với nghề, mới có thể "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Đó là phẩm chất cần có để người lao động thành công trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Bắc Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suy-ngam/951237/nhat-nghe-tinh-nhat-than-vinh