Nhặt 'thần dược' trên núi về trồng, lão nông thu gần 1 tỷ mỗi năm

Từ 3 gốc sâm Nam ban đầu chỉ trồng 'để chơi', sau 5 năm ông Dương Văn Vui (Bắc Giang) sở hữu hơn 3.200m2 trồng sâm, mỗi năm mang lại cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng.

Chiều một ngày giữa tháng 5, đứng bên ngôi nhà hơn 1 tỷ mới xây, ông Vui, trưởng thôn Lãn Tranh 1, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, Bắc Giang khẳng định cơ ngơi gia đình ông có được đều nhờ bén duyên với cây sâm Nam mà có.

Vừa làm vừa chơi cũng bỏ túi vài trăm triệu mỗi năm

Ông Vui cho biết, gia đình ông vốn thuần nông, kinh tế không mấy dư giả. Để có thêm thu nhập, vợ chồng ông trồng cây ăn quả tuy nhiên chỉ thu về hơn 20 triệu đồng mỗi năm.

Một lần thấy hàng xóm có cây sâm lạ, ông Vui xin 2-3 gốc về trồng để chơi, ông không ngờ "bén duyên" với cây sâm đến tận bây giờ.

"Cây sâm Nam này ưa đất sỏi, dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc mà nó mang lại kinh tế cao. Trước vườn nhà tôi chỉ trồng các loại cây ăn quả như ổi, vải, mít... nhưng từ khi cây sâm bắt đầu cho lợi nhuận kinh tế cao, tôi bàn với vợ chặt bỏ hết cây ăn quả để trồng sâm", ông Vui cho biết.

Theo lời vị trưởng thông, sau trồng từ 4 đến 5 năm, cây sâm Nam mới cho thu hoạch củ. Tuy nhiên, sau gần 1 năm sâm bắt đầu ra hoa, cây trồng đạt 4 tuổi trở lên sẽ cho năng suất tương đương 40 kg khô/sào. Chỉ tính tiền bán hoa sâm, người trồng thu về hàng trăm triệu đồng/ha/năm (tùy chất lượng sản phẩm).

"1kg hoa khô hiện tại đang bán với giá 800.000 - 1.000.000 đồng/kg, với diện tích gần 1ha, mỗi vụ gia đình tôi thu hoạch được khoảng 2 tạ hoa, thu nhập được gần 200 triệu/năm.

Nguồn lợi từ hoa sâm giúp gia đình có thu nhập trong thời gian chờ thu hoạch củ, bảo đảm trang trải cuộc sống", ông Vui nói, 1 vụ hoa đủ để gia đình ông trang trải cuộc sống cả năm.

Theo lời ông Vui, ở thời điểm hiện tại giá trị của cây sâm mang lại không gì mang lại thu nhập bằng. Do đó, gần như các hộ dân trong làng đã và đang chuyển sang trồng sâm để "đổi đời".

"Hiện trong làng nhà nào ít thì nửa ha, nhiều thì 2-3ha. Mỗi năm nhà thu nhập nhiều thì hơn 1 tỷ, ít cũng vài trăm triệu.

Cái cơ ngơi này của gia đình tôi đều là nhờ cây sâm mới có được chứ nhà nông chỉ trông chờ vào ruộng lúa, vườn cây ăn quả thì cả đời cũng không được nhà như thế này", ông Vui nói.

Vườn sâm tiền tỷ chưa bao giờ biết ế

Qua câu chuyện với trưởng thôn Vui, được biết người mang giống sâm Nam về làng chính là ông Dương Văn Viên (68 tuổi). Ở thôn Lãn Tranh, hỏi nhà ông Viên không ai không biết. Ông được ví như người nổi tiếng ở làng về trồng sâm, gia đình ông cũng là số ít những hộ có thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Ngồi trong ngôi nhà 2 tầng khang trang, vị "tiền bối" hơn 40 năm trồng sâm chia sẻ, năm ông 13 tuổi, mỗi lần đi chăn bò trên núi Dành, ông thường nghe các cụ kể về cây sâm nam. Những câu chuyện quanh loài cây này dần ăn sâu vào tâm trí ông. Ý tưởng có một vườn sâm cũng từ đó nhen nhóm trong ông.

Năm 1972, ông Viên nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Sau ngày đất nước thống nhất, ông xuất ngũ trở về quê hương làm nông nghiệp. Năm 2005, ông mua sâm giống của người quen và bắt tay vào thực hiện ước mơ của mình.

Người cựu chiến binh chia sẻ, cây sâm với ông giống như một mối lương duyên may, do đó từ khi bắt đầu khởi nghiệp đến nay, cây sâm nam núi Dành đã được nhiều người biết đến.

Hiện, qua quá trình vừa làm vừa tìm hiểu, nghiên cứu, đến nay vườn sâm với diện tích gần 6.000m2 của ông Viên có trên 8.000 gốc sâm đang bắt đầu cho thu hoạch hoa và củ mang giá trị kinh tế cao.

Toàn bộ diện tích vườn ông Viên đầu tư hệ thống máy phun tưới tự động không cần thuê nhân công tưới nước hàng ngày, thay vào đó lão nông có thể lên lịch, cài đặt giờ tưới nước cho cây, kiểm tra được độ ẩm của đất, từ đó điều chỉnh số lần tưới theo yêu cầu.

Ông Viên cho biết: "Cây sâm không như các loại cây khác, không mất nhiều công chăm sóc, phần lớn phân bón được sử dụng đều là phân hữu cơ, hoàn toàn không cần sử dụng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật có hại tới sản phẩm và môi trường. Đến thời điểm thu hoạch củ, sản phẩm sẽ được lấy mẫu, kiểm tra chất lượng, sâm nằm ngoài vườn, ai có nhu cầu cần bao nhiêu sẽ đào bấy nhiêu".

Hiện tại, mỗi năm gia đình ông Viên thu nhập từ 800 - 1 tỷ đồng từ việc bán cây sâm giống, hoa sâm khô và củ sâm. Ngoài ra, ông cũng tạo công ăn việc làm cho rất nhiều nông dân khác.

"Củ sâm loại to đẹp nhất, gia đình tôi đang bán 2,2 triệu đồng/kg, loại nhỏ hơn có giá khoảng 1,8 triệu đồng. Riêng tiền hoa khô mỗi vụ gia đình tôi thu hoạch khoảng 3 tạ hoa khô, riêng tiền hoa đã cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng", ông Viên cho biết.

Không chỉ dừng lại làm giàu cho bản thân, ông Viên nhân giống rộng rãi, giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm trồng sâm cho bà con trong làng với mong muốn cùng nhau thoát nghèo.

"Trước đây ở làng các gia đình chủ yếu trồng sắn, cây bạch đàn, nhưng bây giờ hầu hết đã phá bỏ đi để trồng sâm Nam.

Gần như cây sâm ở cả làng đều từ vườn nhà tôi mà ra hết. Nhiều người từ các tỉnh như Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa... biết tiếng cây sâm Nam núi Dành cũng tìm hỏi, mua giống về trồng", ông Viên cho biết.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nhat-than-duoc-tren-nui-ve-trong-lao-nong-thu-gan-1-ty-moi-nam-172230517113842639.htm