Nhật phát triển bom phóng từ mặt đất bảo vệ Senkaku

Theo Jiji Press hôm 25/9, Nhật Bản quyết định loại bom siêu âm mới được thiết kế để khai hỏa từ bệ phóng tương tự của tên lửa trên mặt đất.

Chương trình này được Bộ Quốc phòng Nhật Bản thực hiện, theo kế hoạch, đến năm 2025, loại bom lướt siêu âm phóng từ mặt đất sẽ chính thức được trang bị. Ngân sách dùng cho chương trình vũ khí mới hiện đã được phê duyệt trong ngân sách của Bộ Quốc phòng Nhật Bản trong năm với khoảng 13,8 tỉ yen (122 triệu USD).

Nói về thế hệ bom đặc biệt này, PGS Quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Daito Bunka (Nhật Bản), Garren Mulloy, cho biết vũ khí mới sẽ được bổ sung cho các tên lửa hành trình mà quân đội Nhật Bản đã triển khai.

Tên lửa chống hạm Nhật.

Ông Mulloy nhận định: "Hiện quân đội Nhật Bản đang rất thiếu các vũ khí dẫn đường chính xác kiểu vậy, đặc biệt là so với Mỹ, NATO hay Nga. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi họ đang muốn nghiên cứu những loại vũ khí như vậy".

Điểm đặc biệt của bom lướt siêu âm là chúng được triển khai trên các bệ phóng di động và trên mặt đất. Hệ thống sẽ phóng một tên lửa tới độ cao hơn 20 km trước khi quả bom lướt tách ra và được dẫn đường với tốc độ cao đến mục tiêu. Tốc độ và góc bắn giúp nó khó bị đánh chặn hơn.

Ông Mulloy cho biết thêm, có khả năng loại bom mới sẽ được sử dụng trên xe quân sự, các khu vực cố định, tòa nhà và tàu nhỏ. Còn tên lửa hành trình vẫn sẽ được sử dụng để tấn công các tàu lớn hơn.

Nói về địa điểm triển khai, Jiji Press cho rằng Nhật Bản sẽ đưa vũ khí mới lên các đảo gồm Miyako và Ishigaki (một phần của tỉnh Okinawa) nằm trong phạm vi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông do lo ngại Bắc Kinh chiếm quần đảo này.

Cùng với việc ưu tiên bom thông minh cho điểm nóng tranh chấp nói trên, hiện Nhật Bản cũng đang cân nhắc triển khai tên lửa chống hạm đến đảo Miyako - cửa ngõ ra Thái Bình Dương của tàu Trung Quốc.

Nguồn tin Bộ Quốc phòng và Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản dự kiến đưa ra quyết định về việc triển khai tên lửa trong năm nay. Nếu quyết định triển khai được thông qua, bức tường phòng thủ tại chuỗi đảo Tây Nam của Nhật Bản sẽ bào gồm những hệ thống tối tân hàng đầu khu vực với nòng cốt là Type 12 và hệ thống SSM-1 Type 88.

Các hệ thống tên lửa này được triển khai lần lượt ở đảo Okinawa, Miyako, Kumamoto, nằm ở bờ biển phía tây Kyushu. Những địa điểm này được nối với nhau bởi đảo Amami (Oshima Amami). Trong đó, riêng Kumamoto sẽ được triển khai khoảng 196 tên lửa đối hạm Type 12, trị giá 302 triệu USD.

Vậy, khả năng tác chiến của những hệ thống vũ khí này của Nhật Bản mạnh đến đâu? Tên lửa bờ đối hạm thế hệ mới Type 12 có trọng lượng 660 kg, chiều dài 5 m, đường kính 0,35 m, độ cao bay 5 - 6m so với mặt biển khiến hệ thống phòng thủ đối phương có rất ít cơ hội đánh chặn.

Với tầm phóng khoảng 200km, đầu đạn nặng hơn 270kg, cùng với độ chính xác và khả năng dẫn đường cao hơn so với Type 88. Type 12 sẽ cung cấp cho lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật khả năng chống hạm rất mạnh, có khả năng phong tỏa toàn bộ các eo biển, chặn đường tàu chiến Trung Quốc ra vào Thái Bình Dương.

Tên lửa chống hạm thế hệ mới Type 12 còn có khả năng thu nhận và truyền các dữ liệu của tàu chiến địch về trung tâm chỉ huy và tự động điều chỉnh đường bay phù hợp. Hơn nữa, khoảng thời gian chuẩn bị giữa 2 lần phóng ngắn hơn rất nhiều so với Type 88.

Hiện nay Nhật Bản có tổng cộng 5 chi đội tên lửa bờ đối hạm với 80 hệ thống tên lửa Type 88. Trong "Kế hoạch điều chỉnh lực lượng phòng vệ trung hạn" được Bộ quốc phòng Nhật Bản xây dựng năm 2017 cho thấy, hiện nước này đã chế tạo được khaongr 50 hệ thống tên lửa Type 12.

Dù không mạnh bằng Type 12 nhưng sức mạnh của SSM-1 vẫn rất đáng sợ. SSM-1 có trọng lượng 650 kg, dài 5 m, đường kính 35 cm, mang đầu đạn nặng 225 kg. Tên lửa trang bị động cơ đẩy nhiên liệu rắn, cho phép nó bay với tốc độ 1.150 km/h và tầm bắn lên tới 150 km.

Và khi những vũ khí này phối hợp chiến đấu, chúng hầu như không cho đối phương có cơ hội nào để đánh chặn.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nhat-phat-trien-bom-phong-tu-mat-dat-bao-ve-senkaku-3366147/