Nhật nối tầm cho ASM-3 để bảo vệ đảo tranh chấp

Nhật Bản vừa quyết định tăng tầm bắn gấp đôi cho tên lửa ASM-3 và trang bị chúng cho đơn vị bảo vệ quần đảo tranh chấp.

Quyết định tăng tầm cho ASM-3 được Cơ quan hậu cần Mua sắm và Công nghệ thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản (ATLA) đưa ra nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho các đảo của quốc gia này.

Được biết, ASM-3 được hoàn thiện năm 2017, tuy nhiên đến nay vũ khí này vẫn chưa được đưa vào trang bị chính thức vì tầm bắn chỉ đạt 200km. Tên lửa cần được tăng cường phạm vi tấn công nhằm đối phó với hệ thống phòng không tầm xa của Hải quân Trung Quốc.

Tiêm kích F-2 mang theo tên lửa ASM-3.

Tiêm kích F-2 mang theo tên lửa ASM-3.

Theo kế hoạch, ban đầu những tên lửa ASM-3 phiên bản mới sẽ được ưu tiên trang bị cho dòng tiêm kích nội địa F-2 của Nhật Bản. Để tăng tầm lên gấp đôi, Nhật Bản đang tính đến việc lắp đặt động cơ ramjet, trang bị công nghệ dẫn đường quán tính/hỗn hợp (vệ tinh và radar mặt đất) cho ASM-3 để phát triển biến thể lắp đặt trên xe vận tải, trên tàu cùng bản trên chiến đấu cơ.

Và khi được tăng tầm lên đến trên 400km, tiêm kích F-2 của Nhật Bản trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều. Bởi theo những thông tin được công khai, tên lửa chống hạm siêu thanh mới ASM-3 có thể bay nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh vượt qua tốc độ của một số loại tên lửa chống hạm của Nga.

ASM-3 sẽ thay thế những tên lửa trước đây trong biên chế của lực lượng phòng vệ Nhật Bản, nhằm đối phó với những tình huống bất trắc xảy ra. Kế hoạch trang bị ASM-3 phiên bản mới lên F-2 dự kiến được Nhật Bản triển khai vào cuối năm 2020.

Điểm làm nên sức mạnh của ASM-3 chính là khi bay ở giai đoạn cuối, nó có thể bay theo phương thức thay đổi quỹ đạo liên tục, cùng cơ chế dẫn đường chính xác làm cho tên lửa đánh chặn của đối phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu diệt nó trong thời gian ngắn, ngay cả khi tập trung hỏa lực hoặc sử dụng nhiều tên lửa cùng lúc để đánh chặn.

Đối phương chỉ có 15 giây nếu muốn đánh chặn loại tên lửa này. Bên cạnh đó, ASM-3 có khả năng tàng hình cực mạnh, khi bay lướt trên mặt biển để tấn công mục tiêu radar rất khó phát hiện. Với lớp vỏ được thiết kế đặc biệt để tăng cường khả năng tàng hình, dòng tên lửa được ví như "ngư lôi trên không trung" này đã vượt trội hơn so với hầu hết tên lửa chống hạm của đối thủ.

Không chỉ có vậy, ASM-3 còn có khả năng chống gây nhiễu điện tử tương đối mạnh, chính vì thế khả năng sống sót của nó trong chiến trường đã được nâng cao lên rất nhiều.

Chính vì vậy, việc kết hợp ASM-3 với tiêm kích F-2 đã tạo thành vũ khí tấn công cực kỳ nguy hiểm với bất cứ tàu chiến nào lọt vào tầm ngắm của chúng, kể cả những tàu chiến có khả năng đánh chặn rất mạnh.

Clip Nhật thử nghiệm tên lửa ASM-3

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nhat-noi-tam-cho-asm-3-de-bao-ve-dao-tranh-chap-3377191/